24/12/2024

Doanh nghiệp “tụt huyết áp” vì Covid-19 trở lại

Doanh nghiệp “tụt huyết áp” vì Covid-19 trở lại

Thông tin xuất hiện thêm nhiều trường hợp dương tính với Covid-19 tại Đà Nẵng, Quảng Nam đã khiến nhiều doanh nghiệp lo bị “tụt huyết áp”.
Nhà máy sản xuất khẩu trang của Công ty cổ phần quốc tế Dony bắt đầu hoạt động hết công suất /// Ảnh: Ng.Ng
Nhà máy sản xuất khẩu trang của Công ty cổ phần quốc tế Dony bắt đầu hoạt động hết công suất   ẢNH: NG.NG

Kích cầu nội địa có thể giảm

Ngày 26.7, sau khi UBND TP.Đà Nẵng có công văn yêu cầu tạm dừng hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu như khu vui chơi, giải trí, karaoke, quán bar, nhà hàng… từ 13 giờ, bà Lam Nguyên, chủ chuỗi Queen Palace Karaoke tại Đà Nẵng, viết trên Facebook: “Lại phải đóng cửa nữa sau 1,5 tháng hoạt động. Đà Nẵng ơi, cố lên!”. Hỏi, bà Lam cho biết chi nhánh karaoke tại Đà Nẵng là cơ sở lớn nhất, chiếm 50% trong tổng doanh thu của chuỗi 3 cơ sở karaoke mà doanh nghiệp (DN) đầu tư (1 cơ sở ở Đà Nẵng và 2 cơ sở ở Đắk Lắk), hoạt động được hơn 1 năm nhưng đã có gần 6 tháng đóng cửa vì dịch bệnh. Lần tái dịch này đúng là “giáng thêm đòn thiệt hại lớn” cho DN.

Thông tin tái dịch như thùng nước lạnh “dội vào niềm tin và hy vọng của DN”. Điều đáng lo nhất là nền kinh tế có thể bị lao đao. Nếu mọi cái trở lại như hồi tháng 3, tháng 4 vừa qua là ngưng kinh doanh, ngưng giãn cách sản xuất… chắc chắn sẽ có nhiều DN không chống cự nổi nữa

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính)

“DN khó khăn đã đành, thương nhất là nhân viên làm tại cơ sở không nhận được hỗ trợ từ gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng của Chính phủ vì trong công văn hướng dẫn hỗ trợ các đối tượng lao động không có chữ “karaoke”, tuy có liệt kê những người lao động trong dịch vụ lưu trú, nhà hàng, quán bar… “Dấu “ba chấm” trong công văn không được hiểu có ngành karaoke, nên người lao động trong ngành này ra phường bị từ chối, chỉ có nhận được hỗ trợ… trên báo chí và ti vi”, bà Lam cho biết.

Chủ cơ sở may mặc thời trang D.T (Q.8, TP.HCM), bà Thái Trang, cho biết sau thời gian “mua đắp bán vá” nguyên phụ liệu trong ngành may mặc, đầu tháng 7, cơ sở đã nhập được lượng vải lớn từ Hàn Quốc và đang dốc lực sản xuất bán ra mạnh trong tháng 7 và tháng 8, chạy đua với ngành du lịch. “Đang hồ hởi, nghe tin Đà Nẵng “dính” lại Covid-19 là “tụt huyết áp” luôn. Các đơn hàng áo đầm thời trang của cơ sở bán đi các tỉnh từ đầu mùa du lịch đang tăng rất tốt. Chúng tôi vẫn áp dụng giảm 10% trên mỗi đơn hàng sỉ, mục đích kích cầu. Thấy người tiêu dùng rục rịch đi du lịch rất mừng vì nhu cầu mua sắm đi chơi đã trở lại. Vậy mà…
2 hôm nay đơn hàng các nơi đã chững lại. Lo lắng nhất lúc này là số vải nhập khẩu về bán trong tháng 8 này lại tồn nữa, DN đã gồng mình mấy tháng nay rồi, mới gọi công nhân quay trở lại, nếu có chuyện gì…”, bà Trang lắc đầu buồn bã bỏ lửng câu nói.
Ông Phạm Tân, chủ vựa hải sản lớn tại Q.Tân Bình (TP.HCM), cho biết ngành thủy hải sản nuôi để bán trong nước, phục vụ khách du lịch là chính nên chắc phá sản nếu du lịch đóng cửa lần nữa. “Tôm nuôi giá từ 250.000 – 280.000 đồng/kg vào mùa du lịch cao điểm nay bán ra 160.000 đồng/kg và có ngày phải “giải cứu” với giá 130.000 đồng/kg, lỗ nặng vẫn chưa ai mua. Tình hình dịch có thể tái hạn chế đi lại, người dân không dám đi du lịch, kích cầu nội địa coi như phá sản”.
Tuy nhiên, dịch bệnh có thể bi kịch với ngành này, nhưng cơ hội với ngành khác, đặc biệt ngành sản xuất mặt hàng… chống dịch. Ông Phạm Quang Anh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần quốc tế Dony (Q.Tân Bình, TP.HCM), cho biết: “Một mặt lên kế hoạch ứng phó nếu dịch tràn lan, phải sản xuất giãn cách, một mặt phải tăng sản xuất để khi thị trường có nhu cầu, mình không bị động và không cuốn vào dòng xoáy tăng giá gây khó khăn cho người tiêu dùng”. Công ty Dony chuyên may áo quần bảo hộ lao động xuất khẩu. Trong mùa dịch, công ty đã xuất khẩu hơn 10 triệu khẩu trang vải kháng khuẩn sang các thị trường lớn, trong đó tập trung Mỹ và Úc.

E ngại tỷ lệ doanh nghiệp phá sản tăng

Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM (HUBA), liệt kê một số ngành nghề có DN chọn chiến lược quay lại thị trường nội địa trong thời gian qua như chế biến, thủy hải sản… xây dựng chuỗi liên kết, “ông” này là khách hàng của “ông” kia khá chuyên nghiệp. Tuy nhiên, miếng bánh thị trường nội địa quá nhỏ, nên cạnh tranh rất lớn. Nếu dịch bùng phát buộc phải ngưng hoạt động dịch vụ kéo dài, sẽ vô cùng khó khăn cho nền kinh tế, không riêng gì DN.
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) nhận định: Tỷ lệ phá sản có thể tăng gấp 3 – 4 lần so với số hiện tại do số DN đang tồn tại chưa “chết” nhưng vẫn trong tình trạng đau ốm chưa từng khỏe hẳn. Đa số tập trung DN vừa và nhỏ, yếu lắm nhưng vẫn cố gồng. Nếu tình hình quay lại cách đây 3 tháng thôi là thách thức rất lớn. DN không cần tài chính nữa mà cần người mua hàng, cần giao thương, mua bán, hoạt động… “Thông tin tái dịch như thùng nước lạnh “dội vào niềm tin và hy vọng của DN”. Điều đáng lo nhất là nền kinh tế có thể bị lao đao. Nếu mọi cái trở lại như hồi tháng 3, tháng 4 vừa qua là ngưng kinh doanh, ngưng giãn cách sản xuất… chắc chắn sẽ có nhiều DN không chống cự nổi nữa”, ông Thịnh lo lắng.
NGUYÊN NGA
TNO