28/12/2024

Tài sản nhà nước ‘bốc hơi’ sau liên doanh

Đất ‘kim cương’ nhà nước vào tay tư nhân với giá bèo:

Tài sản nhà nước ‘bốc hơi’ sau liên doanh

Đất và tài sản nhà nước đem cho doanh nghiệp nhà nước thuê để kinh doanh. Doanh nghiệp lại đem chính tài sản đó đi liên kết đầu tư. Hậu quả, doanh nghiệp nhà nước giải thể và đất, tài sản công rơi vào tay tư nhân.
Sau khi vào tay tư nhân, khách sạn Viễn Đông mang tên Trần - Viễn Đông /// HIỀN LƯƠNG
Sau khi vào tay tư nhân, khách sạn Viễn Đông mang tên Trần – Viễn Đông HIỀN LƯƠNG
Đất và tài sản nhà nước đem cho doanh nghiệp nhà nước thuê để kinh doanh. Nhưng doanh nghiệp nhà nước được thuê đất và tài sản công lại đem chính tài sản đó đi liên kết đầu tư. Hậu quả, doanh nghiệp nhà nước giải thể và đất, tài sản công rơi vào tay tư nhân. Kịch bản tưởng chừng chỉ có trong “mơ” lại hiện thực tại dự án (DA) “Trần – Viễn Đông” ở TP.Nha Trang (Khánh Hòa).

Liên doanh chớp nhoáng

Tháng 8.2000, UBND tỉnh Khánh Hòa quyết định cho Công ty TNHH MTV du lịch Khánh Hòa (Công ty du lịch Khánh Hòa – doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thuộc tỉnh Khánh Hòa) thuê đất tại khách sạn (KS) Viễn Đông để kinh doanh dịch vụ du lịch và nhà hàng. KS Viễn Đông nằm trong cụm KS Hải Yến – Viễn Đông, được UBND tỉnh Khánh Hòa giao cho Công ty du lịch Khánh Hòa khai thác.
Theo đó, lô đất dự án Viễn Đông có diện tích 9.352 m2, nằm trên vị trí đắc địa, có 2 mặt tiền đường Trần Hưng Đạo và Lê Thánh Tôn hiện nay (khu đất này liền kề với khu đất có KS Hải Yến bị Công ty TNHH Miền nhiệt đới Nha Trang “thâu tóm” như Thanh Niên đã phản ánh ở số báo ra ngày 20.7). Đây là 2 con đường chỉ cách biển Nha Trang vài chục bước chân, nên có giá trị đất chỉ sau đường Trần Phú – cung đường du lịch đắt đỏ nhất TP.Nha Trang. Theo quyết định của UBND tỉnh Khánh Hòa về việc thuê đất đối với Công ty du lịch Khánh Hòa, thời gian thuê đất tại DA là 20 năm; giá thuê ổn định 5 năm và sẽ điều chỉnh giá khi có sự điều chỉnh của UBND tỉnh, nhưng không quá 15% giá trị thuê trên hợp đồng.
