27/12/2024

Ngân hàng “săn” khách mua bảo hiểm

Ngân hàng “săn” khách mua bảo hiểm

Nhiều người khi tới ngân hàng giao dịch thường được nhân viên ngân hàng chào mời mua bảo hiểm. Có người “cực chẳng đã” phải mua cả chục loại bảo hiểm khác nhau để việc vay tiền được thuận lợi.
Ngân hàng và công ty bảo hiểm bán chéo sản phẩm nhằm gia tăng thu nhập cho các bên /// Ảnh: Ngọc Thắng
Ngân hàng và công ty bảo hiểm bán chéo sản phẩm nhằm gia tăng thu nhập cho các bên ẢNH: NGỌC THẮNG

Không cần bồi dưỡng, chỉ cần mua giúp bảo hiểm

Bà T.N (ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết thời gian gần đây khi giao dịch với ngân hàng (NH), bà thấy những thông tin, thương hiệu của các công ty bảo hiểm trên quầy còn nhiều hơn là chương trình của chính NH. Đặc biệt, trong quá trình trao đổi, nhân viên NH thường dành phần lớn thời gian để… mời chào mua bảo hiểm. Bà T.N kể có lần giải quyết xong hồ sơ vay, bà có bồi dưỡng nhân viên ít tiền uống nước nhưng họ từ chối và nói “có thương em thì mua giúp em cái bảo hiểm để đạt định mức chỉ tiêu (KPI) của tháng này”. Hỏi ra mới biết trong chỉ tiêu đánh giá nhân viên NH hằng tháng, việc bán bảo hiểm cũng được đưa vào để xem xét. Bà T.N đang có trong tay gần chục loại bảo hiểm do vay tiền ở 2 – 3 NH phục vụ cho việc kinh doanh của công ty gia đình.

Cảnh báo tình trạng “bán bia kèm mồi”

Trước tình trạng các NH cho vay bán kèm bảo hiểm, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh tỉnh Long An cuối năm 2019 đã có công văn chấn chỉnh. Theo đó, trên địa bàn tỉnh Long An đã xảy ra tình trạng khá phổ biến, các NH “ép” khách hàng khi đến làm hồ sơ, thủ tục vay tiền phải mua thêm các loại bảo hiểm không liên quan, như bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm cháy nổ… Người nào chấp nhận mua thêm các loại bảo hiểm này thì được duyệt hồ sơ cho vay sớm, còn nếu không thì không được vay tiền hoặc bị trì hoãn duyệt hồ sơ và giải ngân. Do đó, NHNN Chi nhánh tỉnh Long An yêu cầu các NH báo cáo về nội dung này cũng như sẽ thanh kiểm tra theo các nội dung trên. Nếu NH nào vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Chị Nguyễn Hoàng (ngụ Q.7, TP.HCM), nhân viên chi nhánh một NH lớn tại TP.HCM, thừa nhận: “Trước đây, NH giao chỉ tiêu cho nhân viên mời khách hàng mở thẻ nhưng vài năm gần đây, nhân viên được giao chỉ tiêu bán bảo hiểm. Ngoài việc đạt chỉ tiêu, nhân viên NH còn được nhận phí hoa hồng bảo hiểm nhưng mọi người thấy bị áp lực rất nhiều, rất mệt. Ban lãnh đạo giao từ trên xuống mỗi năm 6 tỉ đồng phí bảo hiểm cho phòng giao dịch, từ đó chia ra bình quân mỗi người mời vài trăm triệu tiền bảo hiểm mỗi năm”. Ngoài là nhân viên NH, chị Nguyễn Hoàng còn là khách hàng đang vay NH từ năm ngoái và mua bảo hiểm khoản vay là điều bắt buộc. Thế nhưng những nhân viên từ năm nay mà vay ưu đãi sẽ phải mua thêm bảo hiểm nhân thọ.

Chính vì áp lực bán bảo hiểm trong NH, các nhân viên tranh thủ bán bảo hiểm mọi lúc, mọi nơi khi có thể, kể cả người gửi hay vay tiền đều mời tham gia. Là khách hàng vay NH cách đây 8 tháng, ông Trần Thủy (ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM) bức xúc: “Nhân viên NH yêu cầu gia đình mua bảo hiểm cháy nổ cho căn hộ đang mua. Giá trị hợp đồng chưa đến 10 triệu đồng nhưng cảm thấy bị ép, vì không mua thì NH không cho vay. Do đó tôi cũng cắn răng đóng bảo hiểm cháy nổ năm đầu, không biết năm thứ 2 có yêu cầu mua nữa hay không”. Đầu tuần này, chị N.H (ngụ Q.4, TP.HCM) đến Vietcombank thực hiện lệnh chuyển tiền liên quan đến bất động sản, trong khi chờ đợi làm thủ tục giấy tờ, một nhân viên nữ tiếp cận chị N.H mời chào tham gia bảo hiểm nhân thọ FWD cho con. Tương tự, khách hàng gửi tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng trở lên tại VPBank sẽ được tặng thêm lãi suất 0,1% nếu mua bảo hiểm nhân thọ từ 30 triệu đồng/năm trở lên.

Thu lợi lớn từ bảo hiểm

Thực tế các NH đang đẩy tốc độ tăng trưởng lợi nhuận từ hoạt động bán sản phẩm bảo hiểm (bancassurance) sau năm 2019 thành công. Kết thúc năm 2019, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ của MBBank tăng 24%, mang về 3.186 tỉ đồng, đóng góp 13% tổng thu nhập hoạt động. Riêng hoạt động kinh doanh bảo hiểm đạt 1.788 tỉ đồng lãi thuần, chiếm 56% lợi nhuận mảng dịch vụ, tăng trưởng 18% so với năm 2018 và gấp gần 5 lần năm 2017. Ngoài việc hợp tác bán chéo với các công ty bảo hiểm, MB thành lập Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ MB Ageas Life (MB Ageas Life) vào năm 2017, khoảng 85 – 90% doanh thu mới của MB Ageas Life đến từ việc phân phối trực tiếp thông qua hệ thống giao dịch của MBBank.
Tương tự, lãi thuần năm 2019 của VPBank từ hoạt động dịch vụ tăng trưởng tới 84%, trong đó, lãi thuần bancassurance chiếm 42% tương đương gần 1.250 tỉ đồng và tăng trưởng 42% so với năm trước. Thu nhập từ bancassurance của VPBank đến từ phân phối hợp đồng hợp tác độc quyền với AIA Việt Nam. Từ năm 2015, VIB phân phối bảo hiểm nhân thọ độc quyền với Prudential và thu nhập liên tục tăng trưởng, chiếm 80% thị phần bảo hiểm qua kênh ngân hàng của công ty bảo hiểm này. Trong năm 2019, phí hoa hồng bảo hiểm của VIB đạt gần 1.112 tỉ đồng, gấp 4,6 lần cùng kỳ năm trước và đóng góp 50% tổng nguồn thu. Đồng thời, lãi thuần từ hoạt động này chiếm tới 62% tổng lãi thuần mảng dịch vụ… Một thương vụ đình đám bancassurance trên thị trường năm 2019 giữa Vietcombank và Công ty bảo hiểm nhân thọ FWD Việt Nam (FWD) trị giá lên 400 triệu USD cho thấy hoạt động bán chéo sản phẩm giữa NH và bảo hiểm khá hấp dẫn.
THANH XUÂN
TNO