Bán lẻ trong nước lo ‘ông lớn’ châu Âu lấn át
Bán lẻ trong nước lo ‘ông lớn’ châu Âu lấn át
Thị trường phân phối Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển do quy mô dân số lớn. Tuy nhiên, khi Hiệp định EVFTA thực thi, tốc độ thâm nhập, mở rộng ngày một gia tăng của các hãng phân phối nước ngoài sẽ gây sức ép rất lớn trong thời gian tới.
Nhận định trên được Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) đưa ra khi đánh giá ảnh hưởng của Hiệp định EVFTA đến các doanh nghiệp trong nước ở lĩnh vực phân phối.
Theo đánh giá của Vụ Thị trường trong nước, khi hiệp định EVFTA có hiệu lực thực thi, các cam kết mở cửa thị trường dịch vụ, đầu tư, phân phối sẽ khiến các doanh nghiệp lớn của các quốc gia thành viên EU đẩy mạnh đầu tư vào ngành phân phối, bán lẻ của Việt Nam.
Dù có nhiều tiềm năng phát triển do quy mô dân số lớn (khoảng 96 triệu người), cơ cấu dân số trẻ (60% dân số ở độ tuổi 18-50); dự báo chi tiêu hộ gia đình tăng trung bình 10,5%/năm và sẽ lên mức 714 USD/ tháng vào năm 2020, nhưng tỉ lệ bao phủ của hệ thống bán lẻ hiện đại của Việt Nam thấp hơn nhiều nước trong khu vực.
Hiện Việt Nam chỉ đạt 25% tổng mức bán lẻ trong khi ở Philipines là 33%, Thái Lan 34%, Malaysia 60% hay Singapore 90%…
Trong khi đó, phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam là các doanh nghiệp nhỏ và vừa với nguồn lực hạn chế, chỉ có một số ít doanh nghiệp lớn của Việt Nam như Saigon Co.op, VinCommerce, Thegioididong, Bách hóa Xanh, Satra, BRG Retail… mới đủ năng lực để cạnh tranh, khẳng định vị thế của mình.
Chưa kể tốc độ thâm nhập và mở rộng ngày một gia tăng của các hãng phân phối nước ngoài đã gây sức ép rất lớn và là mối lo ngại cho các nhà bán lẻ nội địa. Nhiều hàng hóa sản xuất trong nước bị suy giảm thị phần, đặc biệt đối với phân khúc khách hàng cao cấp thiếu vắng thương hiệu Việt Nam. Các doanh nghiệp lớn của nước ngoài liên tục gia tăng thị phần và dự báo nhiều khả năng sẽ còn tăng với tốc độ rất nhanh trong thời gian tới.
Cạnh tranh gay gắt giữa các doanh nghiệp phân phối trong nước với năng lực hạn chế hơn so với các doanh nghiệp phân phối lớn đến từ các nước thuộc EU vốn đã có tiềm lực rất mạnh, do đó có thể dẫn đến khả năng các doanh nghiệp phân phối trong nước dễ bị thâu tóm, chiếm lĩnh thị phần bởi các doanh nghiệp nước ngoài.
Vụ Thị trường trong nước cũng cho rằng thời gian để triển khai và thực thi các cam kết tại các FTA thế hệ mới nói chung và EVFTA nói riêng đang là lực cản lớn đối với Việt Nam. Với EVFTA, Việt Nam sẽ phải thực hiện các cam kết chỉ trong 5-7 năm, trong đó nhiều điều khoản sẽ phải thực hiện ngay sau khi hiệp định có hiệu lực, nhiều thỏa thuận sẽ phải thực hiện sau 2-3 năm.
Tuy nhiên, trình độ phát triển của Việt Nam vẫn đang mở mức trung bình và thấp. Việc thực thi các cam kết EVFTA cũng đồng nghĩa với việc trong nước phải mở cửa thị trường cho hàng hóa, dịch vụ đến từ các nước đối tác thuộc EVFTA, lúc đó sẽ không còn khái niệm “sân nhà”.
Với mức độ mở cửa tự do hóa sâu hơn, lĩnh vực thương mại nội địa với hệ thống phân phối có sự tham gia chủ yếu của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước sẽ khó có thể đáp ứng yêu cầu thực tiễn khi phân luồng đầu tư từ nước ngoài với dòng vốn mạnh mẽ đổ vào trong nước, cạnh tranh cao sẽ gây sức ép đối với các doanh nghiệp.
Đồng thời, sự kết nối giữa các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài và các doanh nghiệp cung ứng hàng hóa trong nước còn yếu, nên các doanh nghiệp trong nước chủ yếu hướng nội nên kết nối giữa hai phân đoạn thị trường này còn rất hạn chế.