Trong hợp đồng thuê đã được ký giữa Sở TN-MT tỉnh Khánh Hòa (bên A, đại diện cho UBND tỉnh Khánh Hòa) ký với ông Phạm Đình Xuân, Giám đốc Công ty du lịch Khánh Hòa (đại diện bên B), nêu rõ: Trong thời gian thực hiện hợp đồng, bên B không được chuyển quyền sử dụng đất thuê nếu không đủ các điều kiện chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, trường hợp bên B bị chia tách, sáp nhập, chuyển đổi doanh nghiệp hoặc chuyển nhượng tài sản cho tổ chức, cá nhân khác mà tạo nên pháp nhân mới, thì pháp nhân mới phải làm lại thủ tục thuê đất. Thời hạn thuê đất là thời hạn hợp đồng này (tức trong khoảng thời gian từ năm 2000 – 2020).
Như vậy, vào thời điểm hợp đồng ký kết giữa tỉnh Khánh Hòa và DNNN thuộc tỉnh này về việc thuê đất, điều khoản ký kết rất rõ ràng, chặt chẽ. Tuy nhiên, vào tháng 9.2012, UBND tỉnh Khánh Hòa bất ngờ có Thông báo số 342/TB-UBND kết luận: “Đồng ý chủ trương cho lập liên doanh đầu tư KS Viễn Đông giữa Công ty TNHH MTV du lịch Khánh Hòa và Công ty CP quản trị Trần” để đầu tư DA Trần – Viễn Đông.
Sau đó, ngày 14.9.2013, Công ty TNHH Trần – Viễn Đông được thành lập để đầu tư DA nói trên. Theo phương án góp vốn, Công ty TNHH Trần – Viễn Đông có vốn đầu tư 100 tỉ đồng, trong đó Công ty du lịch Khánh Hòa góp 25 tỉ (chiếm 25%) bằng tài sản trên đất. Nghịch lý hơn, sau khi liên kết với Công ty CP quản trị Trần chưa được bao lâu, thì Công ty du lịch Khánh Hòa đã tiến hành cổ phần hóa (CPH), khiến vốn nhà nước bị thoái khỏi doanh nghiệp.
Trả lời vấn đề này, đại diện Sở Tài chính tỉnh Khánh Hòa cho biết, Công ty du lịch Khánh Hòa được CPH theo Nghị định số 59/2011/NĐ-CP của Chính phủ. Theo đó, nhà nước không còn phần vốn nhà nước tại Công ty du lịch Khánh Hòa sau CPH (?!). Việc CPH Công ty du lịch Khánh Hòa đã được định giá đối với việc góp vốn liên doanh đối với DA KS Trần – Viễn Đông. Sau khi định giá phần vốn nhà nước tại Công ty du lịch Khánh Hòa, UBND tỉnh Khánh Hòa đã thực hiện việc đấu giá toàn bộ cổ phần nhà nước.
Vì vậy, việc quản lý phần vốn liên doanh tại DA KS Viễn Đông sau khi Công ty du lịch Khánh Hòa CPH là của nhà đầu tư trúng đấu giá phần vốn nhà nước khi cổ phần. Như thế, từ việc KS được đầu tư bằng ngân sách trên chính đất công, nhưng qua “chiêu bài” liên doanh, đất và tài sản nhà nước lại rơi… vào tay tư nhân.

