28/12/2024

Thủ tướng đồng ý gỡ nhiều vướng mắc cho TP.HCM

Thủ tướng đồng ý gỡ nhiều vướng mắc cho TP.HCM

“Cơ bản đồng ý kiến nghị của UBND TP.HCM liên quan hai tuyến metro, các dự án trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm…”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu trong buổi làm việc với TP.HCM chiều 20-7.

 

Thủ tướng đồng ý gỡ nhiều vướng mắc cho TP.HCM - Ảnh 1.

Nhà ga Bến Thành (Q.1, TP.HCM) của tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên đang được xây dựng – Ảnh: T.TRUNG

Thành phố tập trung xử lý các kết luận Thanh tra Chính phủ về Khu đô thị Thủ Thiêm, không để chậm chạp. Các dự án còn vướng mắc cần phải giải quyết nhanh, không để chậm trễ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Thủ tướng Chính phủ cũng biểu dương TP đã làm các công việc với các dự án đầu tư công rất quyết liệt như kịp thời điều chuyển vốn, giao ban, đánh giá cán bộ.

Quyết liệt nhưng vẫn lo

Thủ tướng bày tỏ vui mừng khi giải ngân vốn đầu tư công của TP đã đạt khoảng 49%, và mục tiêu đạt 100% tỉ lệ giải ngân trong năm nay cũng được lãnh đạo TP.HCM đặt ra quyết tâm cao.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng bày tỏ sự băn khoăn, lo lắng trước thực trạng các công trình giao thông, đặc biệt các dự án đô thị, bất động sản, thu hút vốn đầu tư tư nhân, thu hút đầu tư nước ngoài còn chậm.

“TP.HCM không được chậm trễ, đặc biệt các cấp các ngành của TP không được trì trệ. Cần nâng cao năng động, sáng tạo, quyết liệt để đạt kết quả cao”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng cho rằng nếu TP “không giữ được doanh nghiệp, không phát triển hệ thống doanh nghiệp sẽ dẫn đến nguy cơ đổ vỡ xã hội”. Theo người đứng đầu Chính phủ, “đây là nguy cơ trực tiếp đối với những TP lớn”, nên “chúng ta phải bảo vệ doanh nghiệp”, nếu không muốn “sẽ có hậu quả khó lường”.

Thủ tướng cũng lưu ý TP cần có nhiều giải pháp, nhưng quan trọng nhất là kích cầu tiêu dùng vì TP là trung tâm tiêu dùng của cả nước, thậm chí “còn là nơi kích cầu cả nước”.

Giải ngân gấp 2,5 lần so với cùng kỳ

Báo cáo với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về tình hình giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho hay năm 2020, TP đã giao và phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công có tổng số vốn khoảng 41.691 tỉ đồng (làm tròn).

Tính đến ngày 15-7-2020, tổng số vốn đầu tư công đã giải ngân18.836 tỉ đồng, đạt 45,18% tổng kế hoạch vốn TP đã giao, cao hơn 2,5 lần về giá trị tuyệt đối lẫn tỉ lệ giải ngân so với cùng kỳ năm ngoái.

Còn nếu tính luôn khối lượng hoàn thành nhưng chưa quyết toán và số vốn đã chi cho các dự án nhưng chưa hoàn trả tạm ứng là 1.470 tỉ đồng, thì tỉ lệ giải ngân trên địa bàn TP.HCM đạt 48,71%.

So với cùng kỳ năm ngoái, dù là từ nguồn vốn ngân sách của TP hay từ nguồn vốn trung ương rót, theo ông Nguyễn Thành Phong, phần lớn các dự án đều có tỉ lệ giải ngân cao, đạt tỉ lệ trung bình từ 35,3 – 89,06%. Chỉ duy nhất nguồn vốn ODA cấp phát từ ngân sách trung ương chỉ đạt tỉ lệ giải ngân 24,77%, tương ứng 1.249/5.044 tỉ đồng kế hoạch vốn đã giao.

Theo UBND TP.HCM, để đạt được mục tiêu giải ngân cả năm 2020 đạt trên 95%, lãnh đạo TP đã có nhiều giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Nhiều “nút thắt” chờ gỡ

Ông Nguyễn Thành Phong cho rằng dù tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công của TP cao hơn tỉ lệ giải ngân chung của toàn quốc nhưng TP cũng gặp khó khăn, vướng mắc, cần kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, giải quyết để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Cụ thể, liên quan xác định vốn vay ODA cấp phát từ ngân sách trung ương với tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên, ông Phong kiến nghị Thủ tướng có ý kiến về việc thống nhất giá trị vốn vay ODA cấp phát từ ngân sách trung ương còn lại của dự án là 17,814 tỉ yen, tương đương với 3.682 tỉ đồng (theo tỉ giá bình quân tại thời điểm phê duyệt điều chỉnh dự án vào tháng 11-2019)… nhằm làm cơ sở để TP phân vốn ODA cấp phát từ ngân sách trung ương còn lại trong năm 2020 cho dự án.

