27/01/2025

Vì sao thí sinh dự thi chỉ để xét tốt nghiệp THPT tăng ?

Vì sao thí sinh dự thi chỉ để xét tốt nghiệp THPT tăng ?

Năm nay cả nước có gần 29% thí sinh dự thi với mục đích chỉ để xét tốt nghiệp, tăng so với năm ngoái; trong khi thí sinh dự thi để vừa xét tốt nghiệp vừa xét tuyển ĐH giảm, dù chỉ tiêu ĐH năm nay tăng.
Phụ huynh nộp hồ sơ xét tuyển bằng học bạ cho con tại Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM /// Ảnh: Hà Ánh
Phụ huynh nộp hồ sơ xét tuyển bằng học bạ cho con tại Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM ẢNH: HÀ ÁNH
Theo số liệu thống kê của Bộ GD-ĐT, trong tổng số 900.152 thí sinh (TS) đăng ký tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, có tới 257.030 TS dự thi chỉ để xét tốt nghiệp (chiếm gần 29%). Năm trước, theo thống kê của Bộ GD-ĐT thì trong số 887.104 TS đăng ký dự thi, có 223.976 TS thi chỉ để xét tốt nghiệp (chiếm tỷ lệ 25,2%).
Trong khi đó, năm nay TS dự thi để vừa xét tốt nghiệp vừa xét tuyển ĐH giảm gần 10.000 người so với năm 2019.
Vì sao có hiện tượng này?

Thí sinh tham gia kỳ thi chung để xét tuyển ĐH liên tục giảm

Ông Mai Xuân Đồng, Hiệu trưởng Trường THPT tư thục Lê Hồng Phong (Bà Rịa-Vũng Tàu), cho biết năm nay trường có 249 TS đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT. Trong số này, có tới 116 TS chỉ đăng ký thi để xét tốt nghiệp (chiếm tỷ lệ 46%). Năm trước, trường này cũng có tới 153 TS đăng ký thi xét tốt nghiệp.
Trong tổng số 8.566 HS đăng ký dự thi của tỉnh Tây Ninh năm nay có 989 TS không sử dụng kết quả để xét tuyển ĐH (chiếm 11,5%).
Ở một số địa phương, từ một vài năm trước tỷ lệ TS thi chỉ để xét tốt nghiệp cũng ở mức rất cao. Như Lai Châu trên 70%, nhiều địa phương khác tỷ lệ này cũng ở mức 40 – 50%.
Số liệu thống kê của Bộ GD-ĐT qua các năm cho thấy tỷ lệ TS đăng ký dự thi kỳ thi chung (thi THPT quốc gia các năm trước, năm nay là tốt nghiệp THPT) để xét tuyển ĐH giảm liên tục, từ 74,37% (năm 2018) xuống 74,01% (năm 2019) và 71,45% năm nay.

Tăng phương thức xét tuyển bằng học bạ

Theo số liệu Bộ GD-ĐT báo cáo trong cuộc họp với Phó thủ tướng Vũ Đức Đam về rà soát công tác chuẩn bị tổ chức thi tốt nghiệp THPT vào ngày 17.6, năm 2020, tổng chỉ tiêu xét tuyển ĐH tăng thêm khoảng 10% so với năm trước (khoảng trên 500.000 chỉ tiêu). Tuy nhiên, ngoại trừ các trường ĐH tốp trên (chiếm chưa tới 10%) sử dụng chủ yếu phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, hầu hết các trường còn lại đều tăng mạnh chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển học bạ.

