23/12/2024

Học sinh năm nay có được nghỉ hè?

Học sinh năm nay có được nghỉ hè?

Không đến trường do dịch bệnh Covid-19 tới 3 tháng nên những ngày giữa mùa hè này, học sinh cả nước vẫn miệt mài đi học. Do vậy, mọi hoạt động được mong chờ nhất trong mùa hè như các năm trước đều đang bị đình lại.
Mùa hè ngắn nhưng vẫn ý nghĩa nếu học sinh được vui chơi,nghỉ ngơi trọn vẹn /// Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Mùa hè ngắn nhưng vẫn ý nghĩa nếu học sinh được vui chơi,nghỉ ngơi trọn vẹn ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Vắng lặng hoạt động hè

Cung Thiếu nhi Hà Nội tầm này năm ngoái đã vô cùng nhộn nhịp với thời khóa biểu dày đặc được thiết kế riêng cho thời gian nghỉ hè của học sinh (HS), thậm chí phụ huynh nào chậm chân sẽ không kịp đăng ký chỗ học cho con.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, dù cung thiếu nhi đã chiêu sinh các khóa học hè và khai giảng từ đầu tháng 6 nhưng do HS vẫn phải học chính khóa nên ghi nhận của PV cho thấy các hoạt động tại đây vắng lặng hẳn so với các năm trước.
Chị Minh Huê (phố Lương Văn Can, Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội), có con học Trường tiểu học Trưng Vương, cho biết mọi năm cứ đến tháng 5 đã “ngóng” thông báo chiêu sinh hè của cung thiếu nhi để cho con học đàn, học kỹ năng sống và tiếng Anh, nhưng năm nay xác định học đến tháng 7 nên mọi lịch vui chơi, học hè đều “án binh bất động”.
Còn chị Phương Minh, có con học THCS, cho biết năm nay chỉ cố gắng tận dụng thời gian nửa cuối tháng 7 để cho con về quê thăm ông bà thay vì đăng ký trại hè quốc tế hay cả nhà cùng đi du lịch vài chuyến, cho con về ở quê cả tháng như các kỳ nghỉ hè trước.
Nhiều phụ huynh có cùng tâm trạng, không biết năm nay con có được nghỉ hè nữa hay không sau khi đã nghỉ tới 3 tháng vì dịch Covid-19. Nếu theo quy định thì 15.7 có thể mới kết thúc năm học (thay vì 31.5 như các năm trước). Trong khi đó, nếu áp dụng quy định lâu nay thì ngày 1.8 các trường đã có thể cho HS tựu trường. Do vậy, nhiều gia đình đến thời điểm này chưa “dám” thiết kế cho con tham gia khóa học năng khiếu, kỹ năng hoặc trại hè nào lâu dài như các năm trước.
Ghi nhận của Thanh Niên, các trường công lập vẫn đang tiến hành dạy học để hoàn thành chương trình học kỳ 2. Cuối tháng 6 nhiều trường sẽ cho HS thi học kỳ 2, dự kiến kết thúc năm học trước 15.7 theo quy định của Bộ GD-ĐT, trường nào sớm cũng dự kiến kết thúc năm học vào ngày 9 – 11.7.
Một số trường ngoài công lập và trường công tự chủ đã kết thúc năm học và cho HS nghỉ hè từ đầu tháng 6 hoặc tuần cuối của tháng 6. Tuy nhiên, các trường này cũng đã thông báo HS sẽ tựu trường từ đầu tháng 8. Với HS chuẩn bị thi lớp 10 và tốt nghiệp THPT thì năm nay đều đã “xác định” không có kỳ nghỉ hè nào cả khi mà việc học ôn thi kéo dài tới tháng 8 để bước vào kỳ thi và cuối tháng 8 mới biết kết quả. Sau đó là hàng loạt các thủ tục nhập học nếu trúng tuyển…

