Người giỏi đi hết thì ai ở lại xây dựng quê hương

Người giỏi đi hết thì ai ở lại xây dựng quê hương

Rất nhiều câu chuyện thú vị về văn hoá của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam khiến người nghe liên tục trầm trồ trong buổi toạ đàm ‘Khoảnh khắc đạo đức’ vừa diễn ra tại Hà Nội.

 

Người giỏi đi hết thì ai ở lại xây dựng quê hương - Ảnh 1.

Inra Jaka (trái) và người bạn Chăm tự hào với trang phục truyền thống giữa Hà Nội – Ảnh: T.ĐIỂU

Những nội dung tại tọa đàm được Mạng lưới tiên phong vì tiếng nói của người dân tộc thiểu số tổ chức khiến người nghe một mặt yêu và tự hào về sự đa dạng văn hóa của đất nước mình, một mặt lo ngại sự mai một văn hóa truyền thống ngày càng mạnh mẽ ở tất cả các tộc người.

Sự văn minh của các dân tộc thiểu số

Chị H Nưn Mlô từ cộng đồng người Ê Đê ở Đắk Lắk, đã khiến công chúng thủ đô kinh ngạc khi mang đến câu chuyện về luật tục rất văn minh trong đối xử với con nuôi của người Ê Đê.

Chị cho biết người Ê Đê đối xử với con nuôi như con đẻ. Trong buôn không ai được nói với đứa trẻ là con nuôi về “thân phận” của em. Và con nuôi được thừa hưởng mọi quyền lợi về tài sản như con đẻ.

Giải thích về điều này, chị H Nưn Mlô nói trong quan niệm của người Ê Đê, đất không đẻ ra con người nhưng rất gắn bó, yêu thương, tình nghĩa với con người, vậy thì con nuôi không do mình đẻ ra cũng xứng đáng được yêu thương như tình yêu của đất dành cho con người vậy.

Bản thân chị H Nưn Mlô cũng nhận một bé trai làm con nuôi khi bé bị cha mẹ bỏ rơi. Dù người Ê Đê theo chế độ mẫu hệ, chỉ chia tài sản cho con gái, nhưng khi người con nuôi của chị đi lấy vợ thì chị vẫn chia tài sản giống như những người con khác của chị.

Còn anh Tòng Văn Hân – người con dân tộc Thái ở Điện Biên – cũng khiến công chúng ngạc nhiên về câu chuyện ứng xử với kẻ trộm của người Thái. Anh Hân cho biết anh thấy rất “kinh khủng” với những tin tức người dân dưới xuôi đánh chết người trộm chó.

Với người Thái, nếu bắt được kẻ trộm thì chỉ giao về cho cha mẹ và yêu cầu bồi thường gấp 5 hay 10 lần, tùy quy định của từng bản, chứ không ai đánh đập kẻ trộm, thậm chí họ còn thương xót, ái ngại bởi nghĩ “chắc nó nghèo khổ lắm mới phải đi ăn trộm”.

Với người Thái, một người mắc tội lỗi nếu chẳng may bị chết thì làng bản vẫn đến đưa tang, còn tắm “nước quên”, cho người chết được quên hết tội lỗi, để được lên trời sinh sống.

Cái tát vào người đàn ông Chăm

Một câu chuyện được mọi người rất quan tâm bàn luận trong tọa đàm đó là chuyện về cái tát mà anh Inra Jaka – người Chăm ở Ninh Thuận, con trai nhà thơ, nhà nghiên cứu văn hóa Chăm Inrasara – nhận từ người bác của mình khi ông nhìn thấy anh mặc trên người bộ quần áo truyền thống của người Chăm, chứ không phải quần áo hiện đại của người Kinh.

“Đối với bác tôi, phải mặc như người Kinh mới có thể trở thành giáo sư, tiến sĩ để giúp ích cho cộng đồng Chăm, cho quê hương” – Inra Jaka giải thích.

Anh Inra Jaka kể với Tuổi Trẻ, đầu năm 2014, sau nhiều năm sống ở Sài Gòn, làm nhiều công việc, đi nhiều nơi trên thế giới, anh đã quyết định không trở lại Sài Gòn hoa lệ nữa mà sống ngay tại làng quê Chăm của mình.

Kể từ đó, anh trút bỏ bộ quần áo “Kinh” thường mặc, khoác lên bộ quần áo truyền thống của dân tộc mình. Quyết định của anh khiến họ hàng sốc, đặc biệt người bác của anh phản đối. Nhưng anh lại nghĩ khác.

“Góp ích cho quê hương là phải sống trong nó, thấu hiểu nó. Và nếu mình giỏi thì mình phải ở lại, chứ người giỏi đi hết thì ai ở lại xây dựng quê hương” – Inra Jaka nói.

Mặc họ hàng trách giận, Inra Jaka miệt mài mở thư viện Chăm, lập khu vườn cây bản địa, dựng nhà tranh vách đất để lưu giữ những tri thức bản địa về nhà truyền thống của người Chăm, làm dự án bảo tồn hoa văn cổ của nghề thổ cẩm truyền thống…

Với văn hóa truyền thống Chăm của mình, Inra Jaka lo lắng nó đang bị đứt mạch trong thế hệ trẻ. Không ai còn muốn học những điệu ngâm, tập trống truyền thống, dệt thổ cẩm nữa.

Anh Tòng Văn Hân cũng có chung nỗi niềm. Anh bảo quan niệm về vía của người Thái khiến họ không làm việc phi đạo đức, bởi làm vậy thì hồn vía sẽ tự ái mà bỏ cơ thể mình đi, khiến mình bị ốm. Nhưng bây giờ người Thái cũng nhiễm nhiều thói tật xấu, chứ không còn giữ được văn hóa đậm nét như xưa.

Cơ hội bước vào thế giới quan của người khác là một món quà

TS Nghiêm Hoa góp thêm câu chuyện thú vị chị từng chứng kiến ở Hội An, đó là một đám ma với âm nhạc vui vẻ trên đường phố để tiễn đưa người chết. Chị Hoa nhận ra: “Người Kinh mỗi vùng cũng đã rất khác nhau.

Mỗi chúng ta đều khác nhau và cơ hội bước vào thế giới quan của người khác, bước vào những nền văn hóa khác thật sự là một món quà”.

THIÊN ĐIỂU
TTO