23/01/2025

Châu Á dính làn sóng lây thứ 2 với số ca nhiễm ngày một tăng

Châu Á dính làn sóng lây thứ 2 với số ca nhiễm ngày một tăng

Nhiều nước châu Á đang đối mặt với làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ 2 khi số ca nhiễm đang ngày một tăng và phải áp dụng các biện pháp mạnh mẽ nhằm khống chế dịch bệnh.

 

Châu Á dính làn sóng lây thứ 2 với số ca nhiễm ngày một tăng - Ảnh 1.

Cảnh sát ở Melbourne (Úc) kiểm tra và nhắc nhở người dân việc đeo khẩu trang theo quy định bắt buộc – Ảnh: Reuters

Ngày 27-7, theo Hãng tin Reuters, Cơ quan y tế Úc thông báo ghi nhận thêm 549 trường hợp nhiễm virus corona, chỉ một ngày sau khi ghi nhận số ca tử vong do mắc COVID-19 cao nhất từ trước tới nay.

Đây là ngày có số ca mắc bệnh cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát, chủ yếu do số người mắc COVID-19 tại bang Victoria tăng vọt, tới 532 người. Nhà chức trách Úc thừa nhận làn sóng lây nhiễm thứ 2 ở Melbourne – thủ phủ bang Victoria – kéo dài hơn dự kiến.

Hong Kong cấm ăn uống ở nhà hàng

Thủ tướng Úc Scott Morrison cho rằng thực trạng lây nhiễm tại bang Victoria cho thấy mối nguy mới khi những người trẻ tuổi, vốn được cho là có nguy cơ thấp, lây nhiễm cho nhau và sau đó là cho các thành viên trong gia đình rồi đến các nhà dưỡng lão.

Tính đến chiều 27-7, tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn Úc là 14.935 người, trong đó có 161 trường hợp tử vong.

Cùng ngày 27-7, Trung Quốc đại lục cũng ghi nhận thêm 57 ca lây nhiễm trong cộng đồng – mức cao nhất trong một ngày kể từ ngày 6-3. Theo Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC), trong số các ca lây nhiễm trong cộng đồng có 41 ca tại khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương, 14 ca tại tỉnh Liêu Ninh, 2 ca tại tỉnh Cát Lâm. Đây là những địa phương cũng đã ghi nhận ca lây nhiễm cao trong ngày trước đó.

Chính quyền khu hành chính đặc biệt Hong Kong cũng thông báo ghi nhận thêm 145 ca mới, trong đó có 142 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Đây là ngày có số ca mắc COVID-19 cao nhất từ trước tới nay tại Hong Kong.

Thông báo trên được đưa ra chỉ vài giờ sau khi chính quyền Hong Kong quyết định siết chặt hơn các hoạt động nhằm khống chế sự lây lan của dịch bệnh. Theo đó, người dân không được phép tụ tập quá 2 người, phải đeo khẩu trang bắt buộc tại các địa điểm công cộng, trong đó có cả khu vực ngoài trời; cấm toàn bộ hoạt động ăn uống tại các nhà hàng.

Yêu cầu này có hiệu lực từ ngày 29-7 và kéo dài trong 7 ngày. Đây là lần đầu tiên đặc khu hành chính Hong Kong cấm ăn uống tại các nhà hàng.

Kể từ cuối tháng 1 đến nay, Hong Kong ghi nhận hơn 2.600 người mắc COVID-19, trong đó có 20 trường hợp tử vong.

Ngày 27-7, Bộ Y tế Ấn Độ thông báo nước này ghi nhận số ca lây nhiễm mới cao nhất trong 24 giờ với gần 50.000 người được xác định dương tính, nâng tổng số ca mắc bệnh lên 1.435.453 người.

Ấn Độ cũng ghi nhận thêm 708 trường hợp tử vong, nâng tổng số ca tử vong lên 32.771. Hiện còn 485.114 bệnh nhân COVID-19 đang được điều trị tại các bệnh viện của nước này

Mỹ đầu tư cả tỉ đô cho vắcxin

Theo Hãng tin AFP, chính quyền Mỹ đã tăng gấp đôi đầu tư, lên đến gần 1 tỉ USD, để hỗ trợ điều chế một loại vắcxin ngừa COVID-19 do Công ty Moderna của nước này phát triển.

Ngay trước khi bắt đầu giai đoạn thử nghiệm lâm sàng mang tính quyết định từ ngày 27-7 với 30.000 người tham gia, chính Công ty công nghệ sinh học Moderna công bố thông tin Chính phủ Mỹ hiện lên kế hoạch chi thêm 472 triệu USD, ngoài gói đầu tư 483 triệu USD đã công bố trước đó.

Dự kiến, trong thử nghiệm mở rộng từ ngày 27-7, một nửa trong số 30.000 người tham gia sẽ nhận 1 liều vắcxin 100 microgam, trong khi những người còn lại sẽ được nhận giả dược.

Theo báo Express (Pháp), trong cuộc đua bào chế vắcxin hiện nay trên thế giới, có vẻ vắcxin của Moderna, được đặt tên là mRNA-1273, đang dẫn đầu.

Có nguồn gốc di truyền từ virus, vắcxin mRNA về cơ bản mô phỏng một ca nhiễm COVID-19 tự nhiên, lừa cơ thể sản xuất kháng thể với hi vọng chúng sẽ bảo vệ chống lại nhiễm trùng trong tương lai.

Trong thử nghiệm nhỏ ban đầu hồi tháng 5 vừa qua, vắcxin của Moderna đã tạo ra kháng thể đối với toàn bộ 45 người tham gia.

Nhóm nghiên cứu chia sẻ với Tạp chí Y học New England rằng họ nhận thấy cơ thể các tình nguyện viên đầu tiên tham gia thử nghiệm xuất hiện kháng thể trung hòa trong máu. Đây được xem là chìa khóa giúp ngăn chặn lây nhiễm COVID-19. Moderna cho biết có thể sản xuất từ 500 triệu tới 1 tỉ liều vắcxin/năm, bắt đầu từ năm 2021.

Vài ngày trước, Chính phủ Mỹ cũng đã nhất trí “đặt cọc” 1,95 tỉ USD để đảm bảo được mua 100 triệu liều vắcxin do Công ty dược phẩm Mỹ Pfizer phối hợp với Công ty công nghệ sinh học BioNTech của Đức bào chế.

16.412.815

Đó là tổng số ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu (tính đến 17h ngày 27-7). Số ca tử vong là 652.039 nhưng số ca hồi phục đã lên đến 10.042.362.

TƯỜNG NGUYỄN
TTO