20/11/2024

Cái chết của một người làm thức tỉnh thế giới

Cái chết của một người làm thức tỉnh thế giới

Có lẽ tới trước khi George Floyd chết dưới bàn tay của viên cảnh sát thành phố Minneapolis, cả thế giới này vẫn chưa biết anh là ai.
Người dân New York tham dự lễ tưởng niệm ông George Floyd hôm 4.6 /// Reuters
Người dân New York tham dự lễ tưởng niệm ông George Floyd hôm 4.6 REUTERS
Là người da đen ? Dĩ nhiên. Là người da đen nghèo, thất nghiệp, có dính ít nhiều tới những hành vi phạm pháp ? Cũng đúng luôn. Nhưng Floyd là một con người, giống như mọi con người trên trái đất này ? Điều này tất nhiên hơn tất cả mọi điều.
Và những cuộc biểu tình đầu tiên đã nổ ra, ngay tại nước Mỹ.
Nhưng khi Tổng thống Donald Trump, thay vì đối thoại, đã đe dọa dùng vũ lực với những người biểu tình, thì sự tức giận lập tức lan trên toàn thế giới. Những cuộc biểu tình sau đó đã mở rộng ở phạm vi toàn cầu.
Không ai muốn chết chỉ để có những cuộc biểu tình ấy. Nhưng George Floyd đã chết. Và sau cái chết này, thế giới chợt rùng mình thức tỉnh.
Nhưng mọi chuyện có thể đã bắt đầu từ…con Covid-19. Con vi khuẩn tàn độc này đã làm xáo trộn cả thế giới. Trong đó, nước Mỹ chịu những xáo trộn nặng nề nhất. Sự chủ quan ban đầu và lúng túng sau đó đã khiến Covid-19 tràn lên như nước vỡ bờ.
Vấn đề phân biệt chủng tộc là vấn đề làm nhức nhối nước Mỹ từ vài trăm năm nay. Bây giờ, như một chứng bệnh mãn tính, nó lặn sâu vào vô thức, vào thói quen, vào ứng xử ngỡ như bình thường của nhiều người, những tầng lớp người da trắng có nhiều đặc quyền hay giàu có. Thậm chí, cả một số người da trắng không giàu có.
Những hành xử của cảnh sát Mỹ với người da đen có một phần xuất phát từ ý thức pha vô thức, “với người da đen thì cứ phải hành xử như vậy”, không thể khác. Đó mới thực sự là vấn đề mà bản thân những cuộc biểu tình cũng chưa thể giải quyết. Nhưng nó thức tỉnh. Lương tri con người là cái gì không đo đếm được, nhưng luôn có mặt. Một khi lương tri thức tỉnh, nó là một nguồn năng lượng không hề nhỏ yếu.
Sự thức tỉnh lương tri phải từ thực tế dẫn tới ý thức, từ nhận thức dẫn tới hành động. Từ quyền công dân dẫn tới luật pháp.
Covid-19 chỉ làm nóng lên những vấn nạn còn đang hiện hữu.
Thực ra, đây là vấn đề của con người, tự con người phải giải quyết với nhau. Dịch bệnh, dù tàn độc hay nguy hiểm tới đâu, cũng không nhằm giải quyết những vấn đề chính trị hay xã hội.
Bởi trước đại dịch corona này, nhiều người da đen ở Mỹ đã phải chịu đựng sự bạo hành của cảnh sát Mỹ, kể cả chịu những cái chết mà nếu là người da trắng, có thể họ không phải chết đau đớn như thế. Những cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc, bảo vệ quyền sống làm người của người da màu, đặc biệt là người da đen, cũng đã nổ ra không ít lần tại Mỹ. Nhưng chưa bao giờ, những cuộc biểu tình trong khi virus corona đang hoành hành tại Mỹ lại sục sôi đến mức như thế. Và không chỉ người da đen hay da màu xuống đường biểu tình. Rất nhiều người da trắng đã mang biểu ngữ đòi quyền sống, quyền làm người bình thường cho người da đen, cùng xuống đường. Và chưa bao giờ nước Mỹ lại chứng kiến những cuộc biểu tình tập hợp nhiều lực lượng “khác màu áo” đến thế, đối lập nhau đến thế, và vì những mục tiêu cũng phức hợp đến thế. Nhưng mục tiêu cơ bản là đòi chấm dứt triệt để sự phân biệt chủng tộc thì có lẽ không nhóm biểu tình nào phản đối.
Sự bừng ngộ, sự thức tỉnh chính là thành quả lớn nhất mà những cuộc biểu tình mang lại cho mọi con người, kể cả những người không tham gia biểu tình.
Vào ngày 10 tháng 6 vừa qua, hàng ngàn khoa học gia và các tổ chức khoa học lớn trên toàn thế giới tuyên bố đình công một ngày, nhằm lên tiếng chống nạn phân biệt chủng tộc trong giới khoa học.
Khi những nhà khoa học, nổi tiếng là “thành phần tháp ngà” lên tiếng vì một câu chuyện xảy ra ngoài xã hội, thì phải coi đó là hồi chuông báo động. Khi sự trì hoãn đang làm câu chuyện về quyền sống, quyền con người của người da đen trở nên quá bức xúc, và khi “những thế lực thù địch” mà ai cũng biết từ đâu tới, đang làm chính phủ Mỹ phải điên đầu đối phó, thì sự thức tỉnh lương tri không chỉ của người Mỹ mà của toàn nhân loại cần phải trở thành một nguồn năng lượng tốt và hữu hiệu để xây dựng lại một xã hội bình đẳng vì quyền con người.
Ngày tôi còn học phổ thông ở trường cấp ba Chu Văn An-Hà Nội, cách đây hơn 55 năm, chúng tôi đã được thầy Sửu, thầy giáo dạy môn Địa lý, hát cho chúng tôi nghe bài hát theo điệu “blues buồn nản” của những người nô lệ da đen kéo thuyền trên sông Mississippi.
Thầy hát bằng tiếng Anh, chúng tôi lại không biết tiếng Anh, nhưng bài hát đã lay động tận đáy sâu tâm hồn chúng tôi. Âm nhạc của người nô lệ da đen ở Mỹ là một tài sản vô giá của nhân loại.
George Floyd cũng là cháu chắt của những người nô lệ da đen kéo thuyền trên sông Mississippi thôi mà.
Anh không phải vĩ nhân, chẳng là lãnh tụ, thậm chí không hẳn là người vô can với pháp luật, nhưng cái chết “vì không thể thở được” của anh đã thức tỉnh cả thế giới.
Cách đây tròn 40 năm, tôi có viết một bài thơ về người da đen, nhan đề “Đọc những nhà thơ da đen”. Dù một số thực tế về thân phận người da đen 40 năm trước so với bây giờ đã khác, nhưng vẫn còn những vấn đề cốt lõi của những thân phận ấy chưa được giải quyết. Xin chép lại bài thơ ấy mời bạn đọc:

