23/12/2024

Hậu quả kinh hoàng từ ‘tín dụng đen’ qua app

Hậu quả kinh hoàng từ ‘tín dụng đen’ qua app

Trong những ngày đăng tải loạt bài Thâm nhập đường dây “tín dụng đen” qua app, Thanh Niên nhận được rất nhiều phản ánh của các nạn nhân loại hình tín dụng đen này.
Bà Trương Thị Ngọc Bích kể về cái chết của con gái và đang bị khủng bố đòi nợ /// Ảnh: Lê Bình
Bà Trương Thị Ngọc Bích kể về cái chết của con gái và đang bị khủng bố đòi nợ  ẢNH: LÊ BÌNH
Trong đó, nhiều trường hợp không chịu nổi áp lực khủng bố, trả nợ đã tìm đến cái chết…
Phản ánh tới Thanh Niên, bà Trương Thị Ngọc Bích (47 tuổi, ngụ KP.4, P.Tân Hạnh, TP.Biên Hòa, Đồng Nai) cho biết tai họa ập xuống gia đình bà vào một ngày cuối tháng 3.2020, khi con gái duy nhất N.N.H (23 tuổi) tự tử tại phòng ngủ.
Theo lời bà Bích, sau khi ly dị chồng, bà ở vậy nuôi H. Trưởng thành, H. đi làm công nhân tại một công ty giày da ở Đồng Nai, với mức thu nhập bình quân gần 8 triệu đồng/tháng, tháng nào lãnh lương cũng đưa tiền cho mẹ.
Vì vậy, bà Bích hết sức bất ngờ và không hiểu vì sao con gái lại tìm đến cái chết, cho đến khi Công an TP.Biên Hòa (Đồng Nai) vào cuộc, tổ chức khám nghiệm hiện trường, điều tra nguyên nhân thì phát hiện ra bức thư tuyệt mệnh mà H. để lại.
Trong thư, H. có đề cập: “Con đã mắc nợ rất nhiều, trong đó có hơn 10 cái app cho vay tiền qua mạng. Con không có khả năng chi trả nữa, đã đi vào bước đường cùng rồi mẹ à… Con viết lá thư này mong mẹ hãy giúp con trả nợ lần cuối, hôm qua tụi “quỷ” đó đã đến tìm con nữa rồi”.

“Con nợ” tự tử, người thân vẫn không yên

Điều tàn nhẫn là sau khi H. qua đời, bà Bích liên tục bị các app gọi điện “khủng bố”, yêu cầu trả nợ.
“Nhà chỉ có 2 mẹ con. Con mất, tôi thân mang bệnh nặng cộng với việc suy nghĩ vì thương con nên nhiều lần phải nhập viện, sức khỏe yếu. Thế nhưng sau khi con bé chết, tôi liên tục đối mặt với cách tra tấn và khủng bố tinh thần từ các đối tượng cho vay. Mỗi ngày đến gần trăm cuộc điện thoại, nào là chửi bới, hù dọa, văng tục rồi lăng mạ… Khi tôi nói rằng con bé đã chết cũng vì vay tiền nhưng bọn chúng vẫn không buông tha”, bà Bích nói trong nước mắt.
Cũng theo bà Bích, không hiểu vì sao phía cho vay lần ra số điện thoại của những người thân trong gia đình bà (cha, mẹ, cô, dì, chú bác…) và gọi đến để nói xấu, bôi nhọ danh dự.
“Sợ quá, tôi đã đồng ý trả nợ, đồng thời yêu cầu họ cung cấp giấy tờ vay nợ của con tôi mang đến nhà để trả. Thế nhưng, họ không chịu và yêu cầu tôi phải dùng điện thoại và nạp tiền qua mạng. Tôi thì mù tịt thông tin, hồi nào giờ tôi không biết mạng này là gì, chỉ dùng cái điện thoại cục gạch để nghe gọi thôi, nên trả lời không biết mạng sao cả. Ngay lập tức họ chửi bới và sỉ nhục tôi, kêu tôi già mà ngu, không biết thì đi chết đi. Đúng là không có nỗi nhục nhã nào hơn, con tôi mất rồi mà cũng không yên”, bà Bích bức xúc nói.
Một nạn nhân đáng thương khác của tín dụng đen qua app là anh K. (27 tuổi, quê Cần Thơ, giảng viên một trường cao đẳng ở Kiên Giang). Theo lời người thân của anh K. đầu năm 2020, anh vay 5 triệu đồng của một app “tín dụng đen”, sau đó do không có tiền đóng nên vay của nhiều app khác để thanh toán tiền vay. Đến tháng 4.2020, số tiền gốc lẫn lãi suất vay của các app lên đến 200 triệu đồng…
Chị N.V.N.H bế con hơn 4 tháng tuổi đến tòa soạn Báo Thanh Niên kêu cứu

