23/01/2025

ASEAN và Nhật, Hàn, Trung Quốc thống nhất về nhu cầu tái cấu trúc chuỗi cung ứng

ASEAN và Nhật, Hàn, Trung Quốc thống nhất về nhu cầu tái cấu trúc chuỗi cung ứng

Việc tái cấu trúc chuỗi cung ứng, tăng cường sức mạnh từ hợp tác nội khối trong ASEAN đóng vai trò quan trọng cho tương lai kinh tế hậu đại dịch COVID-19.

 

ASEAN và Nhật, Hàn, Trung Quốc thống nhất về nhu cầu tái cấu trúc chuỗi cung ứng - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh chủ trì hội nghị Bộ trưởng kinh tế ASEAN ứng phó với dịch COVID-19 – Ảnh: TTX

Chiều 4-6, bộ trưởng kinh tế các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và 3 nước đối tác Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc dự Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN+3 về ứng phó với dịch bệnh do virus corona chủng mới gây ra (COVID-19).

Trước đó trong ngày, hội nghị tương tự cũng được tổ chức trong khuôn khổ các thành viên ASEAN.

Tăng cường nội lực kinh tế

Trong cả hai hội nghị ASEAN và ASEAN+3, bộ trưởng kinh tế các nước đã thảo luận về hai vấn đề chính.

Thứ nhất, nhìn nhận thách thức kinh tế từ ảnh hưởng của dịch bệnh, đồng thời đề ra hướng xử lý, phối hợp để phòng chống dịch hiệu quả.

Thứ hai, các biện pháp phục hồi kinh tế sau tác động của dịch COVID-19, đảm bảo luân chuyển hàng hóa, đảm bảo duy trì chuỗi cung ứng.

Theo nội dung họp, các bộ trưởng đều nhìn nhận thời gian qua, những biện pháp phòng và ngăn dịch của các nước đã khiến chuỗi cung ứng đứt gãy. Vì vậy xét về mặt kinh tế, ASEAN cũng như các đối tác Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc đều đồng ý đây là lúc phải chuẩn bị cho những thay đổi trong chuỗi cung ứng.

Cụ thể, trả lời tại cuộc họp báo chiều 4-6, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh khẳng định: “Tất cả các quốc gia trong ASEAN và đối tác đều khẳng định rằng đây chính là thời điểm rất quan trọng mà kinh tế toàn cầu và khu vực phải đối mặt với nhu cầu tái cấu trúc chuỗi cung ứng”.

Theo ông Trần Tuấn Anh, từ những bài học kinh nghiệm trong thực tế, các chuỗi cung ứng mà các nước ASEAN tham gia đều rất dễ bị tổn thương trong thời gian đại dịch.

Vì vậy, theo Bộ trưởng Bộ Công thương Việt Nam, bộ trưởng các nước thống nhất hướng giải quyết gồm 2 điểm chính: tăng cường nội lực trong khối ASEAN và tăng cường kết nối của ASEAN với các đối tác bên ngoài.

“ASEAN thống nhất tập trung tăng cường hợp tác nội khối, tạo ra thực thể thống nhất trong thị trường của ASEAN để tạo ra những khu vực có sức cạnh tranh cao trong thu hút đầu tư, tiếp tục tạo ra tái cơ cấu các chuỗi cung ứng thông qua đổi mới công nghệ, thu hút đầu tư, mở rộng năng lực sản xuất…”, ông nói.

Vẫn ưu tiên phòng chống dịch

Việc đề ra hướng xử lý này bắt nguồn từ sự thống nhất trong cách nhìn nhận của ASEAN cũng như các đối tác về tác động của dịch đối với kinh tế các nước thành viên.

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, trước hết phải khẳng định diễn biến của COVID-19 còn phức tạp và theo nhiều dự báo, khả năng vào cuối năm tiếp tục có sự quay lại của COVID-19.

Như vậy, ASEAN và các đối tác đã chọn cách tiếp cận thận trọng, thống nhất mục ưu tiên số 1 là phòng chống dịch bệnh, trước khi dồn sự tập trung cho vấn đề khác.

“Chính vì vậy, các bộ trưởng của ASEAN+3 đều thống nhất mục tiêu cao nhất phải tiếp tục đảm bảo công tác phòng chống COVID-19 có hiệu quả, theo chỉ đạo của mỗi quốc gia thành viên và đối tác. Đồng thời, phải có sự phối hợp chặt chẽ để đảm bảo những chương trình hợp tác có hiệu quả”, ông Trần Tuấn Anh khẳng định.

Theo đó, phải tìm giải pháp giảm tối đa những tác động có thể gây ngăn cản phát triển kinh tế bắt nguồn từ biện pháp ngăn dịch. Ví dụ, hợp tác kinh tế chưa thể được tái khởi động 100% do thực tế rằng các chuyến bay quốc tế chưa thể mở lại.

Cũng theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, các bộ trưởng thống nhất một số biện pháp quan trọng để đảm bảo dòng luân chuyển của hàng hóa thiết yếu để phục vụ nhu cầu đời sống nhân dân, như an ninh lương thực, thực phẩm, thuốc men, vật phẩm y tế phục vụ phòng chống dịch bệnh… và đảm bảo chuỗi cung ứng trong khu vực ASEAN cũng như giữa ASEAN với các quốc gia.

Hạn chế những biện pháp hạn chế dòng luân chuyển hàng hóa, sản phẩm, đặc biệt các sản phẩm thiết yếu.

NHẬT ĐĂNG
TTO