Lừa đảo đất đai vẫn hoành hành
Lừa đảo đất đai vẫn hoành hành
Hàng loạt vụ khởi tố, bắt giam cá nhân, tổ chức lừa đảo trong lĩnh vực đất đai vẫn không ngăn chặn được tình trạng này do nguồn lợi nhuận thu về quá lớn. Dự án “ma” vẫn hoành hành khắp nơi.
Vẽ dự án “ma”
Bà Võ Thị Hiển (ngụ P.14, Q.11, TP.HCM) mới làm đơn tố cáo hành vi lừa đảo của ông Nguyễn Văn Chung, Tổng giám đốc Công ty TNHH đo đạc tư vấn thiết kế xây dựng DCB (Công ty DCB) có trụ sở tại số 63 Thoại Ngọc Hầu (P.Hòa Thạnh, Q.Tân Phú, TP.HCM).
Theo trình bày của bà Hiển, từ tháng 9.2017 – 4.2018, bà đã ký 3 hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, hợp đồng hợp tác đầu tư với công ty này và đã đóng tổng cộng gần 6 tỉ đồng. Theo các hợp đồng này, ông Nguyễn Văn Chung cam kết một thời gian ngắn sau sẽ công chứng sang tên, khi đó bà Hiển sẽ đóng hết số tiền còn lại. Tuy nhiên, như nhiều vụ tương tự, dù đưa ra nhiều cam kết nhưng Công ty DCB và ông Chung không thực hiện. Điều lạ lùng là theo hợp đồng ký kết, người bán đứng tên cá nhân ông Chung, nhưng cuối hợp đồng và giấy biên nhận tiền đều đóng dấu Công ty DCB.
Khi nhận thấy nhiều bất thường, tháng 5.2018 bà Hiển đã yêu cầu ông Chung trả lại tiền và được ông này chuyển lại hơn 2,1 tỉ đồng. Nhưng còn gần 4 tỉ thì bất lực. “Trong suốt thời gian từ tháng 2.2020 đến nay, tôi có vài lần liên lạc được với ông Nguyễn Văn Chung nhưng ông này lẩn tránh không gặp, không trả lại tiền và cũng không giao đất. Hoang mang, bà Hiển tìm hiểu thì được biết các lô đất của ông Nguyễn Văn Chung bán cho bà đều không ra sổ và ông Chung cũng không đứng tên chủ quyền”, bà Hiển lo lắng kể.
Một khách hàng khác của “dự án” này, ông Trần Văn Chung (ngụ Q.Gò Vấp, TP.HCM) cho biết: Ngày 14.6.2018, ông tới Công ty DCB để ký hợp đồng đặt cọc mua 2 lô đất nằm trong tờ bản đồ số 2, P.Tân Chánh Hiệp, Q.12, với số tiền 1 tỉ đồng. Theo hợp đồng, 7 tháng sau công ty sẽ ra sổ đỏ và sang tên cho ông, khi đó ông phải thanh toán số tiền còn lại là 3,6 tỉ đồng. Tuy nhiên, quá thời hạn nêu trên công ty không giao nền và không công chứng sang tên nền đất như cam kết. Ông yêu cầu công ty trả lại số tiền cọc 1 tỉ đồng nhưng ông Nguyễn Văn Chung không trả.
Đây chỉ là 2 trong nhiều khách hàng mua đất không được giao nền đang rộ lên khắp nơi trên địa bàn TP.HCM cũng như các tỉnh, thành khác. Đó là những khách mua nền đất tại dự án khu dân cư Central House, khu dân cư thuộc đường số 4 Lò Lu (P.Trường Thạnh, Q.9) của Công ty Phát An Gia do ông Hoàng Mạnh Cường làm chủ. Đất không thấy đâu, trong khi ông Cường đã “lặn” biệt tăm, công ty đóng cửa. Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước đây 2 khu đất trên được cấp sổ đỏ cho ông Cường và bà Hoàng Thị Hồng. Tuy nhiên, đến ngày 29.4.2020, 2 khu đất đã được cấp sổ đỏ cho ông T.M.Q. Hay những khách hàng mua nền đất khu dân cư Việt Á 8 (trên đường 483A, xã Phạm Văn Cội, H.Củ Chi, TP.HCM) cũng đang gửi đơn tố cáo khắp nơi việc công ty này bán đất phân lô mấy năm nay không bàn giao. Thậm chí đến nay toàn bộ khu đất này đã bị bán cho một người tên N.T.T. Rồi hàng chục khách hàng mua đất nền của Công ty An Thuận Phát tại Đồng Nai, TP.HCM, Bà Rịa-Vũng Tàu cũng chung cảnh trắng tay vì đất không được giao, chủ đầu tư đóng cửa công ty và “lặn” mất tăm, trong khi những lô đất công ty này vẽ dự án lại không có thật.
Thủ đoạn bán đất phân lô
Ông Huỳnh Tấn Tây, Phó chủ tịch UBND P.Tân Chánh Hiệp (Q.12) – là nơi Công ty DCB vẽ dự án bán cho khách hàng, xác nhận qua kiểm tra, khu đất trên thuộc quy hoạch đất công trình công cộng và một phần thuộc hành lang an toàn điện. Hiện cơ quan có thẩm quyền không phê duyệt hay thỏa thuận bất kỳ dự án nào ở khu vực này. Đất Công ty DCB rao bán cũng không thuộc quyền sử dụng của công ty này mà thuộc cá nhân khác tên N.T.T.V.
“UBND phường đã ra thông báo cảnh báo mua bán đất nền nhà phố tại vị trí đường Dương Thị Mười (đối diện Bệnh viện Q.12), P.Tân Chánh Hiệp để cảnh báo người dân”, ông Tây cho biết.
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) Lê Hoàng Châu phân tích quy định của pháp luật cho tách thửa đối với từng loại đất, đây là tiền đề cho việc phân lô bán nền bùng nổ. Nếu các địa phương thực hiện nghiêm túc sẽ ổn, nhưng thực tế có tình trạng buông lỏng quản lý, cán bộ tiếp tay đầu nậu, dẫn đến tách thửa tràn lan. Do đó, muốn bán nền phải thực hiện đúng quy định trong luật Kinh doanh bất động sản như xong hạ tầng, có giấy tờ hợp lệ về đất, giấy phép xây dựng… Địa phương phải kiểm soát chặt về phân lô tách thửa. Nếu cố tình lừa đảo phải xử lý nghiêm về mặt hình sự để tăng sức răn đe. Đối với người mua đất nền phân lô, trước khi ký hợp đồng, đặt cọc cần tìm hiểu kỹ pháp lý ở địa phương, nơi có dự án xem chủ đất là ai, đã được cơ quan chức năng cho hiến đất làm đường hay chưa, đất đã chuyển lên thổ cư chưa…
ĐÌNH SƠN
TNO