24/12/2024

Trường nghề đang khởi sắc thì… gặp dịch

Trường nghề đang khởi sắc thì… gặp dịch

Nhận thức của xã hội về giáo dục nghề nghiệp từng bước nâng lên, số lượng học sinh vào các trường nghề ngày càng tăng. Tuy nhiên, dịch COVID-19 đang đe doạ chặn đứng đà khởi sắc này.

 

Trường nghề đang khởi sắc thì... gặp dịch - Ảnh 1.

Học viên học nghề bếp tại Trung tâm hướng nghiệp Á Âu (TP.HCM) – Ảnh: TRỌNG HIỆP

Đó là nhận định của nhiều chuyên gia tại hội nghị tuyển sinh, đào tạo và giải quyết việc làm năm 2020 do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức ở TP.HCM sáng 23-6.

Tuyển sinh lao dốc

Theo tổng hợp báo cáo của 63 sở LĐ-TB&XH, kết quả tuyển sinh năm 2019 của giáo dục nghề nghiệp cả nước là 2.338.000 người, đạt 103,5% so với kế hoạch, trong đó tuyển sinh trình độ trung cấp và cao đẳng khoảng 568.000 người, đạt 101,4% kế hoạch.

Tính đến cuối năm 2019, cả nước có 1.914 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, gồm 399 trường cao đẳng, 462 trường trung cấp và 1.053 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên.

Phát biểu tại hội nghị, ông Vũ Xuân Hùng – vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp – cho biết kết quả tuyển sinh năm 2019 và những năm trước đây cho thấy nhận thức của xã hội về vai trò của giáo dục nghề nghiệp từng bước nâng lên.

Ngoài ra, phân luồng học sinh tốt nghiệp THCS vào giáo dục nghề nghiệp chuyển biến tích cực, điển hình tỉ lệ phân luồng năm 2019 đạt 12% trong khi cuối năm 2017 chỉ đạt 7-8%.

Tuy nhiên, ông Hùng nhận định dịch COVID-19 để lại các tác động nghiêm trọng. Nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp du lịch, bị gián đoạn hoạt động, do vậy các hoạt động thực hành thực tập của người học cũng bị khó khăn, nhất là đối với các nghề du lịch. Việc tuyển sinh cũng gặp trở ngại. Kết quả

tuyển sinh 5 tháng đầu năm 2020 trên cả nước chỉ đạt khoảng 844.900 người, tương đương 57% so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, con số này chỉ bằng khoảng 21% so với kế hoạch tuyển sinh năm 2020.

Tháo gỡ khó khăn để hấp dẫn

Ông Nguyễn Hoàng Phong – trưởng phòng đào tạo Trường CĐ nghề Phú Yên – cho biết hiện nay chương trình văn hóa trình độ trung cấp đang thực hiện theo thông tư 16 năm 2010 của Bộ GD-ĐT ban hành quy định về khung chương trình trung cấp chuyên nghiệp.

Ông Phong phân tích, thông tư này yêu cầu với những ngành mới cần bổ sung môn, các trường phải có ý kiến bằng văn bản và được Bộ GD-ĐT đồng ý. Theo ông, cần có chuẩn về văn hóa cho trình độ trung cấp và được công nhận hoàn thành chương trình văn hóa THPT thì mới thu hút người học.

“Hệ giáo dục thường xuyên của trường tôi, 150 em chuẩn bị thi tốt nghiệp thì đến 120 em đã nhận giấy báo trúng tuyển đại học. Nói thật, sau THCS ở trường tôi chỉ 20% học sinh đăng ký học nghề, còn lại 80% học giáo dục thường xuyên, trong khi gần như 99% phụ huynh mong muốn con học giáo dục thường xuyên để hoàn thành hết cấp THPT.

Người học trung cấp thì ghi trong lý lịch trình độ 12/12 hay 9/12? Giữa một người học trung cấp, một người học liên thông, một người tốt nghiệp THPT thì ở nhiều địa phương vẫn còn chọn lao động tốt nghiệp THPT” – ông Phong thẳng thắn.

Đại diện Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp lý giải, thông tư 16 hiện chỉ là “giải pháp tình thế” của Bộ GD-ĐT. Theo quy định của Luật giáo dục – nghề nghiệp, bộ trưởng Bộ GD-ĐT ban hành khối lượng kiến thức tối thiểu cho chương trình văn hóa THPT theo quy định giúp người học liên thông lên trình độ cao hơn.

“Tuy nhiên đến nay văn bản này chưa được ban hành, thay vào đó năm 2017 Bộ GD-ĐT cho “dùng tạm” thông tư 16 thực ra đã hết hạn nên phát sinh nhiều bất cập” – ông Vũ Xuân Hùng nói.

Ông Hùng cho biết thêm mới đây Thủ tướng đã đưa vào chỉ thị 24 (28-5-2020), giao Bộ GD-ĐT ban hành quy định về khối lượng kiến thức văn hóa tối thiểu dành cho học sinh và xác nhận hoàn thành văn hóa THPT theo quy định. Đến quý 3 khi quy định này được ban hành có thể giải quyết một số điểm nghẽn hiện tại để thu hút thêm người học.

Tăng cường đào tạo, đào tạo lại

Theo TS Trương Anh Dũng – tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, một trong số những yêu cầu hiện tại là tăng quy mô tuyển sinh. Hiện nay, VN có hơn 55 triệu dân trong độ tuổi lao động, nhưng những năm gần đây chỉ tập trung đào tạo 2,2 triệu lao động mỗi năm.

Mục tiêu sắp tới sẽ tăng gấp đôi quy mô tuyển sinh, hướng nhiều đến lao động đang làm việc để tổ chức đào tạo, kể cả đào tạo lại, đào tạo bổ sung, cập nhật kiến thức kỹ năng tay nghề. Ông Dũng khẳng định đào tạo nghề phải thực tế và gắn liền với nhu cầu bởi đào tạo ra mà không có việc làm là lãng phí cho đất nước.

TRỌNG NHÂN
TTO