23/12/2024

Nhiều doanh nghiệp dệt may vẫn ‘ngóng’ đơn hàng

Nhiều doanh nghiệp dệt may vẫn ‘ngóng’ đơn hàng

Tính đến tháng 7-2020, nhiều doanh nghiệp dệt may Việt Nam gần như chưa có đơn hàng cho hai quý cuối năm đối với các sản phẩm có giá trị cao như veston, sơmi cao cấp.

 

Nhiều doanh nghiệp dệt may vẫn ngóng đơn hàng - Ảnh 1.

Theo Hội Dệt may thêu đan TP.HCM, nhiều doanh nghiệp hội viên tiếp tục giãn ngày và giảm giờ làm trong bối cảnh đơn hàng thiết hụt do dịch COVID-19 – Ảnh: T.V.N.

Ghi nhận mới nhất của Bộ Công thương về tình hình hoạt động của các doanh nghiệp dệt may ngày 31-7 cho thấy tính đến tháng 7-2020, nhiều doanh nghiệp gần như chưa có đơn hàng cho hai quý cuối năm đối với các sản phẩm có giá trị cao như veston, sơmi cao cấp.

Trong khi các mặt hàng khẩu trang và đồ bảo hộ được coi là “chiếc phao cứu sinh” cho nhiều doanh nghiệp may trong quý trước hiện tại giá đã giảm mạnh do dư thừa nguồn cung trên toàn thế giới.

7 tháng đầu năm 2020, Bộ Công thương cho hay xuất khẩu xơ, sợi dệt các loại giảm 20,9%; vải mành, vải kỹ thuật giảm 40%; hàng dệt và may mặc giảm 12,1%…

Bộ Công thương cho rằng các tháng còn lại của năm doanh nghiệp dệt may cần bù đắp sự thiếu hụt đơn hàng xuất khẩu bằng cách đẩy mạnh khai thác thị trường nội địa, giảm thiểu tối đa sự sụt giảm doanh thu và lợi nhuận bằng việc quản trị chi phí sản xuất.

Đồng thời giữ vững chất lượng sản phẩm, bố trí lại lực lượng sản xuất, xác định lực lượng lao động chủ lực cần duy trì việc làm và thu nhập để người lao động đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn khi thị trường chưa hồi phục..

Trong khi đó, Tập đoàn Dệt may (Vinatex) dự báo xuất khẩu dệt may của Việt Nam 6 tháng cuối năm tiếp tục giảm từ 14-18% so với cùng kỳ năm trước, dự kiến tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2020 chỉ đạt 32,75 tỉ USD, giảm khoảng 16% so với năm 2019.

TRẦN VŨ NGHI
TTO