24/12/2024

Công hàm Biển Đông của Úc là khởi đầu đẩy lùi việc bành trướng của Trung Quốc

Đệ trình công hàm lên Liên Hiệp Quốc ngày 23-7, Úc bác bỏ tất cả các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông trái với Công ước LHQ về Luật biển năm 1982 (UNCLOS).

Công hàm Biển Đông của Úc là khởi đầu đẩy lùi việc bành trướng của Trung Quốc

Đệ trình công hàm lên Liên Hiệp Quốc ngày 23-7, Úc bác bỏ tất cả các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông trái với Công ước LHQ về Luật biển năm 1982 (UNCLOS).

Công hàm Biển Đông của Úc là khởi đầu đẩy lùi việc bành trướng của Trung Quốc - Ảnh 1.
Các bộ trưởng quốc phòng và ngoại giao Mỹ, Úc bắt tay nhau trong một sự kiện song phương – Ảnh: AFP

Chúng tôi không chấp nhận điều Trung Quốc nói. Về điều này, xin hãy lưu ý tới các công hàm phản đối số 22/HC-2020, số 24/HC-2020 và số 25/HC-2020 của Việt Nam cũng như công hàm 000192-2020 của Philippines.

Chính phủ Úc nhắc khéo trong công hàm gửi LHQ ngày 23-7.

Như vậy sau Mỹ, Úc là quốc gia thứ hai ngoài khu vực Biển Đông gia nhập “cuộc chiến công hàm” về điểm nóng này ở Liên Hiệp Quốc. Trước đó, công hàm do Malaysia đệ trình lên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa của Liên Hiệp Quốc hồi tháng 12-2019 đã kéo theo một loạt công hàm và công thư thể hiện lập trường từ Việt Nam, Philippines, Trung Quốc, Indonesia đến Mỹ.

“Đi xa” hơn tuyên bố của Mỹ

Trả lời Tuổi Trẻ, giáo sư Carl Thayer (ĐH New South Wales, Học viện Quốc phòng Úc) nhận định rằng thông điệp quan trọng của Úc là bác bỏ cả cơ sở pháp lý và lịch sử đối với các yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông.

“Về mặt pháp lý, Úc bác bỏ hoàn toàn bất kỳ đường cơ sở, khu vực hàng hải và phân loại thực thể biển của Trung Quốc không phù hợp với UNCLOS 1982. Úc cũng bác bỏ cái gọi là “quyền lịch sử” và yêu sách “quyền và lợi ích hàng hải” của Trung Quốc được thành lập dựa trên “thực tiễn lịch sử”, GS Thayer nói.

Ông Thayer, học giả lâu năm về Biển Đông, chỉ ra rằng công hàm của Úc mới đây có hai điểm đi xa hơn tuyên bố chính thức gần đây của Mỹ về yêu sách của Trung Quốc.

“Đầu tiên, Úc thể hiện sự “lo ngại nghiêm trọng” đối với yêu sách của Trung Quốc cũng như quan điểm của Bắc Kinh cho rằng Trung Quốc đã “liên tục và thực sự” có chủ quyền đối với các thực thể lúc chìm lúc nổi, vì đây là những thực thể “không tạo ra một phần lãnh thổ đất liền của một quốc gia”.

Thứ hai, Úc bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và lập luận của Bắc Kinh về việc yêu sách này “đã được cộng đồng quốc tế công nhận rộng rãi”. Úc đã lấy các phản đối từ Việt Nam và Philippines để minh họa cho trường hợp này. Tuy nhiên, Úc cũng không đứng về phía nào trong tranh chấp này (lãnh thổ)”, ông Thayer phân tích.

Tóm tắt một số cách phản ứng gần đây của Úc, ông Thayer nói với Tuổi Trẻ rằng thực chất những “cách tiếp cận riêng” của Úc chính là việc tuyên bố Úc sẽ tham gia nhiều hơn ở Đông Nam Á, mà cụ thể là ưu tiên cho Indonesia và Việt Nam.

Đẩy lùi sự bành trướng

TS Sascha-Dominik Dov Bachmann – giáo sư tại Trường luật Canberra, ĐH Canberra (Úc) – nhận định với Tuổi Trẻ rằng công hàm của Úc gửi LHQ mới đây có thể được xem là sự khởi đầu tốt cho chính sách đối ngoại của trước hết là người Úc.

“Đây có thể được xem là sự đẩy lùi dành cho việc bành trướng của Trung Quốc về yêu sách biển ở Đông Nam Á và là một khởi đầu tốt cho Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao và thương mại Úc, bên cạnh việc nhắm vào các dự án của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (ngoài “Vành đai – Con đường”) trong kế hoạch tham vọng của ông”, TS Bachman – người đã có một bản đệ trình gửi Quốc hội Úc về phương án ứng phó của Úc đối với tác động của đại dịch COVID-19, trong đó bao gồm việc rà soát lại chiến thuật của Trung Quốc – cho biết.

Viết trên tờ The Interpreter của Viện nghiên cứu Lowy, TS Bec Strating thuộc Đại học La Trobe (Úc) nhận định việc đệ trình công hàm lên LHQ vào thời điểm này “rất có ý nghĩa”.

“Ngôn từ của Úc có phần thận trọng hơn nhưng bám sát vào pháp lý hơn là các vấn đề hành vi. Úc từ lâu đã nêu rõ các tranh chấp trên Biển Đông cần được giải quyết theo luật quốc tế” – chuyên gia Bec Strating nhận định.

Theo bà Bec Strating, một điểm rõ ràng là Úc đã bác bỏ cái gọi là quyền lịch sử của Trung Quốc trên Biển Đông dựa theo phán quyết năm 2016 của Tòa trọng tài quốc tế. Hành động lần này của Úc là một chiến thắng cho những ai thượng tôn luật quốc tế trên Biển Đông.

“Việc Bắc Kinh sẽ đáp trả lại động thái lần này như thế nào sẽ rất đáng theo dõi. Trung Quốc có thể sẽ trừng phạt Úc bằng các biện pháp gây khó dễ về thương mại, nhưng xét trong thời điểm năm 2020 thì chuyện này đã thành điều hiển nhiên trong quan hệ kinh tế của hai nước rồi” – chuyên gia thuộc Đại học La Trobe phân tích.

Lãnh đạo Úc công du Mỹ

Chỉ vài tiếng sau khi công hàm xuất hiện trên webiste của Ủy ban Ranh giới thềm lục địa, Ngoại trưởng Úc Marise Payne và Bộ trưởng quốc phòng Úc Linda Reynold đã lên đường tới Washington ngày 25-7 cho các cuộc gặp trực tiếp với những người đồng cấp Mỹ. Đây là cuộc đối thoại chiến lược an ninh được đánh giá là quan trọng nhất trong nhiều thập niên qua giữa Úc và Mỹ.

Biển Đông và Trung Quốc chắc chắn sẽ bao trùm chương trình nghị sự, với chỉ dấu rõ nhất là công hàm của Úc. Trong bài xã luận ký tên chung trên tờ The Australian số ra ngày 25-7, bà Payne và bà Reynold đã nhắc đến “các hành động cưỡng ép ở Biển Đông, làm leo thang tranh chấp và quân sự hóa các thực thể tranh chấp đang tiếp tục tạo ra các căng thẳng và bất ổn cho khu vực”.

NHẬT ĐĂNG – DUY LINH
TTO