23/12/2024

Thù lao 2 triệu vẫn bị “chặt ngọn“

Thù lao 2 triệu vẫn bị “chặt ngọn“

Mức giảm trừ gia cảnh tính thuế thu nhập cá nhân dự kiến tăng lên nhưng các ngưỡng chịu thuế khác vẫn còn quá thấp và lạc hậu.
Thuế thu nhập cá nhân quy định nhiều ngưỡng chịu thuế còn quá thấp /// Ảnh: Ngọc Thắng
Thuế thu nhập cá nhân quy định nhiều ngưỡng chịu thuế còn quá thấp  ẢNH: NGỌC THẮNG

Chưa được chia sẻ

Theo thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về dự thảo Nghị quyết về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 cho phép các khoản đóng góp, ủng hộ trong các hoạt động chống dịch Covid-19 được hạch toán vào chi phí hợp lý được khấu trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp; chưa xem xét việc gia hạn thời hạn nộp thuế thu nhập cá nhân (TNCN). Một lần nữa điều này cho thấy sự khác biệt giữa doanh nghiệp và cá nhân dù vẫn cùng đóng thuế thu nhập hằng năm.

Bậc thuế lũy tiến của VN hiện vẫn quá dày đặc cần phải sớm được chỉnh sửa theo hướng giãn bậc thuế, giảm thuế suất trong các bậc thuế đầu tiên để phù hợp cho đời sống của nhiều người dân.

TS Nguyễn Anh Phong

Ông Nguyễn Ngọc Tú, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Thuế, cho rằng trong khi người dân đang được hưởng gói hỗ trợ an sinh; doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể cũng được giảm, giãn thuế nếu nằm trong đối tượng được ưu tiên… thì những người nộp thuế TNCN cũng cần được hỗ trợ về thuế. Bởi khi kinh tế thuận lợi, họ đóng góp cho ngân sách thì đến khi khó khăn, cũng cần hỗ trợ bình đẳng như các đối tượng khác. Đó là sự chia sẻ cần thiết. Biện pháp hỗ trợ tốt nhất là thực hiện ngay việc tăng mức giảm trừ gia cảnh (GTGC) hoặc giảm thuế TNCN 3 tháng hay 6 tháng cho người nộp thuế.

Về mức GTGC tăng lên 11 triệu đồng/người/tháng cho người nộp thuế và 4,4 triệu đồng/người/tháng cho người phụ thuộc, ông Tú đánh giá vẫn chưa thật sự phù hợp, công bằng cho người nộp thuế. Bởi Bộ Tài chính căn cứ chỉ số giá thay đổi 23%, nên đề xuất tăng lên mức GTGC trên. Nhưng con số này cũng chỉ cộng dồn chỉ số các năm. Còn nếu tính toán chính xác hơn, chỉ số giá của năm 2020 thực tế đã tăng hơn 31% so với năm 2013. Cụ thể, lấy năm 2013 là năm gốc với chỉ số là 100, mức tăng là 4% thì qua năm 2014 là 104. Qua năm 2015 tăng 4% sẽ là 108,16 (4% của 104)… Như vậy năm 2020 tăng 31,59% so với năm 2013.
Đặt giả thiết mức bình quân gia quyền của chỉ số giá 5 năm sau (2020 – 2025) tăng 15% thì mức GTGC cho người nộp thuế phải lên hơn 13,5 triệu đồng/tháng (9 triệu đồng x 31% x 15%), người phụ thuộc sẽ lên 5,4 triệu đồng/người/tháng.
“Vấn đề ở đây là cách tính làm sao cho khoa học, đảm bảo công bằng, sòng phẳng cho người nộp thuế. Đồng thời, việc tăng mức GTGC cần sớm thực hiện trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay để chia sẻ những khó khăn cho người nộp thuế”, ông Tú nói.
Theo quy định hiện nay, người nộp thuế sẽ phải thực hiện tạm tính và nộp thuế theo quý, đến tháng 3 năm sau sẽ thực hiện quyết toán thuế TNCN. Nếu chờ đến quyết toán thuế mới được điều chỉnh mức GTGC theo ngưỡng mới
(đang đề xuất mức 11 triệu đồng/tháng) thì phải qua đến tháng 3 năm sau. Lúc này chính sách không có mấy ý nghĩa hỗ trợ tức thời cho người nộp thuế.

