23/01/2025

Từ năm học tới, không còn tựu trường rồi mới khai giảng

Từ năm học tới, không còn tựu trường rồi mới khai giảng

Không tổ chức tựu trường dạy học trước ngày khai giảng 5.9; sẽ có đánh giá khoa học, thực tiễn về mô hình trường chuyên vào cuối năm nay… là những thông tin nổi bật Bộ GD-ĐT khẳng định trong cuộc họp báo chiều 30.6.
Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học Bộ GD-ĐT, trả lời câu hỏi của các phóng viên trong buổi họp báo chiều 30.6 /// Ảnh: B.G.D
Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học Bộ GD-ĐT, trả lời câu hỏi của các phóng viên trong buổi họp báo chiều 30.6  ẢNH: B.G.D

Có thể tập trung học sinh từ 1.9 nhưng không dạy học trước

Chiều 30.6, trong cuộc họp báo thường kỳ quý 2, ông Trần Quang Nam, Chánh văn phòng Bộ GD-ĐT, thông báo việc điều chỉnh khung thời gian kế hoạch năm học 2020 – 2021 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên để thay thế cho một quyết định trước đây (ban hành từ năm 2017).
Theo ông Nam, Bộ GD-ĐT đang xây dựng dự thảo quyết định ban hành khung kế hoạch thời gian năm học 2020 – 2021. Trong nội dung dự thảo, Bộ vẫn tiếp tục quy định thống nhất trong cả nước thời gian khai giảng năm học 2020 – 2021 là ngày 5.9, nhưng sẽ quy định không tổ chức dạy học trước ngày khai giảng. Thời gian tập trung để chuẩn bị cho khai giảng sớm nhất là 1.9. “Nếu phát hiện trường nào dạy học trước ngày khai giảng, Bộ GD-ĐT sẽ yêu cầu địa phương có biện pháp xử lý”, ông Nam nhấn mạnh.
Đối với trường tư thục, Bộ GD-ĐT sẽ xem xét, sửa đổi quy định hiện hành (Thông tư 13/2011/TT-BGDĐT) cho phù hợp hơn. Riêng năm học 2020 – 2021 kết thúc muộn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên các trường tư thục có thể báo cáo với sở GD-ĐT về thời gian tập trung học sinh đến trường nhưng cần lưu ý thời gian cho học sinh nghỉ hè.
Ông Trần Quang Nam cho biết: “Năm học 2020 – 2021, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục rà soát để tinh giản nội dung dạy học, giảm tải chương trình. Vì vậy, thời gian thực học cho cấp THCS, THPT sẽ được điều chỉnh còn 35 tuần (so với 37 tuần hiện nay) như với cấp tiểu học. Qua đó tăng thời gian tổ chức hoạt động trải nghiệm và tăng thời gian nghỉ hè cho giáo viên, học sinh”.
Tại cuộc họp báo, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT, cho biết: “Việc xây dựng và ban hành quyết định về khung kế hoạch thời gian năm học không chỉ áp dụng cho năm học này mà cho cả từ năm học 2020 – 2021 về sau. Theo đó, khai giảng sẽ là ngày 5.9 và các trường không được dạy học trước ngày khai giảng, như vậy sẽ không còn tựu trường rồi mới khai giảng”.

Chưa có thông tin về “can thiệp” trong việc chọn sách giáo khoa

Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, đến ngày 30.5, Bộ đã nhận được công văn của 63 sở GD-ĐT báo cáo kết quả lựa chọn sách giáo khoa (SGK) của các trường tiểu học. Kết quả cho thấy, tất cả các đầu SGK được phê duyệt cho phép sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông đều được lựa chọn. 61 địa phương chọn SGK ít nhất từ 3 bộ trở lên, trong đó 36 tỉnh chọn SGK của cả 5 bộ.

Bộ đang rà soát, đánh giá về trường chuyên

Xung quanh những ồn ào, tranh cãi về mô hình trường chuyên thời gian gần đây, PV Thanh Niên đặt câu hỏi: Bộ GD-ĐT đã có báo cáo, thống kê gì về kết quả đầu ra của học sinh học THPT chuyên để đánh giá hiệu quả của mô hình này? Cấp THCS ở các trường chuyên tồn tại nhiều năm nay dựa trên cơ sở pháp lý nào khi mà luật giáo dục là không có trường chuyên cấp THCS. Bộ có ý kiến chính thức như thế nào về vấn đề này?
Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT, cho biết: “Trong năm nay, Bộ đã có kế hoạch sẽ tổng kết Đề án phát triển hệ thống trường chuyên giai đoạn 2010 – 2020 do Chính phủ quyết định ban hành”.
Bộ GD-ĐT đang yêu cầu các địa phương có báo cáo về phát triển trường chuyên tại địa phương mình và tổ chức hội nghị tổng kết đề án này vào cuối năm nay. Qua đó, sẽ có đánh giá nghiêm túc, căn bản về mô hình trường chuyên sau 10 năm để xác định hướng đi phù hợp cho mô hình trường chuyên trong những năm tiếp theo.
Để làm được điều này, ông Thành cho biết, Bộ GD-ĐT không chỉ dựa vào báo cáo của cơ sở mà đã giao cho một nhóm nghiên cứu của Viện Khoa học giáo dục VN xây dựng một đề tài nghiên cứu, khảo sát để có cơ sở khoa học cũng như cơ sở thực tiễn rõ ràng để đánh giá và có định hướng rõ ràng về trường chuyên.
Về cấp THCS trong trường chuyên, ông Thành khẳng định đây là do lịch sử để lại từ khi các trường THPT chuyên thành lập với mô hình trường phổ thông có nhiều cấp học. “Dù nằm trong trường THPT chuyên nhưng đây không phải là mô hình THCS chuyên”, ông Thành khẳng định.
Tuy nhiên, ông Thành cũng cho biết, Bộ GD-ĐT sẽ có đánh giá cả việc tồn tại những lớp THCS trong trường chuyên để có những quyết định chính thức và phù hợp.

