23/01/2025

Trường ĐH có vai trò gì khi rút khỏi khâu coi và chấm thi ?

Thi tốt nghiệp THPT:

Trường ĐH có vai trò gì khi rút khỏi khâu coi và chấm thi ?

Bộ GD-ĐT vừa ban hành quy chế thi tốt nghiệp THPT áp dụng từ năm 2020, rút cán bộ, giảng viên các trường đại học khỏi khâu coi thi, chấm thi nhưng bổ sung trách nhiệm trong thanh tra thi.
Học sinh lớp 12 tại TP.HCM giải đề thi minh họa thi tốt nghiệp THPT /// ĐÀO NGỌC THẠCH
Học sinh lớp 12 tại TP.HCM giải đề thi minh họa thi tốt nghiệp THPT  ĐÀO NGỌC THẠCH
Hôm nay 5.6, Bộ GD-ĐT tổ chức hội nghị trực tuyến với các địa phương về công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2020 sau khi đã ban hành quy chế.

Trường ĐH thanh tra các khâu của kỳ thi

Quy chế mới ban hành rút toàn bộ cán bộ, giảng viên của trường đại học (ĐH) khỏi khâu coi thi, chấm thi. Lực lượng này được huy động thanh tra các khâu của kỳ thi.
Trong văn bản báo cáo Quốc hội về kỳ thi, Bộ GD-ĐT khẳng định: kỳ thi năm 2020 công tác thanh tra, kiểm tra được xác định góp phần đặc biệt quan trọng cho sự thành công của kỳ thi. Chính phủ đã chỉ đạo sự tham gia của “ba cấp” thanh tra, kiểm tra gồm thanh tra của Bộ, thanh tra tỉnh và thanh tra thuộc sở GD-ĐT. Những cán bộ có năng lực chuyên môn tốt và kinh nghiệm tổ chức thi của các cơ sở giáo dục ĐH tiếp tục được huy động tham gia công tác thanh tra, kiểm tra kỳ thi theo sự phân công, ủy nhiệm của Bộ.
So với dự thảo, quy chế ban hành chính thức cũng bổ sung quy định về trách nhiệm của cơ sở giáo dục ĐH. Theo đó, các cơ sở ĐH có trách nhiệm thành lập các đoàn kiểm tra các khâu của kỳ thi hoặc tham gia các đoàn thanh tra, kiểm tra các khâu của kỳ thi theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT; bảo đảm các điều kiện cần thiết để các viên chức, giảng viên của cơ sở giáo dục ĐH tham gia và thực hiện nhiệm vụ; tổ chức thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến công tác tổ chức kỳ thi do Bộ trưởng Bộ GD-ĐT giao.

Vẫn sử dụng phần mềm quản lý thi, chấm thi của Bộ GD-ĐT

Dù kỳ thi năm nay Chính phủ đã giao chủ tịch UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm toàn diện về kỳ thi tại địa phương nhưng Bộ có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn để đảm bảo kỳ thi “an toàn, nghiêm túc và thành công”.
Bộ quy định các hội đồng thi sử dụng phần mềm quản lý thi, phần mềm chấm thi trắc nghiệm do Bộ cung cấp; thiết lập hệ thống trao đổi thông tin về kỳ thi chính xác, cập nhật giữa trường phổ thông với sở GD-ĐT, giữa sở GD-ĐT với Bộ; thực hiện đúng quy trình, cấu trúc, thời hạn xử lý dữ liệu và chế độ báo cáo theo quy định trong hướng dẫn tổ chức thi tốt nghiệp THPT của Bộ.
Các hội đồng thi công bố kết quả thi sau khi được xác nhận hoàn thành chuyển dữ liệu kết quả thi về Bộ và hoàn thành việc đối sánh để bảo đảm dữ liệu trên hệ thống phần mềm của Bộ thống nhất với dữ liệu kết quả thi lưu tại hội đồng thi. Bộ tổ chức quản lý dữ liệu thi của thí sinh và sử dụng phù hợp với mục đích của kỳ thi; các sở GD-ĐT sử dụng dữ liệu thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT.

Camera giám sát 24/24 khu vực chấm thi

Quy chế quy định việc chấm thi tại mỗi hội đồng thi thực hiện tại không quá 2 khu vực; trong đó mỗi ban chấm thi thực hiện nhiệm vụ tại một khu vực duy nhất. Khu vực chấm thi phải bảo đảm an ninh, an toàn, có công an bảo vệ liên tục 24 giờ/ngày. Nơi chấm thi, chấm kiểm tra bài thi tự luận và nơi bảo quản bài thi tự luận được bố trí gần nhau; bài thi trắc nghiệm được lưu trữ tại phòng xử lý và chấm bài thi trắc nghiệm hoặc được lưu trữ tại phòng chứa bài thi riêng biệt, tùy theo điều kiện thực tế của đơn vị.
Phòng chứa bài thi, tủ, thùng hoặc các vật dụng chứa túi bài thi phải an toàn, chắc chắn, phải được khóa và niêm phong, trên nhãn niêm phong phải có đủ chữ ký của người giữ chìa khóa, thanh tra và công an. Chìa khóa cửa các phòng chứa bài thi, chấm thi do lãnh đạo các ban chấm thi giữ; có camera an ninh giám sát, ghi hình các hoạt động tại phòng liên tục 24 giờ/ngày; có công an bảo vệ, giám sát liên tục 24 giờ/ngày. Khi đóng, mở phòng chứa bài thi, phòng chấm bài thi và tủ, thùng hoặc các vật dụng chứa túi bài thi phải có sự chứng kiến của công an, thanh tra và ghi nhật ký đầy đủ.
Thí sinh tự do thi chung với thí sinh lớp 12
Thí sinh (TS) đã tốt nghiệp THPT, TS tốt nghiệp trung cấp tham dự kỳ thi và TS giáo dục thường xuyên được thi chung với TS là học sinh lớp 12 giáo dục THPT tại một số điểm thi do giám đốc sở GD-ĐT quyết định. Điều kiện là bảo đảm có ít nhất 60% TS lớp 12 giáo dục THPT trong tổng số TS của điểm thi (trong trường hợp đặc biệt cần phải có ý kiến của Bộ). Phòng thi được xếp theo bài thi, mỗi phòng thi tối đa 24 TS và phải bảo đảm khoảng cách tối thiểu giữa 2 TS ngồi cạnh nhau là 1,2 m theo hàng ngang.
Chốt lịch thi ngày 9 – 10.8
Bộ GD-ĐT cho biết kỳ thi sẽ được tổ chức trong 2 ngày 9 – 10.8, để xét công nhận tốt nghiệp THPT, phục vụ đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông và xét tuyển sinh ĐH, CĐ.
Nội dung thi (đề thi) với 5 bài thi (bài thi độc lập toán, ngữ văn, ngoại ngữ, bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, mỗi đối tượng dự thi khác nhau sẽ chọn bài thi thích hợp để dự thi theo quy chế thi của Bộ) được giữ như năm trước, bảo đảm các yêu cầu, mục tiêu của kỳ thi.
Trong 5 bài thi, bài ngữ văn thi theo hình thức tự luận, 4 bài còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm. Thời gian làm bài thi/môn thi ngữ văn là 120 phút; toán 90 phút; ngoại ngữ 60 phút; 50 phút đối với mỗi môn thi thành phần của bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Đối với bài thi tổ hợp, thí sinh làm bài thi trên cùng một phiếu trả lời trắc nghiệm; đề thi các môn thi thành phần của bài thi tổ hợp được phát lần lượt theo từng môn thi thành phần.
 TUỆ NGUYỄN
TNO