ĐỌC NHỮNG NHÀ THƠ DA ĐEN

Tôi đọc màu da – than của niềm hy vọng
đáy của mọi chiều sâu
chất liệu âm thầm của lửa
như cây non ngày cả gió
tôi run lên trước làn roi ngôn ngữ
tiếng thét bị ghìm giữa nụ cười chua cay
nếu so với cuộc đời chó đẻ mà các anh phải sống
thì làn da các anh
trong trắng vô ngần
nhưng các anh chẳng cần sự so sánh này
cứ nhảy múa đến lả người theo điệu kèn nghẹt thở
và hát như khạc ra từng miếng phổi
những khúc nhạc Jazz không thể nào làm lại
không thể làm lại khoảnh khắc hạnh phúc
những câu thơ ta ném xuống dòng sông
giá câu thơ là mẩu bánh mỳ
nhiều khi ta thèm chết được
cơn cồn cào bụng các anh, tôi biết
tôi biết
trên đường phố dòng người chảy tan vào nắng
có kẻ đói hoa mắt thấy hàng triệu mặt trời
mẩu bánh mỳ rơi xuống đất
câu thơ rơi không ai nhặt
rơi lặng im không chạm một ai
cao quá – những tòa nhà
nơi các anh cúi lưng rửa từng chồng bát đĩa
trong lúc bầu trời điệu blues rạn vỡ
không xấu hổ chuốt câu thơ như ngọc
không xấu hổ vốc câu thơ như bùn
các anh là thợ xây trộn vôi vữa cả thiên đàng địa ngục
qua mặt những tiên tri rao giảng sấm truyền
thơ các anh nóng như bánh mới ra lò. Bùng nổ
như bãi mìn vùi dưới đất nhiều năm
(1980)
THANH THẢO
TNO