Thu nhập chưa tới ngưỡng, vẫn phải đóng thuế

Từ năm 2017, Bộ Tài chính đã đề nghị tăng mức khấu trừ với thu nhập vãng lai từ 2 lên 5 triệu đồng, nhưng đến nay vẫn chưa được nâng lên. Điều này khiến số lượng người lao động dù chưa đến thu nhập chịu thuế vẫn phải đóng thuế.
Ông L.Đ, giáo viên một trường phổ thông trung học tại TP.HCM, kể thỉnh thoảng tham gia viết bài, đăng truyện ngắn cho một số tờ báo, tạp chí. Đơn vị chi trả nhuận bút theo tháng, dù mỗi bài chỉ có 400.000 – 500.000 đồng thì cộng dồn trong tháng có khi lên hơn 2 triệu đồng và cũng “chặt” bớt 10%…
“Mình thấy quá vô lý, nhưng họ cứ nói đó là quy định. Nếu mình thấy thu nhập cả năm ở mức thấp không phải đóng thuế thì đi làm quyết toán và được hoàn thuế. Nhưng thử hỏi có mấy người chịu bỏ thời gian công sức đi làm thủ tục hoàn thuế? Đó là chưa kể làm sao lưu hết chứng từ cho cả năm…”, ông L.Đ chia sẻ.
Tương tự, chị Út (ngụ Q.6, TP.HCM) là một người chuyên đi làm giúp việc nhà theo giờ với lương tháng cố định ở 2 gia đình tổng cộng khoảng 8 triệu đồng/tháng và chưa thuộc diện phải đóng thuế TNCN. Thỉnh thoảng hai ngày cuối tuần chị cũng tranh thủ làm thêm việc dọn dẹp ở một số đám tiệc, công ty khác để tăng thu nhập. Có lần, chị được giới thiệu đến dọn văn phòng cho một công ty ở Q.3 (TP.HCM) trong hai ngày liên tiếp tiền công thỏa thuận là 2 triệu đồng. Thế nhưng, khi nhận tiền kế toán trừ thuế hết 200.000 đồng, chỉ còn nhận 1,8 triệu đồng khiến chị ngỡ ngàng. Từ đó về sau chị Út cho biết “rút kinh nghiệm, công ty nào kêu làm tui cũng nói trả tui 1,9 triệu đồng cũng được, còn hơn là nói 2 triệu đồng mà sau đó bị trừ thuế còn thấp hơn. “Nghèo mới đi làm giúp việc thì 100.000 đồng cũng là số nhiều”, chị Út chia sẻ.
TS Nguyễn Anh Phong, Trưởng khoa Tài chính – Ngân hàng (Trường ĐH Kinh tế – Luật), nhận định mức lương tối thiểu của VN hằng năm đều được điều chỉnh theo hướng tăng để đảm bảo đời sống cho người lao động. Mức lương tối thiểu năm 2020 ở các vùng 1 (các thành phố như Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương…) đã lên 4,42 triệu đồng/người/tháng. Như vậy quy định thu nhập không thường xuyên từ 2 triệu đồng/lần hay trên 1 triệu đồng/tháng phải đóng thuế là quá vô lý, tận thu đối với người nghèo. Đặc biệt khi nâng mức GTGC với lý do vì chỉ số giá tiêu dùng đã gia tăng thì cơ quan quản lý thuế cần phải xem xét nâng các ngưỡng chịu thuế khác cho công bằng và phù hợp với thực tế.
THANH XUÂN – MAI PHƯƠNG
TNO