Cơ hội để hợp nhất ngày tựu trường và khai giảng

Cuối tháng 8.2019, ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, về thăm Trường tiểu học Sơn Hà (H.Quan Sơn, Thanh Hóa). Thời điểm đó còn hơn 1 tuần mới đến ngày khai giảng nhưng HS thì đã đi học được vài tuần.
Trò chuyện với một số HS lớp 1, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ hỏi: “Các con muốn khai giảng xong rồi mới đi học hay đi học rồi mới khai giảng như thế này?”. Khi nghe các HS trả lời: “Con muốn khai giảng rồi mới đi học”, ông Nhạ hứa sẽ tính toán để thực hiện được mong muốn này trong thời gian tới. Ngay sau đó, phát biểu với lãnh đạo Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa và cán bộ, giáo viên H.Quan Sơn, ông Nhạ khẳng định sẽ từng bước tiến tới khắc phục được việc tựu trường sớm. Để tạo ra không khí thực sự tươi mới của ngày tựu trường, Bộ GD-ĐT đang tính toán để hợp nhất ngày tựu trường với ngày khai giảng.
Tuy nhiên, ông Nhạ cho rằng hiện nay đang trong giai đoạn “quá độ” giữa việc thực hiện chương trình cũ và chương trình mới nên cũng phải chấp nhận việc tựu trường trước ngày khai giảng.
Nhiều ý kiến cho rằng, năm học này đặc biệt vì dịch Covid-19 là thời điểm để Bộ trưởng GD-ĐT có thể thực hiện lời hứa về việc trả lại ý nghĩa của ngày khai trường.
Ông Đặng Tự Ân, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT), Giám đốc Quỹ Hỗ trợ đổi mới giáo dục, chia sẻ những ngày qua khi chứng kiến HS, nhất là tiểu học, mầm non phải đi học giữa những ngày thời tiết nắng như đổ lửa, ông thấy rất xót xa.
“Lâu nay dư luận phàn nàn nhiều về việc HS đi học cả tháng trời rồi mới khai giảng năm học mới. Nhân năm học đặc biệt này, Bộ GD-ĐT nên hợp nhất ngày tựu trường với ngày khai giảng, HS được nghỉ hè nhiều hơn một chút mà cũng trả lại được ý nghĩa của ngày khai trường”, ông Ân đề nghị.
PGS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cũng nhận định đề xuất tựu trường vào ngày 5.9, không chỉ với năm học bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, mà còn các năm học sau này.
Dịch giả Nguyễn Quốc Vương cũng chỉ ra các lý do khiến cho kỳ nghỉ hè lâu nay vẫn đặc biệt quan trọng với HS. Thứ nhất, mùa hè ở VN rất nắng nóng, HS được nghỉ sẽ tránh nguy cơ về sức khỏe. Thứ hai, nghỉ hè là dịp tốt để HS về gia đình, địa phương sinh hoạt, trải nghiệm cuộc sống. Qua đó, trẻ học hỏi kỹ năng sống, cách thức giao tiếp, rèn luyện năng lực thích nghi với đời sống và đặc biệt là học cách lao động và trân trọng giá trị của lao động. Thứ ba, HS nghỉ hè đủ, đúng cách, còn giúp tạo ra quãng thời gian “thong thả” cho giáo viên nghỉ ngơi, sum họp bên gia đình.

Bộ GD-ĐT: Đảm bảo học sinh nghỉ hè ít nhất 1 tháng

PGS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), cho biết Bộ đang tính toán xây dựng khung kế hoạch thời gian năm học để áp dụng cho năm học 2020 – 2021 tới. Ông Thành cho biết Bộ GD-ĐT sẽ xây dựng đảm bảo nguyên tắc HS phải có thời gian nghỉ hè ít nhất 1 tháng trở lên.
Học sinh mong muốn có được những ngày hè vui chơi thoải mái sau thời gian học dồn dập cả trong mùa hè do dịch Covid-19 ẢNH: NGỌC THẮNG

Học sinh mong muốn có được những ngày hè vui chơi thoải mái sau thời gian học dồn dập cả trong mùa hè do dịch Covid-19   ẢNH: NGỌC THẮNG

