23/12/2024

Kịch bản ‘dịch COVID-19 kết thúc sớm’ là điều khó xảy ra?

Kịch bản ‘dịch COVID-19 kết thúc sớm’ là điều khó xảy ra?

Nhiều kịch bản về dịch COVID-19 đã được các nhà chuyên môn hình dung, tuy nhiên kịch bản ‘dịch kết thúc sớm’ là điều khó xảy ra bởi còn nhiều điều ta chưa biết về virus SARS-CoV-2. Trang Huffington Post đã giới thiệu 5 kịch bản.

 

Kịch bản dịch COVID-19 kết thúc sớm là điều khó xảy ra? - Ảnh 1.

Thủ tướng Pháp Édouard Philippe công bố kế hoạch giai đoạn 2 chấm dứt phong tỏa – Ảnh: AFP

Ngày 28-5, Thủ tướng Pháp Édouard Philippe công bố kế hoạch chi tiết giai đoạn 2 chấm dứt phong tỏa do cường độ lây nhiễm của dịch COVID-19 đã giảm.

Dù vậy, ông lưu ý đừng tin dịch hoàn toàn chấm dứt, virus vẫn còn lây lan, do đó phải hết sức cảnh giác, duy trì các biện pháp giãn cách xã hội và xét nghiệm hàng loạt để kiểm soát ổ dịch.

Dịch nhanh chóng bị xóa bỏ

Cách tốt nhất là ngăn chặn hoàn toàn dịch lây lan để virus SARS-Cov-2 không còn lây nhiễm trên toàn cầu. Có hai giả thuyết được xem xét nhưng rất khó khả thi.

Giả thiết thứ nhất là dập dịch thành công như đã làm với hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) năm 2003 nhờ xét nghiệm và cách ly đại trà. Song dịch COVID-19 lần này khác lần trước.

Như nhà dịch tễ học Benjamin Cowling ở Đại học Hong Kong lưu ý trên tạp chí Scientific American: hầu hết bệnh nhân bị SARS không lây nhiễm cho đến khi triệu chứng xuất hiện một tuần sau.

Trong khi đó, người nhiễm COVID-19 đã có thể lây nhiễm từ 48 giờ trước những ngày đầu xuất hiện triệu chứng. Chưa kể người không bộc lộ triệu chứng cũng có nguy cơ lây nhiễm. Do đó, rất khó tiêu diệt hoàn toàn COVID-19.

Kịch bản dịch COVID-19 kết thúc sớm là điều khó xảy ra? - Ảnh 2.

Trên tàu sân bay Charles de Gaulle (Pháp), 70% thủy thủ đã bị nhiễm COVID-19 – Ảnh: AFP

Không chắc sẽ có miễn dịch chéo

Giả thuyết thứ hai là có khi chúng ta đã miễn dịch với COVID-19 mà không biết. Một số nghiên cứu đã nói đến khả năng miễn dịch chéo. Cơ thể chúng ta học được cách chống lại các virus corona khác nên không bị nhiễm virus SARS-CoV-2 nữa.

Có bốn chủng virus gây bệnh cảm nhẹ chúng ta hay mắc phải trong mùa đông. Các nhà nghiên cứu nhận thấy các tế bào T tham gia vào phản ứng miễn dịch của cơ thể đã kích hoạt chống lại SARS-CoV-2 ở một số người giúp họ không nhiễm COVID-19.

Dù vậy, nếu nói phần lớn người được miễn dịch mà không biết thì đó chỉ là suy diễn. Các nghiên cứu về vấn đề này còn hạn chế và không chứng minh điều gì thuyết phục.

Ngoài ra, chúng ta cũng không biết phản ứng miễn dịch đã đủ mức độ bảo vệ hay không. Thực tế cho thấy trên tàu sân bay Charles de Gaulle (Pháp), 70% thủy thủ đã bị nhiễm.

Chờ dài cổ mới có văcxin

Đối với các giả thuyết khác, thật không may triển vọng còn khá xa vời. Đầu tiên là văcxin.

Liệu sẽ có một loại văcxin ngăn ngừa COVID-19 hiệu quả hay không? Câu trả lời vẫn còn ở phía trước vì nghiên cứu văcxin còn kéo dài nhiều tháng nữa, đặc biệt cho đến nay chúng ta chưa từng bào chế thành công văcxin ngừa virus corona.

