25/11/2024

Xử lý hình sự đa cấp bất chính

Xử lý hình sự đa cấp bất chính

Tại buổi tọa đàm “Nhận diện đa cấp bất chính”, các chuyên gia đưa ra nhiều chỉ dấu “lật tẩy” hoạt động đa cấp biến tướng, bất chính hiện nay, đồng thời cho rằng phải mạnh tay xử lý hình sự để chấm dứt tình trạng này.
Rất nhiều người, trong đó có các sinh viên, tham dự buổi tọa đàm “Nhận diện đa cấp bất chính” do Báo Thanh Niên tổ chức vào chiều 14.7 /// Ảnh: Độc Lập
Rất nhiều người, trong đó có các sinh viên, tham dự buổi tọa đàm “Nhận diện đa cấp bất chính” do Báo Thanh Niên tổ chức vào chiều 14.7  ẢNH: ĐỘC LẬP
Tọa đàm do Báo Thanh Niên phối hợp với Hiệp hội Bán hàng đa cấp VN tổ chức chiều 14.7, sau khi Thanh Niên đăng tải loạt bài điều tra Vén màn bí mật hàng loạt sinh viên “mất tích” phản ánh hoạt động “Team khởi nghiệp 360” có nhiều dấu hiệu vi phạm pháp luật, lôi kéo rất nhiều sinh viên (SV) tham gia. Tham dự tọa đàm có đại diện Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương), Sở Công thương TP.HCM, Công an TP.HCM, ĐH Quốc gia TP.HCM, Hội Sinh viên TP.HCM, các nạn nhân của “Team khởi nghiệp 360”…

Đa cấp biến tướng phức tạp

Nạn nhân có thể trực tiếp đến Công an TP.HCM để được hướng dẫn viết đơn tố cáo theo đúng quy trình. Những trường hợp vẫn đang vướng vào “Team khởi nghiệp 360”, sợ bị quấy rối sau khi thoát khỏi đường dây cũng có thể liên hệ chúng tôi để được tư vấn trực tiếp cách thức bảo vệ an toàn cho bản thân

Thiếu tá Phạm Ngọc Thăng, Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP.HCM

Phát biểu tại tọa đàm, bà Trương Thị Nhi, Chủ tịch Hiệp hội Bán hàng đa cấp VN, cho hay qua loạt bài điều tra về “Team khởi nghiệp 360” mà Báo Thanh Niên thực hiện, có thể thấy tình trạng biến tướng mô hình đa cấp bất chính (ĐCBC) tiềm ẩn hành vi có tính chất lừa đảo núp bóng loại hình kinh doanh theo phương thức đa cấp đang diễn biến rất phức tạp. Các đối tượng với nhiều thủ đoạn tinh vi, đánh vào lòng tham và sự thiếu hiểu biết của nhiều người, đã lôi kéo được nhiều thành phần, nhất là SV gia nhập mạng lưới đa cấp phi pháp. Những vụ việc này không chỉ gây mất an toàn trật tự xã hội mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín của ngành kinh doanh đa cấp (KDĐC) được pháp luật điều chỉnh và bảo vệ tại VN.
Đề cập đến cách nhận diện ĐCBC, ông Trịnh Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng, khẳng định trước hết các doanh nghiệp (DN) KDĐC chỉ được kinh doanh đối với mặt hàng hàng hóa. Các hoạt động KDĐC bị cấm bao gồm: dịch vụ, hàng hóa nhưng không có giấy chứng nhận do Bộ Công thương cấp; các hình thức lợi dụng mô hình đa cấp khác không phải là mua bán hàng hóa như “tiền ảo”, huy động vốn dự án, thương mại điện tử… Đặc biệt, các DN này đồng thời phải đăng ký hợp pháp (đáp ứng đủ các điều kiện hoạt động) với Bộ Công thương và chịu sự giám sát của các cơ quan chức năng trong quá trình hoạt động. “Team khởi nghiệp 360” mà Thanh Niên phản ánh chưa được cấp phép KDĐC.