Theo đó, thời gian kết thúc năm học này muộn nhất là 15.7, đồng nghĩa với việc có những nơi sau thời điểm này HS mới được nghỉ. Do vậy, Bộ GD-ĐT đang tính toán 2 phương án, có thể thời gian tựu trường năm học mới sớm nhất là 15.8 hoặc chỉ trước ngày khai giảng (5.9) nhiều nhất là 1 tuần.
Trả lời câu hỏi tại sao không hợp nhất ngày khai giảng và ngày tựu trường, ông Thành lý giải, với HS các lớp đầu cấp, HS mới nhập trường… thì nhà trường rất cần có thời gian tập trung HS sớm hơn để xếp lớp, thông báo các nội dung cần thiết về nền nếp, nội quy của nhà trường; học trò có thời gian làm quen với môi trường học tập mới hoàn toàn trước khi chính thức đi học.
“Quy định của Bộ chỉ đưa ra các khung thời gian sớm nhất và muộn nhất để đảm bảo kế hoạch thời gian năm học theo chương trình. Căn cứ vào đó, UBND cấp tỉnh sẽ ban hành quyết định về khung thời gian năm học của địa phương mình. Do vậy, khi Bộ quy định thời gian tựu trường sớm nhất nghĩa là các địa phương không đưa ra mốc thời gian tựu trường sớm hơn thời điểm mà Bộ GD-ĐT đã quy định, có thể tựu trường bất cứ thời gian nào cho đến ngày khai giảng năm học mới; cũng như hoàn toàn có thể tựu trường vào đúng ngày khai giảng”, ông Thành nói.
Về thời gian nghỉ hè của giáo viên, Bộ GD-ĐT cũng đã có văn bản quy định do khung kế hoạch thời gian năm học 2019 – 2020 đã điều chỉnh (kết thúc năm học muộn nhất ngày 15.7) nên thời gian nghỉ hè của giáo viên sẽ được tính bắt đầu từ sau ngày kết thúc năm học (theo thời gian thực tế) đến ngày tựu trường năm học 2020 – 2021.

Nhiều trường mầm non ngoài công lập dạy suốt hè

Theo Sở GD-ĐT TP.HCM, các trường phổ thông ở TP.HCM sẽ kết thúc chương trình học vào ngày 15.7. Với bậc mầm non, thường sau ngày 15.7 các trường sẽ tổ chức tổng kết và cho HS nghỉ hè chỉ khoảng 2 tuần, sau đó sẽ tổ chức hoạt động hè.
Tuy nhiên theo ghi nhận của phóng viên Thanh Niên, riêng với các trường mầm non tư thục, vì năm nay HS đã nghỉ học kéo dài để phòng dịch, mới quay trở lại trường khoảng một tháng nay nên nhiều trường sẽ không nghỉ hè như những năm trước và sẽ dạy liên tục.
Nguyễn Loan 

Nên chia nhỏ các kỳ nghỉ?

Trong thời gian HS Hà Nội phải nghỉ 3 tháng do dịch Covid-19 vừa qua, tại một buổi họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho rằng dịch bệnh đã đặt ra một vấn đề mà ngành GD-ĐT cần xem xét, đó là chia nhỏ các kỳ nghỉ trong năm học thay vì nghỉ hè quá dài.
Theo ông Chung: “Nếu có 4 kỳ nghỉ thì tổng thời gian nghỉ hè vẫn là 3 tháng, trong đó nghỉ hè kéo dài 35 ngày, nghỉ tết khoảng 1 tháng, 2 kỳ nghỉ còn lại mỗi kỳ kéo dài 2 tuần”.
Đề xuất này của ông Chung sau đó nhận được nhiều sự đồng tình từ các giáo viên và các chuyên gia giáo dục vì sẽ giảm tải sức ì cho HS, so với 1 kỳ nghỉ kéo dài đến 3 tháng như hiện tại. Tuy nhiên, theo thông tin của Thanh Niên thì đến thời điểm này, Bộ GD-ĐT chưa xem xét đến phương án này.
TUỆ NGUYỄN
TNO