23/01/2025

Quỹ bảo hiểm xã hội 728.000 tỉ, đầu tư thu lãi 42.700 tỉ đồng

Quỹ bảo hiểm xã hội 728.000 tỉ, đầu tư thu lãi 42.700 tỉ đồng

Tổng tiền quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp mà Bảo hiểm xã hội Việt Nam thu được đến hết năm 2018 là hơn 728.000 tỉ đồng, tương đương 31 tỉ USD.

 

Quỹ bảo hiểm xã hội 728.000 tỉ, đầu tư thu lãi 42.700 tỉ đồng - Ảnh 1.

Một buổi tuyên truyền về bảo hiểm xã hội tại TP.HCM – Ảnh: HỒNG PHƯƠNG

Số tiền trên đang được đầu tư mua trái phiếu chính phủ, mua chứng chỉ tiền gửi, cho vay và gửi tại các ngân hàng thương mại.

Lãi hơn 42.700 tỉ/năm

Kết quả kiểm toán quỹ bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2018 vừa được Kiểm toán Nhà nước công bố cho thấy việc kinh doanh quỹ bảo hiểm do người dân đóng góp trong năm mang lại cho BHXH Việt Nam khoản lợi nhuận khoảng 42.700 tỉ đồng.

Đến hết năm 2018 có hơn 14,7 triệu người trên cả nước đang đóng BHXH, số thu BHXH trong năm khoảng 223.000 tỉ đồng, đạt 99,36% dự toán giao. Tổng số thu 3 quỹ BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đến hết năm 2018 đạt hơn 728.000 tỉ đồng, tương đương 31 tỉ USD.

Nguồn tiền khủng này đang được BHXH Việt Nam đầu tư vào trái phiếu chính phủ khoảng 620.800 tỉ đồng, đầu tư vào các ngân hàng thương mại 107.200 tỉ đồng.

Đối với khoản đầu tư vào các ngân hàng thương mại để lấy lãi, BHXH Việt Nam mua trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi 13.000 tỉ đồng và gửi tiền tại 5 ngân hàng thương mại lớn khoảng 94.200 tỉ đồng.

Về khả năng cân đối các quỹ bảo hiểm, Kiểm toán Nhà nước cho biết trong năm 2018, BHXH Việt Nam đã chi khoảng 90.800 tỉ đồng để trả lương hưu và tiền tử tuất, kết dư quỹ đến cuối năm đạt gần 582.000 tỉ đồng. Nhưng BHXH Việt Nam vẫn lo đến năm 2032 quỹ này rơi vào cảnh chi nhiều hơn thu, và tới năm 2049 quỹ sẽ bị âm.

Với quỹ ốm đau, thai sản có kết dư quỹ khoảng 13.800 tỉ đồng, nhưng dự báo đến năm 2026 bắt đầu âm tiền quỹ. Riêng chỉ có một loại quỹ theo BHXH Việt Nam sẽ hoạt động ổn định, không âm là quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, trong năm 2018 kết dư quỹ khoảng 41.700 tỉ đồng.

Nên mở rộng hình thức đầu tư?

Trao đổi thêm về việc đem quỹ bảo hiểm đi đầu tư, ông Nguyễn Đình Khương – phó tổng giám đốc Bhxh Việt Nam – cho biết theo quy định hiện nay, BHXH Việt Nam được sử dụng tiền quỹ BHXH để mua trái phiếu chính phủ, gửi tại các ngân hàng, mua chứng chỉ tiền gửi của ngân hàng thương mại và đầu tư vào các công trình trọng điểm quốc gia.

Nguyên tắc đầu tư từ quỹ BHXH là an toàn, hiệu quả.

Trong đầu tư vào công trình trọng điểm quốc gia, đến nay BHXH Việt Nam mới sử dụng quỹ để đầu tư vào công trình trọng điểm thủy điện Lai Châu. Công trình này đã đầu tư xong và cơ quan bảo hiểm đã thu hồi xong cả vốn và lãi cho vay đầu tư.

Cũng theo ông Nguyễn Đình Khương, việc sử dụng quỹ BHXH để đầu tư vào các công trình trọng điểm quốc gia hiện nay là hiệu quả nhất trong các hình thức sử dụng quỹ để đầu tư. Tuy nhiên, hiện nay việc sử dụng quỹ bảo hiểm để đầu tư vào công trình trọng điểm quốc gia phải được Thủ tướng đồng ý.

Luật BHXH quy định hoạt động đầu tư từ quỹ BHXH phải bảo đảm an toàn, hiệu quả và thu hồi được vốn đầu tư.

Ông Nguyễn Đình Khương khẳng định danh mục đầu tư từ quỹ bảo hiểm hiện rất hạn chế, quỹ chỉ được đầu tư thông qua 3 hình thức mua trái phiếu chính phủ; gửi tiền, mua trái phiếu, kỳ phiếu, chứng chỉ tiền gửi tại các ngân hàng thương mại có chất lượng hoạt động tốt; và cho ngân sách nhà nước vay.

“Để nâng cao hiệu quả đầu tư các quỹ bảo hiểm, Chính phủ đang giao Bộ Tài chính nghiên cứu đề án mở rộng lĩnh vực đầu tư quỹ BHXH. Ví dụ như đẩy mạnh đầu tư vào các công trình trọng điểm quốc gia, ủy thác đầu tư cả trong và ngoài nước” – ông Nguyễn Đình Khương nói.

Cũng theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước, vẫn còn một số hạn chế trong việc thu chi bảo hiểm những năm qua như tình trạng một số lao động có nhiều hơn 1 sổ BHXH, nhiều trường hợp tham gia chưa đầy đủ BHXH, BHYT, BHTN.

Kết quả thanh tra, kiểm tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHYT, BHTN từ tháng 1-2017 đến tháng 6-2019 phát hiện 105.095 lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm nhưng chưa tham gia hoặc tham gia thiếu thời gian.

Tình trạng nợ đọng, chậm đóng các quỹ bảo hiểm còn xảy ra ở hầu hết các tỉnh, TP, đến hết năm 2018 các doanh nghiệp nợ khoảng 10.100 tỉ đồng tiền bảo hiểm.ỉ đồng, nguồn tiền này đang được đầu tư vào trái phiếu chính phủ, cho vay, gửi tại các ngân hàng thương mại.

BẢO NGỌC
TTO