23/01/2025

TP.HCM chấm điểm để chọn đường cần làm trước

TP.HCM chấm điểm để chọn đường cần làm trước

Thay vì mạnh ai nấy đề xuất, sắp tới tuyến đường nào được chấm điểm cao sẽ được làm trước. Đây được coi là một giải pháp cho hạ tầng giao thông ở TP.HCM, vốn đang quá tải, không bắt kịp tốc độ phát triển dân số và xe cộ.

 

 

 

TP.HCM chấm điểm để chọn đường cần làm trước - Ảnh 1.

Cao tốc Long Thành – Dầu Giây thường xuyên ùn ứ xe vào dịp lễ, tết, cuối tuần – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Theo các chuyên gia, mô hình này không chỉ áp dụng cho riêng TP mà cần nghiên cứu, nhân rộng, nhất là những dự án hạ tầng liên quan đến kết nối phát triển vùng.

Thang điểm 100

Ông Phan Công Bằng – phó giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM – cho hay sở đang chủ trì xây dựng một số đề án để trình Đại hội đại biểu Đảng bộ TP nhiệm kỳ XI (2020-2025), trong đó có đề án phát triển giao thông hạ tầng TP từ nay đến năm 2030.

Đề án được kỳ vọng sẽ tạo ra bước đột phá cho hạ tầng giao thông TP, trong đó có điểm nhấn là mở rộng ra các đô thị vệ tinh với bán kính từ 30-50km gồm Dĩ An, Lái Thiêu, Thủ Dầu Một (Bình Dương), Biên Hòa, Nhơn Trạch (Đồng Nai), Đức Hòa, Bến Lức, Tân An (Long An), Trảng Bàng (Tây Ninh) và Phú Mỹ (Bà Rịa – Vũng Tàu). Đồng thời, đề án còn tính đến kết nối vùng Đông Nam Bộ, ĐBSCL.

Theo ông Bằng, đề án xây dựng bộ khung lộ trình cho từng dự án giao thông, trên cơ sở chấm điểm tiêu chí, ưu tiên đầu tư các dự án thứ tự từ số điểm cao xuống thấp.

TP.HCM chấm điểm để chọn đường cần làm trước - Ảnh 2.

Quy mô đường cao tốc TP.HCM – Mộc Bài

Hiện có một số dự án ưu tiên cần tập trung triển khai như xây mới cao tốc TP.HCM – Mộc Bài, mở rộng cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây để nối sân bay Long Thành, khép kín đường vành đai 2, 3. Mở rộng 4 tuyến quốc lộ 1, 13, 22, 50 và xa lộ Hà Nội theo quy hoạch. Đồng thời, ưu tiên các dự án metro, các tuyến kết nối cảng Cát Lái, Hiệp Phước và cửa ngõ sân bay.

“TP.HCM có thể trở thành nhạc trưởng ưu tiên thực hiện các tuyến đường, công trình cần kết nối để kinh tế, giao thông vùng cùng đi lên. Các tỉnh lân cận cùng nhau làm thì sẽ có sự kết nối hài hòa, hiệu quả hơn.
TS Trần Quang Thắng (viện trưởng Viện Kinh tế
và quản lý TP.HCM)

Để có cơ sở khoa học khi đánh giá, lựa chọn đầu tư đảm bảo cấp bách, tin cậy phù hợp khả năng huy động vốn, các chuyên gia đề xuất xây dựng bộ tiêu chí với các thang điểm để xác định thứ tự ưu tiên đầu tư là cần thiết.

Các dự án giao thông sắp tới đây sẽ được liệt kê các danh mục và được đánh giá tổng thể trên 8 tiêu chí với số điểm tối đa là 100.

Cụ thể, tiêu chí 1: có kết nối vùng đô thị mới, đô thị vệ tinh, khu công nghiệp, liên vùng (15 điểm). Tiêu chí 2: giải quyết điểm nghẽn cửa ngõ, các đầu mối giao thông (15 điểm). Tiêu chí 3: phù hợp với định hướng không gian đô thị trên cơ sở hành lang phát triển như kết nối đường hành lang (10 điểm). Tiêu chí 4: có tác động lan tỏa kích thích sự phát triển TP và vùng (15 điểm).

Ngoài ra, các tiêu chí khả năng huy động vốn và sử dụng nguồn vốn (15 điểm), hiệu quả kinh tế – xã hội (15 điểm), phù hợp quy hoạch chi tiết 1/500 (5 điểm), phù hợp với định hướng không gian đô thị trên cơ sở hành lang phát triển (10 điểm).