Đất “kim cương” bị trục lợi ra sao ?

Sau khi pháp nhân mới được thành lập, tháng 7.2014, Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Trần Sơn Hải (nay đã nghỉ hưu) đã ký cấp Giấy chứng nhận đầu tư (CNĐT) cho Công ty TNHH Trần – Viễn Đông, do ông Trần Đình Thành (sinh năm 1982, trú tại Hà Nội) làm tổng giám đốc.
Theo giấy CNĐT, DA có tổng diện tích lên đến 10.424 m2 (phần đất mà KS Viễn Đông tọa lạc). Mục đích đầu tư thành khu liên hợp chức năng gồm KS nghỉ dưỡng chuẩn 5 sao, các căn hộ để bán và cho thuê dài hạn không hình thành đơn vị ở; thời gian hoạt động là 50 năm kể từ ngày cấp giấy CNĐT. Thế nhưng, trên thực tế, từ khi được cấp giấy CNĐT đến nay, chủ đầu tư không xây dựng các hạng mục gì đáng giá như giấy phép cấp, mà chủ yếu khai thác trên khối tài sản vốn có trước khi liên kết, tức tài sản của nhà nước (!).
Một điều rất lạ kỳ khác, mặc dù việc liên doanh liên kết đã diễn ra từ năm 2014 và Công ty Trần – Viễn Đông đã khai thác khối tài sản khổng lồ tại DA này từ đó; thế nhưng mãi đến ngày 12.7.2017, ông Đào Công Thiên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa mới ra Quyết định 2014/QĐ-UBND thu hồi 10.770,9 m2 đất của Công ty du lịch Khánh Hòa thuê, để giao cho Công ty Trần – Viễn Đông thuê lại. Lý do thu hồi đất được viện dẫn do Công ty du lịch Khánh Hòa liên doanh bằng tài sản gắn liền với đất trả tiền hằng năm của nhà nước để thực hiện DA Trần – Viễn Đông. KS Viễn Đông mà du khách từng biết ở Nha Trang nay được “ông chủ mới” thêm vào chữ “Trần”, thành “Trần – Viễn Đông”!
Theo hợp đồng thuê đất được ký mới nhất vào ngày 2.11.2017 giữa đại diện Sở TN-MT với Công ty Trần – Viễn Đông, thời gian thuê đất thực hiện DA đến hết năm 2064, tương đương 50 năm nhưng không thông qua đấu thầu, đấu giá. Tiền thuê đất trả tiền hằng năm theo thông báo của Cục Thuế tỉnh Khánh Hòa là 284.360 đồng/m2/năm. Như vậy, đất và tài sản gắn liền trên đất “kim cương” mà tỉnh Khánh Hòa cho Công ty Trần – Viễn Đông thuê có giá chỉ trên 23.000 đồng/m2/tháng.
Tính ra tiền thuê đất và khối tài sản khổng lồ trên đất mà chủ đầu tư phải trả cho nhà nước chỉ hơn 200 triệu đồng/tháng để sở hữu hơn 1 ha đất “kim cương” 2 mặt tiền. Trong khi thực tế giá đất tại khu vực này có giá thuê hàng triệu đồng mỗi mét vuông/tháng. Trao đổi với chúng tôi, đại diện một ngân hàng từng thuê mặt bằng tại KS Trần – Viễn Đông cho biết mỗi tháng ngân hàng này phải bỏ ra hơn 200 triệu đồng để thuê khoảng 400 m2 đất tại DA để hoạt động. Ngoài ra, DA này có đến hàng chục hạng mục khác được Công ty Trần – Viễn Đông cho tư nhân thuê lại, thu về tiền tỉ mỗi tháng. Đặc biệt trong đó phải kể đến 180 phòng KS chuẩn 4 sao tại dự án Trần – Viễn Đông vốn là tài sản của nhà nước, đã bị Công ty Trần – Viễn Đông nghiễm nhiên khai thác.
Qua một vài con số trên có thể thấy, trước mắt doanh nghiệp tư nhân hưởng lợi “khủng” từ thương vụ liên kết này, chứ chưa nói đến sẽ sở hữu hơn 1 ha đất “kim cương” không qua đấu giá…
Dư luận bức xúc cho rằng, với những “ảo thuật” liên doanh liên kết, việc Công ty Trần – Viễn Đông đã hưởng lợi “khủng” từ việc thuê lại khối tài sản và mặt bằng tại KS Viễn Đông (cũ), nên không cần vội vàng xây dựng DA như giấy phép đã cấp. Chủ trương liên kết này chỉ là cái cớ để doanh nghiệp tư nhân và một số cá nhân liên quan “thâu tóm” đất công để trục lợi. Bất thường hơn, đến nay báo chí đặt nhiều câu hỏi với một số cơ quan quản lý tại tỉnh Khánh Hòa về nhiều khuất tất trong các phi vụ tài sản nhà nước bị “bốc hơi”, nhưng đều bị né tránh trả lời…
Cuối năm 2019, Thủ tướng đã ký Quyết định số 1808, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Trần Sơn Hải, nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa nhiệm kỳ 2011 – 2016 và nhiệm kỳ 2016 – 2021, do đã có những vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng trong công tác.
Trước đó, từ ngày 25 – 27.9.2019, tại kỳ họp thứ 39, Ủy ban Kiểm tra T.Ư đã thi hành kỷ luật cảnh cáo đối với ông Trần Sơn Hải.
HIỀN LƯƠNG
TNO