EU sẽ đầu tư mạnh vào chương trình không gian để bám đuổi Mỹ, Trung Quốc
EU sẽ đầu tư mạnh vào chương trình không gian để bám đuổi Mỹ, Trung Quốc
Liên minh châu Âu (EU) sẽ đầu tư nhiều vào các cuộc phóng tên lửa, vệ tinh và thám hiểm không gian nhằm bắt kịp chương trình không gian của Mỹ và Trung Quốc.
Trong nhiều thập niên qua, EU nỗ lực tìm cách xây dựng chương trình không gian riêng, độc lập với hai quốc gia tiên phong Mỹ và Nga, với một số thành công như tên lửa đẩy Ariane hoặc hệ thống định vị Galileo, đối thủ của GPS, theo Reuters.
Tuy nhiên, EU muốn đẩy mạnh chương trình không gian vì sự xuất hiện gần đây của đối thủ SpaceX (Mỹ) với các tên lửa vũ trụ có thể tái sử dụng và cùng những tiến bộ nhanh chóng của Trung Quốc như đưa tàu vũ trụ lên vùng tối Mặt Trăng năm ngoái.
“Lĩnh vực không gian là một trong những điểm mạnh của châu Âu. Chúng tôi có thể tự mình đẩy mạnh chương trình không gian”, ông Thierry Breton, Ủy viên châu Âu phụ trách thị trường và công nghệ, nói với Reuters ngày 28.6.
Ông Breton, cựu giám đốc công ty công nghệ thông tin Atos (Pháp), cho biết sắp tới EU sẽ lần đầu tiên tăng cường chi ngân sách để hỗ trợ phát triển công nghệ mới, bao gồm cả tên lửa vũ trụ có thể tái sử dụng.
EU sẽ ký thỏa thuận trị giá 1 tỉ euro với tập đoàn Arianespace (Pháp) với hàng loạt đơn đặt hàng để phát triển chương trình không gian.
“Để chạy đua với SpaceX, EU cần có tên lửa đẩy Ariane 6, nhưng đó không phải là mục tiêu cuối cùng: chúng ta phải bắt đầu nghĩ về Ariane 7”, ông Breton nói về kế hoạch đầy tham vọng của EU.
Ủy viên Breton kỳ vọng Ủy ban châu Âu sắp tới sẽ phê chuẩn đề xuất chi 16 tỉ euro ngân sách cho chương trình không gian. Ông đồng thời đề xuất thành lập Quỹ Không gian châu Âu trị giá 1 tỉ euro để xúc tiến khởi nghiệp trong lĩnh vực không gian.
Đối với hệ thống định vị Galileo, ông Breton cho biết ông đề xuất EU tăng tốc triển khai một thế hệ vệ tinh mới, “hiện đại nhất thế giới“, có thể tương tác với nhau và cung cấp tín hiệu chính xác hơn vào cuối năm 2024 thay vì năm 2027.
Bên cạnh đó, ông Breton muốn ra mắt một hệ thống vệ tinh mới có thể cung cấp dịch vụ Internet tốc độ cao cho tất cả người dân châu Âu.
PHÚC DUY
TNO