Cần tập trung ưu tiên một số công trình

Theo thống kê, hiện có tới 43 dự án giao thông trọng điểm tại TP.HCM bị ảnh hưởng do vướng mặt bằng, trong đó có 8 dự án phải tạm ngưng giữa chừng nhiều năm do vướng mặt bằng cầu Tăng Long, Nam Lý (Q.9)… Việc này không chỉ ảnh hưởng tới tiến độ mà còn dẫn tới nguy cơ đội vốn.

TS Võ Kim Cương – nguyên phó kiến trúc sư trưởng TP – cho rằng hạ tầng giao thông TP không đủ đáp ứng dẫn tới ùn tắc ở nhiều nơi. Trong khi, thời gian qua việc đầu tư các công trình triển khai còn manh mún, cục bộ, đầu tư dàn trải. Hầu hết các công trình bị đình trệ, đội vốn dẫn tới tình hình giao thông ít được cải thiện.

Ông Cương nhận định các dự án được xây dựng theo thứ tự ưu tiên dựa vào thang điểm là rất cần thiết và nên áp dụng sớm.

“Từ số điểm chấm được, TP có thể lập ra một đơn vị có chức năng khảo sát, nghiên cứu, thẩm định thang điểm cho từng dự án. Các bên liên quan ngồi lại với nhau căn cứ trên các tiêu chí và đặc điểm dự án để cho ra mức điểm cuối cùng” – TS Cương đề xuất.

TP.HCM chấm điểm để chọn đường cần làm trước - Ảnh 4.

Nếu có đường vành đai 3 TP.HCM “chia lửa” sẽ kéo giảm kẹt xe trên quốc lộ 1 (Q.12) – đường vành đai 2 TP.HCM – Ảnh: VĂN BÌNH

Theo ông Cương, TP không nên làm theo kiểu dàn trải mà tập trung hoàn thiện từng dự án, từng nhóm công trình theo từng giai đoạn sẽ ưu tiên nhóm công trình nào trước. TP quyết liệt làm được như vậy thì mới tăng hiệu quả công trình, giải quyết được vấn nạn ùn tắc, đồng thời hạn chế việc đội vốn ở nhiều công trình đang gặp phải.

Tuy nhiên để làm được vậy, khi chọn ra danh mục dự án được ưu tiên, TP phải đảm bảo khâu chuẩn bị vốn, giải phóng mặt bằng.

Đồng quan điểm, TS Vũ Anh Tuấn – giám đốc Trung tâm nghiên cứu giao thông vận tải Việt Đức (Trường ĐH Việt Đức) – cho rằng TP có nhu cầu đầu tư nâng cấp hạ tầng đường bộ lớn nhưng ngân sách hạn hẹp.

Chính vì vậy, việc chọn ra thứ tự ưu tiên đầu tư các dự án, công trình giao thông là nên làm. Ví dụ đến nay toàn TP cần xây dựng 100 công trình để giải quyết các vấn nạn giao thông nhưng nguồn vốn chỉ đủ làm 5 dự án thì sẽ ưu tiên những dự án nào? “Các dự án được đầu tư tràn lan không giải quyết được vấn đề gì” – TS Tuấn phân tích.

Sớm đầu tư khép kín đường vành đai 3, 4Với vai trò là đầu tàu, trung tâm kết nối vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là chủ tịch Hội đồng vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, thời gian qua TP.HCM đã làm việc với các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tây Ninh và các tỉnh miền Tây để cùng rà soát các quy hoạch của địa phương và liên vùng thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội.

Qua đó, các địa phương vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nhận thấy cần phải sớm đầu tư khép kín đường vành đai 3, 4. Bởi đường Vành đai 3 đi qua TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An là con đường huyết mạch, khi hoàn thành sẽ giảm ùn tắc, tai nạn và rút ngắn thời gian đi lại giữa các tỉnh. Đường Vành đai 4 dài khoảng 198km đi qua các tỉnh thành Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM và Long An, khi hoàn thành thúc đẩy kết nối vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và Đồng bằng sông Cửu Long.

Mới đây, tại cuộc họp với Thủ tướng Chính phủ về thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2020 và khó khăn, vướng mắc của các dự án, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho hay đường Vành đai 3 mới chỉ đầu tư được 16,3km/89,3km, đường Vành đai 4 vẫn chưa được xây dựng.

Từ đó, TP.HCM kiến nghị từ nay đến năm 2025 cần sớm đầu tư hoàn thành đường Vành đai 3 và thông qua chủ trương đầu tư đường Vành đai 4 để có cơ sở xác định ranh giải phóng mặt bằng, xác định nguồn vốn, kêu gọi đầu tư.

Độc giả có các ý kiến tham gia Diễn đàn Kết nối hạ tầng giao thông vùng Đông Nam Bộ trên Tuổi Trẻ Online xin bài về hộp thư [email protected]. Các ý kiến đóng góp xin gửi kèm hình ảnh (nếu có).

 

ĐỨC PHÚ – THU DUNG – PHI BẰNG
TTO