Không ngăn chặn, hậu quả sẽ rất nghiêm trọng

Xử lý hình sự đa cấp bất chính - ảnh 1
Mỗi doanh nghiệp hoạt động đều chịu hai điều tiết: pháp chế và đạo đức. Rất tiếc còn những vấn đề chưa hoàn thiện nên nảy sinh hiện tượng làm ăn phi pháp, đó là việc hết sức đáng tiếc, đáng buồn. Hậu quả của nạn ĐCBC chúng ta đã bàn nhiều, nhưng tôi muốn cảnh báo sự lan nhanh và phát triển của mô hình ĐCBC, vốn theo mô hình kim tự tháp, sẽ gây hậu quả rất nghiêm trọng, suy đồi đạo đức. Về giải pháp, cần kể đến vai trò của nhà trường, nhất là công tác tuyên truyền, giảng dạy… Ngoài môn đạo đức kinh doanh đã được đưa vào giảng dạy, các trường ĐH cần giáo dục SV về khởi nghiệp, tạo hành trang pháp luật, hành trang đạo đức để SV đi đúng hướng. SV cũng cần phải “rèn đức, luyện tài”, có những hành trang phát triển, bản lĩnh để vượt qua, không bị cám dỗ vào đường dây kinh doanh ĐCBC. Đoàn, hội SV các trường ĐH cũng có vai trò rất lớn trong việc quan tâm, huy động phát hiện sớm hơn các trường hợp SV nghỉ học, vướng vào ĐCBC.
TS Lê Cao Thanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược và quản trị doanh nghiệp (ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM) 
Đại diện Công ty TNHH Amway VN cho biết về cơ bản bán hàng đa cấp (BHĐC) là một trong những phương thức bán lẻ hàng hóa trực tiếp từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng cuối cùng; trong đó, một phần thu nhập từ việc bán hàng được chi trả cho việc tiếp thị trực tiếp đến khách hàng. Những công ty, nhà phân phối BHĐC có quan hệ là các đối tác kinh doanh, phải cùng ký kết hợp đồng tham gia BHĐC, ký cam kết tuân thủ các quy tắc hoạt động và chương trình trả thưởng của mỗi công ty. Các hợp đồng, quy tắc hoạt động và chương trình trả thưởng này đều phải được Bộ Công thương thẩm tra và phê duyệt. Việc ký kết hợp đồng BHĐC và tham gia vào công ty là tự nguyện và không phải trả bất cứ một chi phí nào để tham gia. Nhà phân phối chỉ có thu nhập (hoa hồng) phụ thuộc trực tiếp vào việc bán được sản phẩm thực tế.
“Tất cả các nhà phân phối đang hoạt động đều được công ty báo cáo định kỳ hằng tháng về tên tuổi, định danh cá nhân, địa chỉ thường trú, tạm trú… đến tất cả các sở công thương trên toàn quốc. Cứ mỗi 6 tháng, công ty phải báo cáo hoạt động chi tiết của các nhà phân phối đến Bộ Công thương và tất cả các sở công thương mà công ty đăng ký hoạt động”, theo đại diện Công ty TNHH Amway VN.
Xử lý hình sự đa cấp bất chính - ảnh 2

Đồ họa: Đông Xuân

Đã có phân cấp quản lý, xử lý

Theo Hiệp hội Bán hàng đa cấp VN, phương thức KDĐC đã được công nhận khoảng 100 năm nay trên thế giới. Tại VN, KDĐC được thừa nhận, quy định và điều chỉnh chặt chẽ bởi pháp luật, cụ thể là Nghị định 40/2018/NĐ-CP về quản lý kinh doanh theo phương thức đa cấp cùng với các văn bản pháp lý liên quan.

Lập các đường dây nóng để người dân phản ánh

Xử lý hình sự đa cấp bất chính - ảnh 3
Việc ngăn chặn ĐCBC cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban ngành, cơ quan chức năng. Các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức xã hội nghề nghiệp, bảo vệ người tiêu dùng cần lập kênh truyền thông đặc thù và tạo các đường dây nóng để người dân kịp thời phản ánh khi phát hiện các cá nhân, tổ chức lừa đảo theo hình thức núp bóng đa cấp. Các cơ quan quản lý địa phương cần tăng cường công tác kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện, điều tra làm rõ các tổ chức, cá nhân kinh doanh theo phương thức ĐCBC, lợi dụng đa cấp nhằm thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật như: lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trốn thuế, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng nhái, huy động tài chính trái phép, kinh doanh trái phép… trên phạm vi địa phương mình quản lý. Trong thời gian tới, Hiệp hội Bán hàng đa cấp VN sẽ tích cực phối hợp với Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng, sở công thương các tỉnh thành và các đơn vị liên quan tăng cường công tác giám sát, cảnh báo và báo cáo xử lý các đối tượng lừa đảo núp bóng kinh doanh đa cấp.
Luật sư Võ Đan Mạch, Tổng thư ký Hiệp hội Bán hàng đa cấp VN 
Liên quan đến chế tài xử lý kinh doanh ĐCBC, ông Trịnh Anh Tuấn cho biết hiện nay khi xử lý hành chính BHĐC sẽ dựa theo các quy định của Nghị định 141/2018/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp. Thứ hai là xử lý hình sự theo điều 217a về “Tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp” hay điều 174 về “Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản” của bộ luật Hình sự 2015.

Trả lời 3 câu hỏi trước khi đầu tư

Xử lý hình sự đa cấp bất chính - ảnh 4
Người dân cần cảnh giác khi bắt đầu đầu tư vào bất cứ dự án nào. Trước khi tham gia một doanh nghiệp nào, người dân và nhất là SV cần trả lời 3 câu hỏi lớn: Doanh nghiệp mình tham gia có phải hoạt động kinh doanh đa cấp hay không? Doanh nghiệp đã được cấp giấy chứng nhận chưa? Doanh nghiệp có biểu hiện hoạt động kinh doanh ĐCBC hay không?
Ông Trịnh Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng

“Về trách nhiệm của các bên liên quan, Bộ Công thương đóng vai trò cấp giấy chứng nhận hoạt động BHĐC; phối hợp cơ quan công an xử lý các hành vi vi phạm theo quy định và thanh tra, kiểm tra theo thẩm quyền… Riêng về UBND các cấp có trách nhiệm ban hành quy chế phối hợp các lực lượng tại địa phương (công an, công thương, quản lý thị trường, thuế…); cấp, thu hồi xác nhận đăng ký hoạt động BHĐC tại địa phương, xác nhận tiếp nhận thông báo chấm dứt hoạt động BHĐC tại địa phương; thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp; xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý vi phạm pháp luật về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp; kiểm soát các hoạt động hội nghị, hội thảo, đào tạo”, ông Tuấn nói và cho biết thêm: “Cũng cần đề cập tới trách nhiệm quản lý của Bộ Công an trong việc thực hiện công tác phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm, vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp; tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác về tội phạm liên quan đến hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp; khởi tố, điều tra tội phạm và thực hiện các nhiệm vụ tư pháp khác theo quy định của pháp luật”.

Xử lý hình sự đa cấp bất chính - ảnh 5

Đồ họa: Đông Xuân

Công an giữ bí mật thông tin người tố cáo

Tại buổi tọa đàm, thiếu tá Phạm Ngọc Thăng, Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP.HCM, nhấn mạnh sau khi Báo Thanh Niên đăng loạt bài Vén màn bí mật hàng loạt sinh viên “mất tích”, Công an TP đã nhận được các văn bản của Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng nêu những sai phạm của đường dây đa cấp trá hình “Team khởi nghiệp 360”. Qua đó, Công an TP.HCM đã giao PC02 vào cuộc điều tra, xử lý.

Tạo điều kiện cho sinh viên trở lại trường

Xử lý hình sự đa cấp bất chính - ảnh 6
Hội sẽ thông báo ban giám hiệu các trường, các tuyến Đoàn, Hội SV của trường phối hợp, đẩy mạnh việc nắm bắt thông tin về những trường hợp SV nhiều ngày không đi học, không liên lạc được. Đối với những SV bị cảnh cáo học vụ hay bị đuổi học vì dính đa cấp biến tướng, Hội SV sẽ phối hợp với nhà trường tạo điều kiện cho các bạn học trở lại. Với những SV đã đi học lại nhưng còn mặc cảm thì chúng tôi sẽ chủ động phối hợp với Đoàn, Hội trường quan tâm các bạn. Hội SV TP.HCM sẽ đẩy mạnh các sản phẩm tuyên truyền cho SV – nhất là SV năm nhất; tăng cường các hoạt động khuyến học; phổ biến các kênh giới thiệu việc làm.
Ông Nguyễn Đức Nguyên, Phó chủ tịch Hội SV TP.HCM

Theo thiếu tá Thăng, về công tác xử lý, điều 217a (tội “Vi phạm quy định về kinh doanh đa cấp”) là một điều luật mới trong bộ luật Hình sự năm 2015. “Về giải pháp và công tác phòng ngừa, PC02 sẽ tham mưu cho Công an TP.HCM nói riêng và Bộ Công an nói chung đối với loại tội phạm mới này”, thiếu tá Thăng khẳng định và lưu ý các trường ĐH, công đoàn, hội phụ nữ, hội thanh niên, liên đoàn lao động… nên tuyên truyền để người dân nhận biết được các dấu hiệu ĐCBC, từ đó có phòng ngừa.

“Về các dấu hiệu của hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức, nếu có từng vụ cụ thể thì Công an TP sẽ tiếp nhận hồ sơ và bằng nghiệp vụ sẽ thu thập để chứng minh tội phạm, nếu có. Về các “chân rết” của mô hình KDĐC bất chính có dấu hiệu hoạt động trở lại, ngay sau khi Báo Thanh Niên có bài viết thì Ban Giám đốc Công an TP.HCM đã có văn bản truyền đạt ý kiến đến 24 quận, huyện và phòng ban liên quan tiến hành tổng rà soát trên địa bàn thành phố các công ty loại này. Nếu phát hiện các chân rết vẫn đang hoạt động thì Công an TP.HCM sẽ đề xuất xử lý cụ thể hơn”, thiếu tá Thăng nói và cho biết thêm Công an TP sẽ tiếp nhận đơn tố cáo của nạn nhân “Team khởi nghiệp 360” tại địa chỉ tiếp nhận tố cáo: số 459 Trần Hưng Đạo, P.Cầu Kho, Q.1.
“Khi tiếp nhận đơn tố cáo, nguyên tắc đầu tiên là bí mật thông tin cá nhân để bảo vệ người tố cáo. Tránh việc giả danh cơ quan chức năng, tố cáo nhầm người, nạn nhân có thể trực tiếp đến Công an TP.HCM để được hướng dẫn viết đơn tố cáo theo đúng quy trình. Những trường hợp vẫn đang vướng vào “Team khởi nghiệp 360”, sợ bị quấy rối sau khi thoát khỏi đường dây cũng có thể liên hệ chúng tôi để được tư vấn trực tiếp cách thức bảo vệ an toàn cho bản thân”, thiếu tá Thăng nói.
THANH NIÊN
TNO