18/11/2024

Người mang cháo đi… chống dịch

Người mang cháo đi… chống dịch

Trong những ngày cả nước căng mình chống dịch Covid-19, một người yêu ẩm thực ở Hà Nội đã tự bỏ kinh phí, vào bếp nấu hàng ngàn suất ăn ngon, mang đến tiếp sức cho các y, bác sĩ trên tuyến đầu chống dịch.

Anh Đặng Đình Mạnh thức thâu đêm nấu cháo tặng các y, bác sĩ trên tuyến đầu chống dịch Covid-19
Anh Đặng Đình Mạnh thức thâu đêm nấu cháo tặng các y, bác sĩ trên tuyến đầu chống dịch Covid-19
Đó là anh Đặng Đình Mạnh (40 tuổi), Giám đốc Trung tâm văn hóa ẩm thực dân tộc (Viện Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc), Tổng bếp trưởng hệ thống nhà hàng cá lăng ở Hà Nội. Trong mùa dịch dịch Covid-19, anh đã dốc hết hầu bao của gia đình, tự nấu hơn 2.000 suất cháo đặc biệt và hàng trăm suất cơm mang tặng các y, bác sĩ ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện đa khoa Hà Đông, với chi phí hàng trăm triệu đồng.

Cuộc đời “dị biệt”

Người đàn ông này có một điều dị biệt, đó là cơ thể anh có thể chịu được nhiệt độ 60 – 70 độ C, nên anh có thể đứng bếp nấu cháo 4 giờ đồng hồ với 7 cái bếp mà không thấy nóng.
Anh Mạnh cho biết, anh sinh ra và lớn lên ở Thái Bình, quê hương của “nhà máy cháo” (anh Mạnh nói vui) và trải qua một tuổi thơ dữ dội, nên trong suy nghĩ của anh luôn coi trọng tình người. Bố mất năm anh 3 tuổi, mẹ anh đi bước nữa để anh có bố, nhưng kinh tế khó khăn. Năm 6 tuổi, cả gia đình anh vào Đắk Lắk khai hoang vùng kinh tế mới. Anh phải trải qua những ngày tháng vô cùng cực khổ và những trận sốt rét rừng, ốm thập tử nhất sinh. Mẹ anh đã chuẩn bị bó chiếu anh và chị gái vì xác định hai chị em sắp mất vì sốt rét.
“Hồi đó, tôi yếu, gầy tong teo, chân trái bị ngắn hơn chân phải vì tiêm nhiều quá. Vậy nên tôi có thêm biệt hiệu “Mạnh thọt”. Và mỗi khi trời nắng, tôi lại phải quấn chăn bông vì thấy lạnh. Vì thế, giờ cơ thể tôi có thể chịu được nhiệt độ 60 – 70 độ C”, anh Mạnh trải lòng.
Người mang cháo đi... chống dịch - ảnh 1

Anh Mạnh mang cơm, cháo vào bệnh viện phục vụ các y, bác sĩ  ẢNH: NHẬT NAM

Cuộc đời anh còn trải qua những ngày gian khổ khi 3 năm học cấp 1 ở vùng kinh tế mới rồi mới được ra Bắc đi học, bị chúng bạn chọc ghẹo khi phải khoác chăn bông và cái chân thọt. Nhưng anh vẫn không nản chí. Ngày ngày, nhằm lúc không có ai nhìn thấy, anh lại tập văng chân cho đến lúc dài ra. Từ sự kiên trì đó mà “Mạnh thọt” đã trở thành vận động viên điền kinh, bóng đá, bóng chuyền, taekwondo… trong thời gian học phổ thông.
Đến năm 20 tuổi, anh được tuyển thẳng vào trường thể dục thể thao ở Từ Sơn, Bắc Ninh, nhưng do thích học văn hóa hơn nên anh “trốn” ra Hà Nội đi làm gia sư, phụ hồ để lấy tiền đi học và đã tốt nghiệp Trường cao đẳng Bách khoa Hà Nội và Đại học Thương mại.
Tuy nhiên, từ bé anh đã đam mê ẩm thực và ước mơ thoát nghèo nên sau khi đi làm cho một công ty xây dựng được 5 năm, tích lũy được chút vốn, anh quyết định mở nhà hàng. “Tôi đam mê ẩm thực và từ bé gắn với đồng quê nên đã tìm hiểu các món đặc sản của người Việt để mở nhà hàng”, anh Mạnh chia sẻ. Anh quyết tâm nghiên cứu, khôi phục món ăn từ cá lăng, một món ăn tiến vua thời xưa. Anh cũng tự vào bếp nấu món cháo đặc biệt, tự chế biến những món ăn thuần Việt nhất từ cá.
Sau gần 1 năm mở nhà hàng, món ăn của anh được Trung tâm văn hóa ẩm thực UNESCO vinh danh “Món ngon tinh hoa – đặc sản 3 miền”. Năm 2018, anh được GS Hoàng Chương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc, mời về làm Giám đốc Trung tâm văn hóa ẩm thực dân tộc của viện.
Trải qua những ngày gian khổ nên anh khát khao giúp đỡ người nghèo, khi mở nhà hàng, anh đã nhận vào làm 100 người có hoàn cảnh éo le.

