25/12/2024

Tàu đặt cáp ngầm Trung Quốc bị phát hiện hoạt động ở Hoàng Sa

Tàu đặt cáp ngầm Trung Quốc bị phát hiện hoạt động ở Hoàng Sa

Một tàu Trung Quốc có thể đang đặt tuyến cáp ngầm dưới biển giữa các đảo bị Bắc Kinh chiếm đóng phi pháp tại quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông.
Hình ảnh vệ tinh cho thấy tàu Tian Yi Hai Gong được cho là đang lắp đặt cáp ngầm gần Đảo Cây bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp tại Hoàng Sa /// Ảnh chụp màn hình BenarNews
Hình ảnh vệ tinh cho thấy tàu Tian Yi Hai Gong được cho là đang lắp đặt cáp ngầm gần Đảo Cây bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp tại Hoàng Sa  ẢNH CHỤP MÀN HÌNH BENARNEWS
Theo trang tin BenarNews, tàu Trung Quốc có thể đã bắt đầu hoạt động đặt cáp ngầm phi pháp ở Hoàng Sa cách đây hai tuần sau khi khởi hành từ xưởng đóng tàu ở thành phố Thượng Hải. BenarNews đưa ra thông tin này dựa trên hình ảnh vệ tinh thương mại có độ phân giải cao.
Một số chuyên gia hàng hải phân tích hình ảnh vệ tinh và nhất trí rằng tàu Trung Quốc Tian Yi Hai Gong đang tiến hành hoạt động gì đó liên quan đến cáp ngầm, theo BenarNews. Tuy nhiên, họ không thể xác định cụ thể tàu Trung Quốc đang có động thái gì nếu chỉ dựa vào hình ảnh vệ tinh.
Các chuyên gia đưa ra giả thuyết tàu Trung Quốc lắp đặt cáp ngầm mới hoặc sửa chữa/nâng cấp cáp ngầm hiện hữu. Tuy nhiên, giới chuyên gia không nắm thông tin khu vực mà tàu Tian Yi Hai Gong đang hoạt động có sẵn một mạng lưới cáp ngầm hay không.
Phần mềm theo dõi tàu cho thấy tàu Tian Yi Hai Gong di chuyển đến Hoàng Sa vào ngày 28.5. Còn hình ảnh vệ tinh cho thấy tàu này dường như có thể đang đặt cáp ngầm giữa ba đảo bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp là Đảo Cây, Đảo Bắc và Đảo Phú Lâm tại Hoàng Sa.
Tàu Trung Quốc di chuyển về phía tây nam hôm 5.6, ghé vào Đảo Duy Mộng, Đảo Ba Ba, Bãi Xà Cừ tại Hoàng Sa. Đến ngày 8.6, tàu Tian Yi Hai Gong hoạt động ở phía đông bắc Bãi Xà Cừ.
Hiện vẫn chưa rõ chức năng của tuyến cáp ngầm mới, nếu có, ở Hoàng Sa. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định Trung Quốc có nguy cơ dùng cáp ngầm phục vụ mục đích quân sự, giúp tăng cường khả năng phát hiện và theo dõi hoạt động tàu ngầm. Chuyên gia Bryan Clark tại Viện Hudson (Mỹ) cho rằng Trung Quốc có khả năng dùng cáp ngầm để phục vụ hoạt động giám sát dưới biển.
Hồi năm 2016, hãng tin Reuters từng phản án về việc Trung Quốc đặt cáp ngầm ở Hoàng Sa được cho là nhằm kết nối thành phố, căn cứ quân sự phi pháp trên đảo Phú Lâm với đảo Hải Nam.
Tân Hoa xã từng đưa tin tập đoàn viễn thông Trung Quốc (China Telecom) đã đặt cáp quang ở khu vực giữa những thực thể bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam, bao gồm Đá Chữ Thập, Đá Xu Bi, Đá Vành Khăn hồi năm 2017.
Trong kỳ họp quốc hội Trung Quốc cuối tháng 5.2020, đại biểu-quan chức cấp cao của China Telecom kêu gọi chính phủ mở rộng và tăng cường bảo vệ mạng lưới cáp ngầm.
Quân đội Trung Quốc sở hữu các tàu lắp đặt cáp ngầm và ra mắt chiếc đầu tiên hồi năm 2015. Hiện không có nhiều thông tin chi tiết về đơn vị vận hành tàu Tian Yi Hai Gong trong cơ sở dữ liệu của Tổ chức Hàng hải Quốc tế, ngoại trừ tàu này được đóng vào đầu năm 2020, đang hoạt động và gắn cờ Trung Quốc.
PHÚC DUY
TNO