Vì vậy cần duy trì một số biện pháp bảo vệ (hoặc sẽ kích hoạt thực hiện trở lại các biện pháp bảo vệ khi cần thiết) và duy trì cảnh giác tối thiểu trong nhiều tháng nữa.

Kịch bản dịch COVID-19 kết thúc sớm là điều khó xảy ra? - Ảnh 3.

Chờ văcxin ngừa COVID-19 còn lâu. Trong ảnh: lọ chứa kết quả thử nghiệm văcxin COVID-19 của Trung tâm Nghiên cứu động vật linh trưởng quốc gia ở tỉnh Saraburi (Thái Lan) hôm 23-5 – Ảnh: AP

Quá khó để đạt tỉ lệ miễn dịch tập thể

Về lý thuyết, khi không có văcxin, virus SARS-CoV-2 vẫn có thể tự hủy diệt khi một bộ phận người dân đạt được khả năng miễn dịch. Tình trạng này được gọi là “miễn dịch cộng đồng”. Điều này chỉ có thể xảy ra nếu ít nhất 70% dân số nhiễm COVID-19.

Tóm lại, phải có đủ số người được miễn dịch để người bị nhiễm mới chỉ tiếp xúc được với những người không thể lây nhiễm, từ đó virus không thể lây lan.

Một số quốc gia đã nhắm đến chiến lược này nhưng không thành công như nước Anh đã thối lui khi các bệnh viện tràn ngập người nhiễm COVID-19 hoặc Thụy Điển cũng nhìn nhận số người chết vì COVID-19 cao hơn dự tính.

Để đạt được miễn dịch cộng đồng, phải có một bộ phận đáng kể dân số bị nhiễm (rồi khỏi bệnh). Hiện nay, mục tiêu này còn xa đồng thời muốn đạt đến mục tiêu này phải chấp nhận trả giá bằng tỉ lệ tử vong đáng kể.

Chưa kể khi để cho virus tự do hoành hành, dịch lan cực kỳ nhanh và hệ thống bệnh viện trở nên quá tải khiến tỉ lệ tử vong dễ tăng cao hơn.

Trong khi đó, chúng ta chưa biết nhiều về khả năng miễn dịch do virus SARS-CoV-2 tạo ra. Một bệnh nhân khỏi bệnh có miễn dịch hay không? Thời gian miễn dịch bao lâu? Người này được bảo vệ hoàn toàn hay chỉ tránh được các hình thức bệnh nặng?

Nói chung trong bất kỳ trường hợp nào, một tác nhân lây nhiễm chắc chắn sẽ gây rủi ro.

Kịch bản dịch COVID-19 kết thúc sớm là điều khó xảy ra? - Ảnh 4.

Chúng ta cần học cách sống chung với virus. Trong ảnh: một phụ nữ gắn thêm tên người tử vong do COVID-19 bên ngoài nghĩa trang Green-Wood ở khu Brooklyn (New York) hôm 27-5 – Ảnh: REUTERS

Học sống chung với virus

Cũng có thể không có giải thiết nào như trên xảy ra, vì vậy theo trang web HuffPost, chúng ta phải học cách sống chung với virus SARS-CoV-2.

Virus có thể giảm tùy theo mùa, mùa hè hoạt động kém hơn nhưng rồi sẽ quay lại vào mùa thu hoặc mùa đông. COVID-19 sẽ trở thành bệnh thông thường theo mùa như cúm hoặc các loại virus corona khác gây cảm cúm.

Tạp chí Scientific American nhắc lại đây là những gì xảy ra với đại dịch cúm Tây Ban Nha (chủng H1N1) năm 1918, đại dịch lớn nhất thế kỷ 20 đã giết chết hơn 50 triệu người.

Sau ba đợt gây ra phần lớn số ca tử vong trong hai năm, virus tiếp tục lây nhiễm nhưng với hậu quả ít nghiêm trọng hơn trong 40 năm. Rồi đến đại dịch của một chủng cúm khác (H2N2) xảy ra năm 1957 gần như xóa sạch chủng virus cúm năm 1918. Và không ai biết tại sao!

HOÀNG DUY LONG
TTO