27/12/2024

Tàu thuyền bỏ sang tỉnh khác, cảng cá 110 tỉ đồng ‘đìu hiu’

Tàu thuyền bỏ sang tỉnh khác, cảng cá 110 tỉ đồng ‘đìu hiu’

Đầu tư tới 110 tỉ đồng và đưa vào sử dụng từ năm 2014, chỉ sau 3 năm, cảng cá Xuân Hội (xã Xuân Hội, H.Nghi Xuân, Hà Tĩnh) bị bồi lấp nặng, khiến tàu thuyền của ngư dân ra vào phải phụ thuộc thuỷ triều.
Cảng cá Xuân Hội cạn trơ đáy vì luồng lạch bị cát biển bồi lấp /// Ảnh Phạm Đức
Cảng cá Xuân Hội cạn trơ đáy vì luồng lạch bị cát biển bồi lấp  ẢNH PHẠM ĐỨC
Theo ghi nhận, cảng cá Xuân Hội có 5 luồng lạch thì hiện có 4 luồng bị cát biển bồi lấp, khiến tàu thuyền không thể ra vào khi thủy triều xuống thấp.
Nhiều ngư dân chia sẻ, thời điểm mực nước xuống thấp, cửa biển trước cảng cá là một bãi cát rộng lớn, chỉ còn 1 luồng nước nhỏ hẹp đủ cho thuyền nhỏ ra vào. Vì thế, lịch trình của các tàu có công suất lớn phải phụ thuộc vào thủy triều, có khi rơi vào thời điểm trưa nắng, khi thì buổi chiều, lúc thì buổi tối.
Ngư dân Nguyễn Lưu Truyền (50 tuổi, ngụ xã Xuân Hội) cho biết, gia đình ông có con tàu công suất trên 600 CV nhưng thường xuyên phải sang nhờ neo đậu tại cảng Cửa Lò (TX.Cửa Lò, Nghệ An), vì cảng cá Xuân Hội không đủ độ sâu đảm bảo an toàn cho tàu lớn ra vào.
Ở cảng cá này có rất nhiều tàu thuyền trên đường vào bờ gặp thủy triều xuống nên bị mắc cạn, hoặc đâm vào bãi cát gãy chân vịt. Mỗi lần gặp nạn như vậy, ngư dân phải tốn hàng chục triệu đồng để sửa chữa lại phương tiện.
“Nếu neo đậu ở cảng cá Xuân Hội thì ngư dân có tàu lớn như tôi không chủ động được thời gian vì phải phụ thuộc vào thủy triều, nên vô cùng bất tiện. Mong cơ quan chức năng sớm có phương án khắc phục để tạo điều kiện cho ngư dân vươn khơi bám biển”, anh Truyền nói.
Ngồi chờ nước lên để lái con tàu trên 500 CV ra khơi, ngư dân Lê Văn Nhâm (52 tuổi) thở dài: “Nhiều lần đánh bắt trở về, tàu của tôi phải đậu cách cảng cá khoảng 500 m và phải bỏ tiền thuê thuyền nhỏ tăng bo đưa hải sản vừa đánh bắt được vào bờ để bán. Hôm nào không thuê được thuyền thì phải chờ thủy triều lên, mất cả nửa ngày mới cho thuyền cập cảng được. Tôm, cá đánh bắt khi đưa được vào bờ bị ươn, bán không được”.
Theo ông Nhâm, trước đây, khi luồng lạch chưa bị bồi lấp, cảng cá thu hút khá đông tàu thuyền của ngư dân ngoại tỉnh về để bán “chiến lợi phẩm” và mua xăng dầu, đá lạnh. Từ ngày cảng cá bị cạn, tàu cá tỉnh bạn cũng rời đi nơi khác, dịch vụ hậu cần nghề cá mất khách, có cửa hàng phải đóng cửa.

Chờ tỉnh chấp thuận cấp kinh phí nạo vét

Ông Đinh Sỹ Long, Cảng trưởng Cảng cá Xuân Hội, cho hay cảng này được xây dựng với tổng vốn đầu tư hơn 110 tỉ đồng, đưa vào sử dụng năm 2014.
Thời điểm đó, cảng có khả năng tiếp nhận 80 tàu thuyền/ngày, công suất tối đa tàu có thể cập cảng là trên 800 CV. Tuy nhiên, suốt 3 năm nay, luồng lạch bị bồi lấp khiến các tàu vỏ thép có công suất 829 CV và các tàu chở hàng phải chờ lúc thủy triều đạt đỉnh mới hoạt động ra vào được.
“Không thể vào cập cảng nên hầu hết các tàu chở hàng và hải sản mà ngư dân đánh bắt được phải đưa sang tỉnh Nghệ An để nhập bán, rồi neo đậu bên đó. Dịch vụ hậu cần nghề cá tại cảng vì thế cũng trở nên đìu hiu. Hiện nay, mỗi ngày cảng chỉ đón khoảng 15 tàu, thuyền công suất từ 150 CV trở lên, nhưng chủ yếu là của ngư dân địa phương đang cố gắng bám trụ lại”, ông Long nói.
Theo ông Bùi Tuấn Sơn, Giám đốc Ban Quản lý các cảng cá Hà Tĩnh, từ ngày cảng cá Xuân Hội đi vào hoạt động cho đến nay vẫn chưa được nạo vét lần nào nên mới xảy ra tình trạng luồng lạch bị bồi lắng. Cũng vì nguyên nhân này mà cảng không thể phát huy tác dụng và chưa đáp ứng được kỳ vọng của ngư dân.
“Chúng tôi cũng đã có văn bản đề xuất với UBND tỉnh cấp kinh phí để duy tu, nạo vét luồng lạch hàng năm, hoặc cho nạo vét kết hợp với tận thu sản phẩm bằng hình thức xã hội hóa. Tuy nhiên, cả 2 phương án này đến nay vẫn chưa được tỉnh chấp thuận”, ông Sơn nói.
PHẠM ĐỨC
TNO