Xu hướng tăng học phí khi thực hiện tự chủ ĐH có tác động đến lựa chọn học ĐH của các học sinh nghèo

Nguyễn Hữu Tài, Trưởng phòng Khảo thí – công nghệ của Sở GD-ĐT tỉnh Tây Ninh
Có thể nói chưa năm nào các trường ĐH dành chỉ tiêu cho xét tuyển theo phương thức học bạ nhiều như năm nay.
Chẳng hạn năm nay Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM dành tối đa 30% tổng chỉ tiêu cơ sở tại TP.HCM cho xét tuyển học bạ, tương đương khoảng 2.400 chỉ tiêu. Trường ĐH Mở TP.HCM dành tới 70% chỉ tiêu, tương đương trên 2.800 TS cho phương thức xét này. Riêng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM năm nay lần đầu tiên xét tuyển dựa vào quá trình học tập THPT theo tổ hợp môn với 20 – 30% chỉ tiêu…

Học phí đại học tăng cao tác động đến thí sinh ?

Lý giải hiện tượng trên, các chuyên gia có những góc nhìn khác nhau. Theo ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, TP.HCM, có 3 nguyên nhân: tác động của dịch bệnh Covid-19 đến đời sống kinh tế và việc học tập trong năm học này; TS cân nhắc trước lộ trình các trường ĐH tăng học phí; có sự tác động trong hướng nghiệp và phân luồng người học.

Nhiều thí sinh chỉ chờ tốt nghiệp để vào ĐH bằng học bạ

Ông Nguyễn Hữu Tài, Trưởng phòng Khảo thí – công nghệ của Sở GD-ĐT tỉnh Tây Ninh, cho biết trong số hơn 900 TS của tỉnh thi chỉ để xét tốt nghiệp, có vài trăm TS đã biết khả năng trúng tuyển, chỉ chờ giấy báo đỗ tốt nghiệp là nhập học. Những TS này không cần cạnh tranh trong kỳ thi tới và chủ yếu có học lực trung bình, thu nhập kinh tế gia đình cũng ở mức trung bình trở lên. “TS có học lực từ trung bình trở xuống hầu hết không phân luồng vào cao đẳng mà vào ĐH bằng xét tuyển kết quả học tập THPT”, ông Tài nói.
Đồng quan điểm, ông Mai Xuân Đồng, Hiệu trưởng Trường THPT tư thục Lê Hồng Phong (Bà Rịa -Vũng Tàu), cho biết không phải tất cả 116 học sinh của trường đăng ký dự thi năm nay đều không xét tuyển ĐH, cao đẳng, nhiều học sinh trong số này đã làm hồ sơ xét tuyển bằng học bạ.
“Với kết quả học tập học kỳ 1 lớp 12 và các học kỳ trước đó, nhiều em đã nhận được giấy trúng tuyển tạm thời và chỉ chờ tốt nghiệp để nhập học chính thức. Số học sinh không tiếp tục học lên cũng có nhưng không đáng kể”, ông Đồng cho hay.

Ông Phú phân tích: “Hoàn thành chương trình THPT, thay vì thi tuyển vào ĐH thì dừng lại để chọn ngã rẽ học nghề hoặc đi làm ngay đang trở thành nhu cầu có thật của một bộ phận người học trong bối cảnh hiện nay”. Theo ông, nếu đúng như nhận định trên là có sự thay đổi trong nhận thức người học sau bậc THPT, thì cần có sự đầu tư cơ sở hạ tầng đủ mạnh ở bậc trung cấp, cao đẳng nghề để khi tốt nghiệp lực lượng lao động này đủ lành nghề để đáp ứng thị trường lao động.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Tài, Trưởng phòng Khảo thí – công nghệ của Sở GD-ĐT tỉnh Tây Ninh, cho rằng có 2 nguyên nhân cơ bản sau những con số này. Thứ nhất, không phải tất cả số TS trên đều chỉ dừng lại ở xét tốt nghiệp và không học tiếp lên ĐH. Năm nay các trường ĐH mở rộng nhiều phương thức xét tuyển, trong đó nới rộng chỉ tiêu cho phương thức xét dựa vào kết quả học tập THPT, kể cả những trường công lập lớn. Do vậy, dễ thấy là TS không cần cạnh tranh ở phương thức xét kết quả thi. Thứ hai, xu hướng tăng học phí khi thực hiện tự chủ ĐH có tác động đến lựa chọn học ĐH của các học sinh nghèo.
HÀ ÁNH
TNO