Bộ GD-ĐT cho rằng việc lựa chọn các đầu SGK từ nhiều bộ khác nhau thể hiện tính dân chủ, khách quan. Đồng thời cho thấy các cơ sở giáo dục đã nghiên cứu kỹ lưỡng SGK nên chọn được đầu sách theo từng môn học phù hợp với nhà trường. Tại một số địa phương, một số sách được chọn nhiều hơn các sách khác là do đặc trưng của vùng, miền và phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội.

PV Thanh Niên đã đặt câu hỏi về trường hợp 2 địa phương là tỉnh Long An và Khánh Hòa báo cáo 100% trường chỉ chọn 1 bộ SGK, ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, “đính chính” báo cáo công bố tại buổi họp báo khi cho rằng có 62 tỉnh/thành (không phải 61 như báo cáo của Bộ) chọn từ 3 bộ SGK trở lên. Riêng Khánh Hòa thì cả tỉnh đều chọn 1 bộ sách cho 8 môn bắt buộc, riêng môn tiếng Anh chọn từ một nhà xuất bản khác, nghĩa là tỉnh này được xem là chọn 2 bộ SGK.
Ông Tài cho biết theo báo cáo của Long An, quy trình chọn sách của tỉnh này thoạt tiên thực hiện đúng hướng dẫn. Nghĩa là sau khi các trường chọn sách, Sở GD-ĐT đã tổng hợp thông tin trung thực, khách quan báo cáo lên UBND tỉnh; UBND tỉnh cũng đã gửi báo cáo đó sang Tỉnh ủy. Nhưng sau đó Tỉnh ủy Long An chỉ đạo chọn bộ SGK được nhiều trường lựa chọn nhất, dùng chung cho cả tỉnh Long An. Trước sự việc trên, Bộ GD-ĐT cho rằng việc chỉ đạo của Tỉnh ủy Long An không đúng với tinh thần Thông tư 01 của Bộ GD-ĐT về chọn SGK thực hiện trong năm học 2020 – 2021. Sau khi có ý kiến của Bộ GD-ĐT, Long An đã để các trường sử dụng SGK theo lựa chọn trước đó. Kết quả, Long An là một trong số 37 tỉnh/thành chọn cả 5 bộ SGK.
Với trường hợp Khánh Hòa, ông Tài cho biết Bộ GD-ĐT đã đề nghị lãnh đạo tỉnh yêu cầu sở GD-ĐT rà soát lại cả 194 hội đồng chọn sách (tương ứng với 194 trường tiểu học), kiểm tra tỉ mỉ từng khâu, từng bước. Sau gần nửa tháng kiểm tra, lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa đã có báo cáo chính thức việc này, khẳng định quy trình chọn sách đã thực hiện đúng, kết quả chọn sách thể hiện trung thực, khách quan sự lựa chọn của các hội đồng.
Ông Tài cho biết với vai trò cơ quan giám sát, Bộ GD-ĐT đã cử một đoàn công tác do Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ trực tiếp lãnh đạo đi kiểm tra việc triển khai chọn sách của các địa phương. “Cho đến nay, Bộ GD-ĐT chưa nhận báo cáo nào cho thấy có sự can thiệp vào việc chọn SGK của các trường. Việc chọn sách của các trường được thực hiện đúng tinh thần Thông tư 01 mà Bộ GD-ĐT đã hướng dẫn”, ông Tài khẳng định.
Trước băn khoăn đến thời điểm này một số cơ sở giáo dục vẫn chưa công bố công khai kết quả chọn sách để phụ huynh học sinh có con học lớp 1 năm học tới biết con mình sẽ học SGK nào, ông Tài khẳng định: Bộ GD-ĐT đã có văn bản rất sớm, trong đó có yêu cầu các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm túc quy định công bố kết quả lựa chọn sách trước năm học mới ít nhất 4 tháng. Thực tế khi Bộ GD-ĐT đi kiểm tra các địa phương thì thấy có nơi còn cẩn thận photocopy kết quả chọn SGK gửi các trường mầm non phát cho trẻ 5 tuổi để trẻ mang về cho bố mẹ biết và nắm được thông tin.
TUỆ NGUYỄN – QUÝ HIÊN
TNO