Chúa Nhật XII TN A 2020: Vượt qua nỗi sợ hãi

Qua các bài Thánh Kinh hôm nay, nhất là bài Tin Mừng (x. Mt 10,26-33), Chúa mời gọi chúng ta “đừng sợ”, dù trên đường đời ta có thể gặp nhiều thử thách, gian nan khiến ta chùn chân, không dám bước tới. Cuộc đời tín hữu cũng không thiếu những nguy hiểm, bách hại, khiến nhiều khi chúng ta không dám công bố sự thật về Đức Giêsu Kitô và loan báo Tin Mừng cứu độ cho mọi người.

Chúa Nhật XII TN A 2020

Vượt qua sợ hãi

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Qua các bài Thánh Kinh hôm nay, nhất là bài Tin Mừng (x. Mt 10,26-33), Chúa mời gọi chúng ta “đừng sợ”, dù trên đường đời ta có thể gặp nhiều thử thách, gian nan khiến ta chùn chân, không dám bước tới. Cuộc đời tín hữu cũng không thiếu những nguy hiểm, bách hại, khiến nhiều khi chúng ta không dám công bố sự thật về Đức Giêsu Kitô và loan báo Tin Mừng cứu độ cho mọi người.

Vì thế, chúng ta dành một vài phút để nhìn thẳng vào những nỗi sợ trong cuộc đời xem có thể vượt thắng chúng như thế nào.

1. Những nỗi sợ hãi của con người

Sợ là ở trong trạng thái không yên lòng vì cho rằng có cái gì đó trực tiếp gây nguy hiểm hay thiệt hại cho mình, mà tự thấy không thể chống lại hoặc không thể tránh khỏi (x. Viện Ngôn ngữ học, Từ diển Tiếng Việt 2013, NXB Đà Nẵng, tr.1121).

Nếu so sánh với đời sống của những người sơ khai cách đây vài ngàn năm, ta thấy đời sống hiện nay có vẻ rất an toàn, ổn định. Trước đây người ta sợ những sức mạnh thiên nhiên như núi sông, biển cả, mưa bão, sấm sét, hổ báo, rắn rết… vì chung quanh toàn là rừng núi, còn mình ở trong hang động. Lúc nào con người cũng bị đói khát đe doạ, phải chịu đựng thiên tai và phải kiếm ăn hằng ngày.

Bước sang thế kỷ XXI với khoa học kỹ thuật tiến bộ vượt bậc: con người ở trong những ngôi nhà kiên cố, tiện nghi; có đủ loại lương thực ngon lành, bổ dưỡng; có các phương pháp chữa trị bệnh tật hiệu quả; có những phương tiện giúp ta sống thoải mái, như cột thu lôi ngăn sấm sét, máy lạnh, máy sưởi, đèn điện, bếp điện, điện thoại, truyền hình, mạng liên lạc toàn cầu để làm việc, học hỏi, giải trí… Người ta cảm thấy đời sống thật dễ dàng, yên ổn, sung sướng.

Tuy nhiên, thời xưa người ta sống khoẻ mạnh, thảnh thơi, ít người bị điên loạn, dù chung quanh đầy những thú dữ và môi trường khắc nghiệt. Còn thời nay, nhiều người bị rối loạn tâm thần, dù đời sống đầy đủ tiện nghi. Tại Việt Nam, theo thống kê của Bộ Y tế, có 15% dân số mắc bệnh tâm thần. Các nước Tây Phương còn nhiều hơn, dù họ tiến bộ hơn chúng ta (Hoa Kỳ 19%, Đức 18%). Như vậy với vài trăm người ngồi ở đây, chắc cũng có mấy chục người bị tâm thần!

Điều đó cũng không lạ lùng gì, vì chúng ta có nhiều lo lắng sợ hãi: ra đường sợ cây đổ đè trúng, về vùng quê sợ dây điện rơi giật chết, gặp mưa nhiều sợ bị lũ quét, sạt lở, gặp bão tố đột ngột sợ bị nước xả từ các đập thuỷ điện cuốn trôi, đi ra chợ thì sợ mua hàng độc hại, đi xe thì sợ mấy ông tài xế nghiện ma tuý gây tai nạn…

Dịch bệnh Covid 19 còn làm chúng ta sợ hãi hơn nữa và thấy chỗ nào cũng nguy hiểm. Báo Thanh Niên sáng ngày hôm nay, 21/6/2020, cho biết: toàn thế giới có hơn 8.700.000 người bị nhiễm Covid 19 và 460.000 người đã chết. Ra ngoài đường thì không dám gặp người, vì thấy ai cũng đáng sợ hết. Vào trong nhà thấy chỗ nào cũng đáng nghi ngờ, nên lấy nước khử trùng lau rửa mọi chỗ. Tiền là thứ mà người ta thích nhất, giờ cũng sợ không dám cầm! Cả một “biển sợ” bao quanh chúng ta.

Làm tín hữu Công giáo còn thêm nhiều nỗi sợ hơn. Nếu mình có địa vị cao, có tài, có đức thì không thiếu người ganh ghét. Họ vu cáo ta đủ thứ lỗi lầm để hất ta khỏi cái ghế đang ngồi! Như bài đọc I (x. Gr 20,10-13) diễn tả: “Tất cả bạn bè thân thích đều rình xem con vấp ngã”. Vì thế, để giữ được cơm áo gạo tiền, không ít người có đạo đành phải giấu lý lịch bản thân. Khi ăn uống cũng không dám làm dấu Thánh giá trước mặt bạn bè, không dám treo ảnh đạo ở phòng khách, thậm chí để trống chỗ tôn giáo khi khai báo lý lịch.

