26/12/2024

Việt Nam – Đức nhất trí sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU

Việt Nam – Đức nhất trí sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng và Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Đức Niels Annen ngày 23-7 nhất trí sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU (EVIPA), tạo khuôn khổ pháp lý khuyến khích hợp tác đầu tư trong các lĩnh vực tiềm năng.

Việt Nam - Đức nhất trí sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU - Ảnh 1.

Thứ trưởng Tô Anh Dũng hội đàm trực tuyến với ông Niels Annen, Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Đức ngày 23-7 – Ảnh: BỘ NGOẠI GIAO

Ngày 23-7, Thứ trưởng Tô Anh Dũng đã hội đàm trực tuyến với ông Niels Annen, Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Đức.

Hai bên bày tỏ vui mừng trước sự phát triển mạnh mẽ của quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam – Đức trên nhiều lĩnh vực, thiết thực kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao 1975-2020.

Thứ trưởng Tô Anh Dũng khẳng định Đức luôn là đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam trong Liên minh châu Âu (EU).

Theo Bộ Ngoại giao Việt Nam, việc hai nước gần đây thông qua Kế hoạch hành động chiến lược và thành lập Ủy ban hỗn hợp về hợp tác kinh tế là một bước tiến có ý nghĩa quan trọng.

Kế hoạch này sẽ góp phần thúc đẩy hợp tác song phương, nhất là hợp tác kinh tế – thương mại giữa hai nước, đặc biệt trong bối cảnh Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) sẽ có hiệu lực từ ngày 1-8.

Hai bên mong nhất trí sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU (EVIPA), tạo khuôn khổ pháp lý khuyến khích các doanh nghiệp hai bên tăng cường hợp tác đầu tư trong các lĩnh vực còn nhiều tiềm năng.

Quốc vụ khanh Niels Annen cho biết Đức coi trọng vai trò của Việt Nam tại khu vực Đông Nam Á và bày tỏ nhất trí với các biện pháp làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược Việt – Đức trên các lĩnh vực mà hai nước có chung lợi ích như thương mại – đầu tư, khoa học – công nghệ, y tế, giáo dục…

Quốc vụ khanh Đức cũng chúc mừng thành công của Việt Nam trong ứng phó với dịch COVID-19.

Về hợp tác trên bình diện đa phương, Thứ trưởng Tô Anh Dũng đánh giá cao sự phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau giữa Đức và Việt Nam tại các tổ chức quốc tế, đặc biệt khi hai nước đảm nhiệm vai trò kép, vừa cũng là ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (UNSC) vừa đóng vai trò chủ chốt tại khu vực trong năm 2020. Việt Nam là Chủ tịch ASEAN năm 2020 và Đức là Chủ tịch luân phiên EU 6 tháng cuối năm 2020.

Quốc vụ khanh Annen đề nghị hai nước cùng nỗ lực đóng góp thúc đẩy thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN – EU, đưa hợp tác giữa hai khu vực lên một tầm cao mới, hiệu quả và toàn diện hơn nữa.

Trong khuôn khổ UNSC, hai nước nhất trí tăng cường hợp tác và phối hợp chặt chẽ để thúc đẩy các vấn đề cùng quan tâm, tích cực đóng góp cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trên thế giới.

Phía Đức bày tỏ quan tâm theo dõi và quan ngại tình hình căng thẳng hiện nay tại Biển Đông gây ảnh hưởng đến tự do an ninh, an toàn hàng hải, hàng không trong khu vực, nhất trí việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982.

 

NGUYÊN HẠNH
TTO