24/12/2024

Chuyên gia Nhật chưa sang Việt Nam, metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên nguy cơ chậm tiến độ

Chuyên gia Nhật chưa sang Việt Nam, metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên nguy cơ chậm tiến độ

Tối 4-7, Ban quản lý đường sắt đô thị TP cho biết nhà thầu Hitachi thực hiện gói thầu CP3 lo ngại nguy cơ chậm tiến độ dự án metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên do các chuyên gia nước ngoài chưa thể sang Việt Nam.

 

Chuyên gia Nhật chưa sang Việt Nam, metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên nguy cơ chậm tiến độ - Ảnh 1.

Ga Công nghệ cao trên tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên – Ảnh: LÊ PHAN

Theo Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (chủ đầu tư), Công ty Hitachi làm gói thầu CP3 (cơ điện, đường ray và đầu máy toa xe) liên tục đề nghị hỗ trợ đưa khoảng 100 chuyên gia Nhật Bản sang Việt Nam để thực hiện các hạng mục quan trọng của dự án metro số 1.

Cụ thể, với nhóm 1 là các chuyên gia làm việc tại văn phòng và tham gia lắp đặt ray, ngày 11-5 Hitachi đã có công văn đề nghị tạo điều kiện cho 82 chuyên gia nhập cảnh để thực hiện các công việc cấp thiết. Đây là các chuyên gia cần ưu tiên nhập cảnh để lắp đặt đường ray, đồng thời chuẩn bị đầy đủ cho việc nhập khẩu đoàn tàu, thử nghiệm hệ thống thông tin, tín hiệu.

Nhóm thứ hai gồm 18 chuyên gia phục vụ cho việc vận chuyển, tiếp nhận đoàn tàu tại Việt Nam và lắp đặt tại dự án cũng chưa thể sang Việt Nam. Các công việc của chuyên gia này là nâng hạ tàu metro từ tàu biển đưa vào cảng đảm bảo đúng quy chuẩn và quy định của nhà sản xuất, sau đó vận chuyển từ cảng về công trường, nâng hạ tàu vào đường ray để kiểm tra kỹ thuật.

Các chuyên gia này đi máy bay vào Việt Nam và sẽ cách ly 14 ngày theo quy định trước khi tiến hành công việc.

Ngoài ra, còn một nhóm chuyên gia khác tham gia thử nghiệm hoặc đào tạo tại nhà máy cũng cần chính sách hỗ trợ từ phía Việt Nam để các nhân viên này có thể nhập cảnh.

Công ty Hitachi cho biết điều đáng lưu ý nhất là hiện chưa có thông tin rõ ràng về việc khi nào có thể có chuyến bay từ Nhật Bản hay các nước để các chuyên gia nói trên sang Việt Nam.

Công ty này lo ngại việc hạn chế nhập cảnh vào Việt Nam do dịch COVID-19 đối với các chuyên gia làm việc cho nhà thầu gói thầu số 3 sẽ ảnh hưởng nhất định đến tiến độ đã đề ra.

Cụ thể nhất có thể thấy là việc khó có thể đảm bảo việc vận chuyển và tiếp nhận đoàn tàu đầu tiên (dự kiến quý 3-2020) đúng tiến độ. Đồng thời, các khâu chuẩn bị cho công tác này lẫn việc thi công liên tục trên công trường bị ảnh hưởng tiến độ nghiêm trọng.

Hiện tuyến metro số 1 đã đạt được 73,5% khối lượng công việc. Và nếu theo kế hoạch, khi đoàn tàu metro sản xuất tại Nhật Bản được đưa về nước, chủ đầu tư và nhà thầu sẽ cho chạy thử vào cuối năm nay ở đoạn trên cao từ ngã tư Bình Thái đến depot Long Bình (quận 9).

Trước đó vào ngày 29-6, khi Phó thủ tướng Phạm Bình Minh đi thị sát tuyến metro số 1, ông Bùi Xuân Cường – trưởng Ban quản lý đường sắt đô thị TP – kiến nghị Chính phủ xem xét cơ chế đặc biệt cho việc nhập cảnh của các chuyên gia.

Cụ thể, đối với các chuyên gia đã được quốc gia cư trú xác định âm tính và được phép xuất cảnh, việc cách ly 14 ngày theo quy định của Bộ Y tế sẽ được thực hiện tại nơi cư trú của chuyên gia gần công trường, dưới sự giám sát của cơ quan y tế chuyên môn.

ĐỨC PHÚ
TTO