Góc tư vấn: Lứa tuổi học đường, tự ăn kiêng có nguy hiểm ?
Góc tư vấn: Lứa tuổi học đường, tự ăn kiêng có nguy hiểm ?
Nữ sinh T.M.T, lớp 10, TP.HCM đặt câu hỏi: ‘Cháu nặng 65 kg, cao 1,6 m cháu bị bạn bè chê là mập (béo) nên cháu ăn kiêng giảm cân.
Nhưng ăn được mấy bữa cháu thấy rất mệt, không còn sức làm gì. Ăn kiêng ở độ tuổi này có nên không bác sĩ, cháu nên duy trì chế độ ăn uống, tập luyện như thế nào?”.
Bác sĩ Đặng Văn Đạt, Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình và phục hồi chức năng, Bệnh viện đa khoa quốc tế Hoàn Mỹ Thủ Đức, TP.HCM trả lời: Để đánh giá béo hay gầy, bác sĩ dựa vào chỉ số BMI (chỉ số khối lượng cơ thể – Body Mass Index). BMI = Cân nặng/ [(Chiều cao)2]. BMI lý tưởng của người VN là từ 18,5 đến 22,9.
Theo công thức này thì BMI bạn lớn hơn 25 thuộc diện béo phì độ I. Bạn cao 1,6 m thì cân nặng lý tưởng khoảng 54 kg. Tuy nhiên, trong lứa tuổi học đường, bạn không nên tự mình ăn kiêng, vì như vậy sẽ thiếu một số vitamin và các chất, sẽ làm cho bạn rất mệt mỏi, không có sức khỏe học tập, vận động và còn nguy hiểm cho cơ thể. Để có chế độ ăn uống phù hợp thì bạn nên khám bác sĩ dinh dưỡng để được tư vấn chế độ ăn và tập luyện.
Bạn có thể tham khảo chế độ ăn dưới đây. Nên ăn thực phẩm giàu protein như thịt ít mỡ, tôm, cua, cá, giò nạc, sữa đậu nành, trứng, sữa bột tách bơ, sữa chua làm từ sữa gầy, đậu đỗ. Nên sử dụng những glucid có nhiều chất xơ như bánh mì đen, ngũ cốc nguyên hạt, khoai củ. Nên cung cấp đủ vitamin và muối khoáng như canxi, sắt, vitamin E. Nên bổ sung rau xanh và quả chín 500 gr/ngày. Bạn có thể chế biến các món rau dưới dạng luộc, nấu canh, làm nộm, rau trộn. Hạn chế ăn muối, chỉ nên dưới 6 gr/ngày, nếu có tăng huyết áp thì chỉ 2 – 4 gr/ngày.
Không nên ăn thực phẩm nhiều chất béo, hạn chế ăn đường, mật, mứt, bánh ngọt, chocolate, nước ngọt. Bỏ hẳn rượu, bia, cà phê… Đồng thời, bạn nên duy trì chế độ tập luyện như đi bộ, bơi, thể dục nhịp điệu, đạp xe đạp ít nhất 30 phút/ngày.
THUÝ HẰNG
TNO