Chị N.V.N.H bế con hơn 4 tháng tuổi đến tòa soạn Báo Thanh Niên kêu cứu

Liên tục bị khủng bố, đòi nợ, ngày 10.5 anh K. tìm đến cái chết. “Hồi tháng 4, trong lúc dịch bệnh, K. ngưng dạy học, không có tiền đóng nên lãi mẹ đẻ lãi con. Trước khi tìm đến cái chết, tinh thần K. hỗn loạn, suy sụp vì nợ tiền vay qua app”, chị N.T.T.N (chị ruột anh K.) kể về trường hợp của em trai mình và bức xúc: “Sau cái chết của anh K., nhân viên của các app vẫn không chịu buông tha gia đình, người thân. Họ liên tục gọi điện khủng bố, đòi nợ, dù gia đình nói K. đã chết”.

Cắt ghép hình ảnh nhạy cảm để đe dọa

Chị T.T.H.L (29 tuổi, ngụ Bình Dương) do mới sinh con, thiếu tiền chi tiêu nên ngày 13.4.2020 đã cài đặt app, vay 8 triệu đồng. Đến ngày 13.5, số tiền gốc và lãi “nhảy” lên đến hơn 11,7 triệu đồng.
Do chưa đủ tiền nên chị L. đóng thiếu 720.000 đồng thì vài ngày sau chị nhận được nhiều cuộc gọi báo số tiền phải nộp lên đến 4 triệu đồng. “Cứ ra đóng thì bên cho vay lại báo trễ, phải đóng thêm phí phạt. Nếu không đóng sẽ tiếp tục tăng cao hơn nữa, tôi không hiểu cách tính lãi và phạt như thế nào”, chị L. chia sẻ.
Cũng theo lời chị L., do không chấp nhận đóng những khoản tiền phạt phi lý, chị liên tục bị gọi điện đe dọa, chửi bới, lăng mạ… Chưa hết, bên cho vay còn tải hình của chị từ các trang mạng cá nhân như Facebook, Zalo rồi cắt ghép, dùng photoshop sửa thành những hình ảnh thô tục, trần truồng gửi cho chị, yêu cầu phải trả nợ đúng hẹn nếu không sẽ phát tán cho người thân, bạn bè. “Vì quá bức xúc, mới đây chúng tôi rủ nhau gần 50 người làm đơn tố cáo gửi lên Bộ Công an phía nam nhờ can thiệp”, chị L. cho hay.
Tương tự, chị N.V.N.H (28 tuổi, ngụ Q.Bình Tân, TP.HCM) kể tháng 11.2019, chị bị mất điện thoại, trong đó có hình chụp chứng minh nhân dân. Ngày 24 và 27.3.2020, lần lượt có người tự xưng nhân viên công ty cho vay tiền qua app có tên miền: Uvay, Vdong gọi điện yêu cầu chị thanh toán nợ. “Bên Uvay nói tôi nợ hơn 8 triệu đồng (gốc 4 triệu đồng); Vdong là 4,75 triệu đồng (gốc 2,5 triệu đồng). Khoảng 10 ngày sau, họ gọi cho người thân, bạn bè của tôi. Rồi lên Zalo đăng hình ảnh của tôi, nói tôi cờ bạc, đề đóm… và trốn nợ”, chị H. bức xúc và cho hay chị mới sinh em bé hơn 4 tháng tuổi, nên những ngày qua với chị thật sự rất khủng khiếp. “Tôi từng có ý định tự tử vì bị họ “khủng bố” liên tục, không chịu nổi”, chị H. nhớ lại.
Còn chị T.H (32 tuổi, ngụ Q.Gò Vấp) bức xúc cho biết những ngày qua, những người xưng là nhân viên Công ty cho vay qua app có tên miền Facevay, Doctordong, Vaynhanh… liên tục gọi điện, đăng hình ảnh, chứng minh nhân dân của chị lên mạng xã hội nhằm bôi nhọ, “khủng bố” tinh thần. Vì lo sợ, chị H. phải chuyển chỗ ở để lánh nạn. “Tụi nó biết cả trường con tôi học và đe dọa sẽ đến tận trường tìm. Tôi vay khoảng 40 triệu đồng và hiện tiền lãi, phí phạt đã lên đến 100 triệu đồng. Bẫy những công ty này giăng ra thật quá khủng khiếp”, chị H. lo lắng.