Kiến nghị giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét bố trí bổ sung vốn ODA cấp phát từ ngân sách trung ương trong hạn mức kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2016 – 2020 còn lại của dự án chưa được bố trí là 3.676 tỉ đồng để đảm bảo tiến độ dự án (dự kiến hoàn thành vào 2021).

Theo ông Phong, năm 2020 dự án tuyến metro số 1 đã được bố trí kế hoạch vốn là 2.185 tỉ đồng (trong tổng số kế hoạch vốn ODA cấp phát từ ngân sách trung ương đã giao cho các dự án ODA của TP khoảng 5.044 tỉ đồng).

Trường hợp Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cấp phát hết số vốn ODA còn lại của dự án tuyến metro số 1 bằng tiền yen sẽ phần nào đẩy nhanh được tiến độ triển khai và tăng tỉ lệ giải ngân vốn ODA.

Với dự án tuyến metro số 2 (tuyến Bến Thành – Tham Lương), ông Phong thông tin vướng mắc hiện nay liên quan đến công tác đền bù giải phóng mặt bằng. Do đó, TP kiến nghị Thủ tướng cho phép điều chỉnh cơ cấu các khoản mục chi phí của dự án để tiếp tục thực hiện các dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng độc lập, đảm bảo không tăng tổng mức đầu tư của dự án theo chỉ đạo của Bộ Chính trị…

Dự kiến việc giải ngân cho các dự án đền bù giải phóng mặt bằng phục vụ cho dự án tuyến metro số 2 trong năm 2020 sẽ đạt khoảng 3.000 tỉ đồng.

Ngoài ra, liên quan đến dự án xây dựng cao tốc TP.HCM – Mộc Bài dài khoảng 50km, vốn đầu tư khoảng 13.614 tỉ đồng, phương thức đầu tư dự kiến theo hình thức BOT, ông Phong cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành có ý kiến hướng dẫn cụ thể, trong đó có bao gồm cả việc xác định cơ quan có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, cơ quan phê duyệt dự án, hoặc các nội dung ủy quyền cần thiết (nếu có).

Về kiến nghị của UBND TP liên quan hai tuyến metro số 1 và 2, các dự án trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm, cao tốc TP.HCM – Mộc Bài… Thủ tướng cho biết ông cơ bản đồng ý và giao các bộ, ngành sớm có hướng dẫn cụ thể cho TP trong 20 ngày tới.

TP.HCM kiến nghị giao đất không qua đấu giá một dự án ở Thủ Thiêm

Tại buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ, UBND TP.HCM cũng báo cáo về dự án khu phức hợp thông minh – Thủ Thiêm Eco Smart City – tại khu chức năng số 2a, Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Về vấn đề này, TP nhận thấy về cơ bản các bộ ngành và Thanh tra Chính phủ cũng có ý kiến thống nhất việc tiếp tục cho phép Công ty TNHH Lotte Properties HCMC là nhà đầu tư dự án để tránh các tranh chấp pháp lý, gây bất lợi cho phía Việt Nam và có thể ảnh hưởng đến các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại giữa Hàn Quốc và Việt Nam.

UBND TP kiến nghị Thủ tướng xem xét cho phép nhà đầu tư tiếp tục được đầu tư dự án khu phức hợp trên cơ sở pháp lý được giao/thuê đất không thông qua đấu giá theo quy định tại điều 118 Luật đất đai, giao Bộ Tài nguyên và môi trường hướng dẫn TP thực hiện.

Lý do đây là trường hợp đặc biệt, đã được TP tổ chức thực hiện quy trình chỉ định nhà đầu tư và được đa số các bộ ngành thống nhất chủ trương cho phép tiếp tục thực hiện chủ trương. Tuy vậy, sẽ không thể thực hiện được theo quy định của Luật đấu thầu và các nội dung nêu tại kết luận thanh tra số 1041 năm 2019 của Thanh tra Chính phủ.

TRẦN VŨ NGHI – ĐỨC PHÚ
TTO