Thức thâu đêm nấu cháo chống dịch

Kể về việc mang cháo cá lăng đi chống dịch, anh Mạnh cho biết, ngay từ khi dịch Covid-19 bùng phát, các bác sĩ phải ăn ở tại bệnh viện để cách ly, nên anh mong muốn nấu cháo cá lăng tặng các y bác sĩ, giúp họ có đủ sức khỏe để làm việc. “Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, tôi đã thức suốt đêm để làm thực phẩm và đánh mỗi nồi cháo hơn 4 tiếng đồng hồ, để có những cốc cháo chất lượng hơn, đặc biệt hơn thường ngày, bồi bổ sức khỏe cho các y, bác sĩ”, anh Mạnh nhớ lại.

Cho đi là được. Mình tặng 1 bát cháo và nhận lại được tình cảm. Và cuộc sống, cũng chỉ cần thế thôi, biết lan tỏa thì sẽ hạnh phúc

Anh Đặng Đình Mạnh

Khi ấy, các nhân viên nhà hàng cũng xung phong nơi “tiền tuyến” để gửi những cốc cháo tới các y, bác sĩ. Nhiều người hảo tâm trong cộng đồng cũng gửi những chuyến cam Cao Phong nghĩa tình để anh mang vào bệnh viện. “Cứ mỗi lần nghĩ đến bệnh viện, cảm xúc trong tôi lại ùa về. Tôi thấy hạnh phúc vô cùng, vì được góp sức nhỏ bé của mình trong cuộc chiến chống “giặc” Covid-19…”, anh Mạnh kể.

Nhớ lại lần đầu tiên vào Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư cơ sở 2 (H.Đông Anh, Hà Nội), trong lúc dịch đang hoành hành, anh cũng hồi hộp lo lắng. Nhưng khi đến nơi, anh rất ngạc nhiên và trong lòng cảm thấy lâng lâng hạnh phúc vì tình cảm của các y bác sĩ dành cho mình. “Vào đến viện, nước mắt tôi chực trào ra khi nghe những câu nói của các bác sĩ là chờ hậu phương đến, chờ người nhà đến từ lâu lắm rồi, háo hức lắm!”, anh Mạnh chia sẻ.
Anh không ngờ ban giám đốc xuống tận nơi để đón nhận và gửi tới anh những lời cảm ơn chân thành nhất. Có những y tá, điều dưỡng nói chuyện với anh đã rơm rớm nước mắt vì nhớ nhà. “Về đến nhà, tôi lại lặng người khi nhận được những dòng tin nhắn chất chứa tình cảm, như của bác sĩ Đặng Hoàng Ánh, Tổ thư ký Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư: “Nếu còn được lần thứ 2, xin anh cho thêm 1 chiếc khăn lạnh. Thế nhưng 1 chiếc khăn lạnh và 2 khăn giấy không thấm hết được cảm xúc. Đã có nhiều bữa ăn đặc biệt, nhưng đây là bữa ăn cảm xúc nhất vì có rất nhiều người khóc. Cảm ơn anh Mạnh, cảm ơn mọi người”.
Sau đó, anh lại nhận được tin nhắn của các y, bác sĩ: “Cháo tuyệt vời rồi. Nhưng các y bác sĩ vẫn nhớ có một bữa cơm gia đình”. Và anh nghĩ, chẳng có lý do gì mình lại từ chối. Thế là anh bắt tay vào nấu cơm, kho cá, nấu canh cua, muối cà… Khi đưa vào viện, anh lại nhận được những dòng tin nhắn: “Lần thứ 2 lại được khóc… Đây là bữa cơm ngon nhất, ấn tượng nhất trong 3 tháng nay ở trận chiến Covid-19 này. Ăn một bữa cơm thấy nhớ gia đình, thấy có động lực!”.

“Chúng tôi đã khóc vì xúc động”

Trò chuyện với chúng tôi, bác sĩ Vương Thị Thảo, công tác tại Phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư, xúc động chia sẻ: “Khi dịch đến, các y bác sĩ rất vất vả, lại bị cách ly với xã hội, nên nhớ nhà, nhớ những bữa cơm gia đình. Ở bệnh viện, chúng tôi cũng được cung cấp suất ăn, nhưng không có được những bữa ăn ngon như thế, nên chúng tôi xúc động lắm. Nhiều đồng nghiệp của tôi đã khen chưa bao giờ được ăn ngon đến thế và chúng tôi đã khóc vì xúc động, vì tấm lòng hậu phương dành cho mình”.
Điều gây xúc động lớn cho các y bác sĩ là anh Mạnh không phải là “mạnh thường quân” mà kinh tế của anh còn gặp rất nhiều khó khăn. Khi ấy, hệ thống nhà hàng đang phải đóng cửa bởi dịch Covid-19, anh lại phải nuôi rất nhiều lao động, trong khi không có khoản thu nhập nào khác. Thế nhưng, anh vẫn dốc hết vốn liếng và vay mượn thêm bạn bè được hơn 200 triệu đồng để nấu cháo chống dịch…
Anh Mạnh trải lòng: “Cùng nhau đánh “giặc” để đất nước yên bình trở lại, tôi cũng không mong giàu sang, chỉ mong cuộc sống bình yên. Cho đi là được. Mình tặng 1 bát cháo và nhận lại được tình cảm. Và cuộc sống, cũng chỉ cần thế thôi, biết lan tỏa thì sẽ hạnh phúc”.
VŨ THƠ
TNO