Cho vay 15 tỉ đồng, lấy lãi 40 tỉ đồng

Tại buổi họp báo về tình hình kinh tế – xã hội TP.HCM chiều 4.6, trả lời câu hỏi của PV Báo Thanh Niên về hoạt động tín dụng đen cho vay qua app, ông Nguyễn Thế Lâm, Phó trưởng phòng Tham mưu Công an TP, cho biết hình thức tín dụng đen qua app có thủ tục khá đơn giản, nhưng yêu cầu người vay phải khai đầy đủ thông tin và đồng ý cho app truy cập vào danh bạ điện thoại.
Số tiền cho vay không nhiều, lần đầu thường dưới 2 triệu đồng nhưng lãi suất cao, từ 1,5 – 5%/ngày. Do vậy, nếu người vay không trả đúng hạn thì số tiền cộng dồn lại sẽ lớn. Để đòi nợ, các đối tượng sẽ gọi điện vào các số điện thoại trong danh bạ người vay, kể cả người thân và những người không liên quan…
Thời gian qua, Công an TP điều tra, xác minh và xử lý 5 vụ tín dụng đen qua app, trong đó đã chuyển qua viện kiểm sát truy tố 1 vụ và tiếp tục xác minh 4 vụ khác. Đối với vụ việc đang truy tố, đối tượng cho vay là người Trung Quốc, công an đã bắt 12 người, nghi can còn lại đang bị truy nã. Qua thống kê, các đối tượng cho khoảng 60.000 người vay với tổng số tiền khoảng 15 tỉ đồng, thu lợi bất chính hơn 40 tỉ đồng.
Về nguyên nhân dẫn đến tín dụng đen qua app, ông Lâm cho biết các đối tượng cho vay luôn tìm mọi cách, tìm sơ hở của pháp luật tạo ra phương thức, thủ đoạn mới để phạm tội. Bên cạnh đó, số ít người dân có nhu cầu vay chính đáng nhưng không có khả năng trả nợ, nhiều người khác thì có ý định vay mà không trả hoặc không có nhu cầu chính đáng. Do đó, Công an TP đề nghị người dân cần cảnh giác với hình thức cho vay qua app, đồng thời ngân hàng cần cải tiến thủ tục cho vay đơn giản, gọn nhẹ để người dân tiếp cận.

Website của Công ty TNHH Cashwagon không truy cập được

Liên quan đến hoạt động của Công ty TNHH Cashwagon (Công ty Cashwagon) mà Thanh Niên nêu trong loạt bài điều tra Thâm nhập đường dây “tín dụng đen” qua app, ngày 4.6, nguồn tin của PV cho biết Công an Q.1 (TP.HCM) vẫn đang tích cực điều tra vụ việc; đồng thời liên hệ với các nạn nhân mời đến trụ sở trình báo, cung cấp thông tin về việc vay tiền với lãi suất “cắt cổ”.
Trước đó, khi kiểm tra đột xuất công ty này trưa 2.6, cơ quan công an tiến hành lấy lời khai, yêu cầu 179 nhân viên, bao gồm cả lãnh đạo Công ty Cashwagon, viết bản tường trình. Đến khoảng 1 giờ ngày 3.6, những “chuyên viên đòi nợ qua điện thoại” được phép ra về, còn lại nhiều lãnh đạo của công ty được đưa về trụ sở Công an Q.1 để tiếp tục lấy lời khai, phục vụ công tác điều tra. Đáng chú ý, hiện website của Công ty Cashwagon (Cashwagon.vn) đã bị khóa, không thể truy cập.
THANH NIÊN
TNO