23/01/2025

Chiến thuật ‘vùng xám’ của Trung Quốc ở Biển Đông

Chiến thuật ‘vùng xám’ của Trung Quốc ở Biển Đông

Chuyên gia hàng đầu về Trung Quốc cảnh báo Bắc Kinh đẩy mạnh chiến thuật “vùng xám” nhằm củng cố tuyên bố chủ quyền phi lý và mưu đồ thâu tóm toàn bộ tài nguyên ở Biển Đông.
Tàu hải cảnh Trung Quốc hoạt động trên Biển Đông /// Ảnh: Reuters
Tàu hải cảnh Trung Quốc hoạt động trên Biển Đông  ẢNH: REUTERS
Tại buổi trao đổi trực tuyến mang chủ đề “An ninh khu vực và Biển Đông trong giai đoạn Covid-19” do Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam tổ chức ngày 27.5, chuyên gia Bonnie Glaser, Cố vấn cấp cao về châu Á và Giám đốc Dự án Sức mạnh Trung Quốc thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ), cho biết trong chiến thuật “vùng xám”, các đội tàu Trung Quốc bao gồm tàu hải cảnh, tàu thăm dò và dân quân biển dọa dẫm, quấy rối, ngăn chặn các nước láng giềng đánh bắt, khai thác tài nguyên nhưng dưới mức chiến tranh.

Lợi dụng đại dịch để hành động

Trước khi đẩy mạnh chiến thuật “vùng xám” vào năm 2019 và 2020, Trung Quốc trong vòng một thập niên qua đã tiến hành bồi đắp, xây dựng đảo nhân tạo trái phép tại các bãi đá mà Bắc Kinh chiếm đóng phi pháp ở quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam trên Biển Đông. “Nếu như trước đây, tàu Trung Quốc phải quay về đảo Hải Nam tiếp tế thì hiện nay họ có thể tận dụng các đảo nhân tạo để tăng cường sự hiện diện ở Biển Đông. Sự hiện diện gần như thường trực của những đội tàu Trung Quốc là nhằm buộc các quốc gia láng giềng phải chấp nhận yêu sách chủ quyền phi lý của Bắc Kinh ở Biển Đông”, bà Glaser lưu ý.

Mỗi khi có cơ hội, chẳng hạn như đại dịch Covid-19, Trung Quốc đẩy mạnh hoạt động nhằm củng cố yêu sách chủ quyền ở Biển Đông

Chuyên gia Bonnie Glaser (CSIS, Mỹ)

Chiến thuật “vùng xám” đã được thể hiện rõ qua những hoạt động phi pháp của Trung Quốc trong tháng 4 ở Biển Đông bao gồm: thành lập 2 đơn vị hành chính cấp quận – huyện bất hợp pháp để kiểm soát quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam; tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam gần Hoàng Sa; xây trạm nghiên cứu trên đá Chữ Thập và đá Xu Bi ở quần đảo Trường Sa; điều đội tàu dọa dẫm và ngăn chặn Malaysia thăm dò, khai thác tài nguyên ngoài khơi.

“Nhiều nước nhận thấy rằng phải cùng phối hợp để vượt qua cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19 gây ra. Tuy nhiên, Trung Quốc không chia sẻ quan điểm này và lợi dụng đại dịch để thực hiện hành vi cưỡng ép các quốc gia trong khu vực nhằm củng cố tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông”, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel J.Kritenbrink nói trong bài phát biểu khai mạc buổi trao đổi trực tuyến.
Đồng quan điểm, chuyên gia Glaser lưu ý: “Mỗi khi có cơ hội, chẳng hạn như đại dịch Covid-19, Trung Quốc đẩy mạnh hoạt động nhằm củng cố yêu sách chủ quyền ở Biển Đông. Khi vấp phải sự phản đối từ các nước trong khu vực, Trung Quốc tạm ngừng các động thái ngang ngược, chờ đợi cơ hội để tiếp tục hành động”.

Mưu đồ độc chiếm tài nguyên

Theo bà Glaser, Trung Quốc muốn độc chiếm Biển Đông để thâu tóm tài nguyên nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của các nước trong khu vực. Bắc Kinh cố thực hiện ý đồ này trong lúc đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) với ASEAN.

Việt Nam phản đối việc Trung Quốc trồng rau trên đảo Phú Lâm

Nghiên cứu mở lại một số đường bay quốc tế
Chiều 28.5, tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Việt Nam, Phó phát ngôn Đoàn Khắc Việt đã phản hồi câu hỏi về việc Trung Quốc công bố thử nghiệm thành công việc trồng rau trên cát tại đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Ông Đoàn Khắc Việt cho biết, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi đối với 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Mọi hoạt động tại 2 quần đảo này mà không được sự cho phép của Việt Nam là vi phạm chủ quyền của Việt Nam và luật pháp quốc tế.
Liên quan đến việc Trung Quốc khai thác cát trên Biển Đông, ông Đoàn Khắc Việt cũng khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam với 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, cũng như quyền chủ quyền tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa trên Biển Đông. “Các hoạt động của các bên ở 2 quần đảo này cũng như các khu vực Việt Nam có quyền chủ quyền và quyền tài phán trên Biển Đông là vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam và vi phạm luật pháp quốc tế”, ông Việt nhấn mạnh.
Về việc Mỹ sẽ bàn giao tàu tuần tra cỡ lớn cho Việt Nam, ông Đoàn Khắc Việt cho biết: “Quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam – Mỹ thời gian vừa qua đã duy trì đà phát triển trên nhiều lĩnh vực, trong đó có hợp tác về an ninh quốc phòng, hai bên tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc phòng song phương, trong đó có hợp tác an ninh hàng hải và nâng cao năng lực hoạt động trên biển, góp phần duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới”.
Về thời điểm mở lại các đường bay quốc tế sau khi đã kiềm chế được dịch Covid-19, ông Đoàn Khắc Việt cho biết các bộ, ngành, cơ quan liên quan đang nghiên cứu để đề xuất việc Việt Nam dần nới lỏng các biện pháp xuất nhập cảnh, nối lại một số đường bay quốc tế
Vũ Hân

“Trong tiến trình đàm phán COC, Trung Quốc đề xuất chỉ hợp tác thăm dò, khai thác tài nguyên chung giữa ASEAN và Trung Quốc, không cho phép nước bên ngoài khu vực tham gia. Bên cạnh đó, Bắc Kinh cũng cố tìm cách đưa lệnh cấm ASEAN không được phối hợp với nước khác tập trận chung vào nội dung dự thảo COC”, bà Glaser nói. Ngoài ra, Trung Quốc dùng công cụ kinh tế, chẳng hạn khoản vay trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai, Con đường để gây áp lực với các nước ASEAN và giới chuyên gia gọi đó là chính sách “ngoại giao sổ nợ”.

Hành động ngang ngược của Trung Quốc khiến các nước ASEAN cùng những quốc gia khác như Nhật Bản, Úc và Mỹ ngày càng quan ngại. Trước tình hình đó, bà Glaser cho rằng Mỹ sẽ tiếp tục tăng cường điều tàu chiến tuần tra đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông. Bên cạnh đó, triển vọng tại khu vực sắp tới có thể là đẩy mạnh hợp tác an ninh, tuần tra và tập trận chung nhằm gửi thông điệp mạnh mẽ tới Trung Quốc.
PHÚC DUY
TNO