2. Vượt thắng nỗi sợ hãi

Chúa Giêsu hôm nay mời gọi chúng ta: “Anh em đừng sợ người ta. Thật ra, không có gì che giấu mà sẽ không được tỏ lộ, không có gì bí mật, mà người ta sẽ không biết…”. Nỗi sợ mất lợi lộc, danh vọng làm ta co rúm và bất động. Nó làm cho ta trở thành nô lệ cho vật chất, không gian, thời gian. Nhưng thử hỏi ta mang được bao nhiêu danh lợi khi đến trước toà Chúa sau khi chết? Nỗi sợ chết còn làm cho người ta kinh hãi hơn và nhiều khi người ta phải đánh đổi tất cả danh dự và lòng tin chỉ để kéo dài thêm vài năm tháng sống.

Đức Giêsu hiểu rõ nỗi sợ của ta khi người cầu nguyện ở Vườn Cây Dầu và những giọt mồ hôi pha lẫn máu đã nhỏ xuống đất vì sợ hãi. Một vài tử tù trước khi bị hành quyết đã có triệu chứng này vì lo sợ tột cùng. Vì thế Người nhắc nhở: “Anh em đừng sợ những kẻ giết được thân xác mà không giết được linh hồn. Hãy sợ Đấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hoả ngục!”.

Hồn của chúng ta luôn luôn sống. Từng giây phút ta nhận được sự sống, tình yêu, tư tưởng, hạnh phúc, nhưng hình như chúng ta không hiểu được đó là những giá trị tinh thần do Cha Trên Trời ban cho để giúp ta sống mãi. Ngài đã ban cho ta Con Một của Ngài là Đức Giêsu để sống và chết cho ta, rồi sống lại vì ta, nên Ngài không tiếc với ta bất cứ một ơn nào (x. Rm 5,12-15). Đức Giêsu cũng thôi thúc ta điều đó khi nói đến những sợi tóc rơi rụng và những con chim sẻ. Vì vậy, phương cách trước tiên để vượt qua nỗi sợ hãi là tin cậy vào tình yêu của Cha Trên Trời.

Phương cách thứ hai là phải gắn bó với Chúa Giêsu và quyết tâm bước theo Người để chinh phục thế giới, giải phóng con người. Nhìn vào thế giới hôm nay, người ta đang giãn cách xã hội vì tội lỗi và đủ loại dịch bệnh tinh thần: ai cũng chỉ muốn ở yên trong nhà, sống ích kỷ, hưởng thụ, khép kín, và vui chơi, giải trí bằng các phương tiện truyền thông xã hội, với đủ thứ nghiện ngập. Nếu chúng ta cứ mãi ở yên trong nhà để tìm kiếm sự an toàn thì ai sẽ cứu chữa những người nghèo khổ, bệnh tật, ai sẽ giải thoát những người bị ma quỷ kiềm chế, ai sẽ giúp đỡ những người đang chết dần, chết mòn vì tội lỗi, nghiện ngập sống xứng đáng làm người và làm con Chúa?

Vì thế, Đức Thánh Cha Phanxicô và Bênêđictô XVI nhắc nhở chúng ta rằng: “mỗi tín hữu thời đại hôm nay phải là một nhà cách mạng. Chúng ta đang tham dự vào cuộc cách mạng đặc biệt và lớn lao nhất trong lịch sử nhân loại, đó là cuộc cách mạng thay đổi tâm hồn con người, giải phóng toàn diện con người để giúp con người không còn là tầm thường, mà trở thành phi thường, trở thành con cái Thiên Chúa. Nếu chúng ta không muốn làm nhà cách mạng, nếu chỉ muốn an thân và an toàn, thì chúng ta không phải là Kitô hữu” (ĐGH Phanxicô, Huấn từ ngày 17/6/2013; Docat, mục từ Chương trình hành động, NXB Tôn Giáo, 2015, tr.277-278).

Phương cách thứ ba là mở lòng ra cho Chúa Thánh Thần, Ngài luôn luôn nâng đỡ chúng ta, ban cho ta ơn can đảm, khôn ngoan và tất cả những ân huệ cần thiết để ta thực hiện được cuộc cách mạng kỳ diệu ấy. ĐTC Phanxicô, trong Tông huấn Đức Kitô hằng sống, ở số 177, nói với ta rằng: “Chúa yêu thương các con, vì các con chính là các phương thế để Người có thể quang toả ánh sáng và hy vọng, Chúa đang trông chờ sự can đảm, sự táo bạo và nhiệt thành của các con”.

Lời kết

Hôm nay Đức Giêsu mời gọi ta đừng sợ, “vì ở trong thế gian anh em sẽ phải gian nan, khốn khổ. Nhưng hãy can đảm lên, Thầy đã thắng thế gian” (Ga 16,33). Cha Trên Trời yêu thương ta, mời gọi ta gắn bó với Chúa Giêsu và thở được Thần Khí của Người để chúng ta thật sự là những nhà cách mạng trong thời đại này.

 

HKK