23/12/2024

Nan giải bài toán điện

Nan giải bài toán điện

Biến nguồn tài nguyên từ tiềm năng thành động năng, đó là ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc liên quan đến việc phát triển điện. 
Hết tháng 6 đã có 89 nhà máy điện mặt trời hòa lưới phát điện với tổng công suất 4.442 MW /// Ảnh: Thiện Nhân
Hết tháng 6 đã có 89 nhà máy điện mặt trời hòa lưới phát điện với tổng công suất 4.442 MW ẢNH: THIỆN NHÂN
Tuy nói về nguồn điện, nhưng lại xuất phát từ nguồn tài nguyên do đó cần phải xem xét trên cung – cầu điện; khó khăn hạn chế về nguồn tài nguyên hoặc hệ lụy và biến tiềm năng thành động lực để phát triển điện.

Sản lượng tăng mạnh, điện vẫn thiếu

Sản lượng điện năm 2019 đạt 227,4 tỉ kWh, cao gấp 8,5 lần năm 2000, hay tăng 11,9%/năm – gấp gần 4,3 lần so với tốc độ tăng chung của toàn cầu (2,8%/năm). Sản lượng điện bình quân đầu người 2019 đạt gần 2.357 kWh, cao hơn nhiều so với con số tương ứng của năm 2000 (345 kWh) và cao hơn Ấn Độ, Indonesia, tương đương với Thái Lan. Tuy nhiên, đó vẫn còn là mức thấp, chỉ bằng khoảng 2/3 mức bình quân đầu người theo tiêu chí của nước công nghiệp trước đây đã xác định; cũng chỉ bằng 2/3 mức tương ứng hiện nay của thế giới và thấp hơn nhiều nước trên thế giới, nhất là những nước công nghiệp phát triển.
Với vai trò điện phải đi trước một bước, với mức bình quân đầu người còn thấp, với mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và tiêu dùng điện tăng cao, thì tốc độ tăng tổng sản lượng điện và sản lượng điện bình quân đầu người còn phải được duy trì và tăng cao hơn nữa mới đáp ứng được nhu cầu. Đã có dự báo về sự thiếu điện trong thời gian tới, khi mà tốc độ tăng GDP đạt trên dưới 7%, trong đó công nghiệp tăng trên dưới 10%; dân số tăng trên 1%, với nhu cầu bình quân đầu người còn tăng với tốc độ cao hơn…
Để cải thiện quan hệ cung – cầu về điện, trước hết cần phải tăng sản lượng điện. Muốn tăng sản lượng điện, không thể chỉ, hoặc chủ yếu dựa vào nguồn tài nguyên không tái tạo, đặc biệt là than. Trong khi đó, điện nguyên tử tuy đã được đề cập từ mấy năm trước, nhưng sau những hậu quả xảy ra ở Chernobyl, Nhật Bản và khuyến cáo của quốc tế, đã dừng lại.
Gần đây đã có nhiều đề xuất về các nguồn tài nguyên khác như: năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng hải lưu, năng lượng sóng biển, năng lượng địa nhiệt, năng lượng sinh khối, tài nguyên sinh vật và phi sinh vật). Do vị trí địa lý của Việt Nam, các nguồn này có trữ lượng rất lớn. Đây cũng là nguồn tài nguyên tái tạo được. Đặc biệt, phát thải khí CO2/kWh thấp hơn nhiều so với điện than, nhiệt điện dầu, khí đốt chu trình kết hợp.
Nguồn tài nguyên tái tạo trên đã được phát triển trong vài năm gần đây, đặc biệt là năm 2019. Hết tháng 6 đã có 89 nhà máy điện mặt trời hòa lưới phát điện với tổng công suất 4.442 MW; nếu tính cả các nhà máy điện gió đạt 4.880 MW (chủ yếu ở Ninh Thuận, Bình Thuận), chiếm trên 10% tổng công suất của cả nước.
Tuy nhiên, sản lượng điện từ nguồn này chiếm tỷ trọng không lớn. Nói cách khác, nguồn này về cơ bản vẫn ở dạng tiềm năng. Do vậy, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo là biến nguồn tài nguyên từ dạng tiềm năng trở thành động năng cho sự phát triển. Mục tiêu theo kiến nghị đến năm 2025 cần có thêm 12.500 MW điện mặt trời và 7.200 MW điện gió, điện mái nhà khoảng 2.000 MW; nhưng vẫn còn thấp xa so với nhu cầu cần 35.000 MW điện năng lượng tái tạo (trong đó 2/3 là điện mặt trời và 1/3 là điện gió).

Giá là vấn đề mấu chốt

Vấn đề cần giải quyết trong việc biến nguồn tài nguyên từ dạng tiềm năng trở thành động năng trước hết là vốn đầu tư. Với mức bình quân 1 nhà máy là 1.000 tỉ đồng (89 nhà máy hiện tại hết khoảng 89.000 tỉ) thì nhiều nhà đầu tư tư nhân có thể có năng lực để đầu tư. Vấn đề còn lại ở khâu đầu tư là đất sạch, cần có sự chủ động và hỗ trợ của các địa phương. Bên cạnh đó là truyền tải, kết nối từ đường 110 KV đến 220 KV và 500 KV. EVN cần tập trung và khẩn trương xây dựng, hoàn thiện. Một vấn đề cần quan tâm nữa là hệ thống lưu trữ.
Phát triển năng lượng là vấn đề mấu chốt bởi nhiệt điện than hiện chiếm tỷ trọng cao nhất và tiếp tục tăng từ 35% vào giữa năm 2015 lên 36% vào cuối năm 2015, dự kiến sẽ chiếm 49,3% vào năm 2020 và có thể tăng lên 55% vào năm 2025. Thế nhưng, phát thải khí CO2/kWh nguồn điện than ở mức 978 gram, cao nhất trong các nguồn (nhiệt điện dầu 891, khí đốt chu trình kết hợp 427, điện mặt trời 60 – 150, điện gió 3 – 22, điện nguyên tử 6, thủy điện 4). Trên thế giới, Mỹ đã thay thế than đá bằng khí đốt, Pháp dự kiến 2020 sẽ thay thế, Trung Quốc đang đóng cửa nhiệt điện than…; nhiều nước khác không phát triển nhiệt điện than.
Thế nhưng, vấn đề quan trọng nhất là giá bán điện. Campuchia có thuận lợi hơn về giờ nắng nên giá chỉ có 900 đồng/kWh. Việt Nam đưa ra giá cho những nhà máy hoàn thành trước tháng 7.2019 lên đến 2.086 đồng/kWh; giá điện gió có ưu đãi là 1.928 đồng/kWh. Giá này đã thu hút được nhiều nhà đầu tư trong những tháng qua. Giá đấu thầu trong thời gian tới có thể thấp hơn. Theo tính toán của một số chuyên gia là vào khoảng 1.600 đồng/kWh.
HIỂU MINH
TNO