Pháp và Đức muốn tung gói tiền lớn để tự chủ kinh tế và y tế cho châu Âu
Pháp và Đức muốn tung gói tiền lớn để tự chủ kinh tế và y tế cho châu Âu
Sáng kiến chung Pháp – Đức về kế hoạch phục hồi châu Âu được đánh giá là ‘lịch sử’, táo bạo. Song vẫn còn bốn nước không đồng ý chia sẻ nợ chung của Liên minh châu Âu (EU).
Để đối phó với dịch COVID-19 và thúc đẩy phục hồi kinh tế châu Âu, hôm 18-5 (giờ địa phương) Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel đã cùng đưa ra sáng kiến chung Pháp – Đức.
Sáng kiến chung gồm bốn điểm chính.
1. Thành lập quỹ phục hồi
Quỹ phục hồi trị giá tổng cộng 500 tỉ euro.
Ủy ban châu Âu (EC) sẽ thay mặt EU lập quỹ phục hồi bằng các khoản vay trên thị trường.
Sau đó, tiền sẽ được chuyển vào mục chi tiêu ngân sách cho các nước EU, chủ yếu dành cho các lĩnh vực và các vùng bị ảnh hưởng dịch nặng nề nhất.
Các nước thụ hưởng sẽ không phải hoàn lại khoản viện trợ từ quỹ phục hồi.
2. Chủ quyền y tế châu Âu
Đề nghị tăng cường năng lực nghiên cứu – phát triển về vắcxin và thuốc điều trị nhằm “sản xuất một loại vắcxin ngừa virus corona trong EU đồng thời bảo đảm thế giới có thể tiếp cận vắcxin này”.
Song song với việc thiết lập các kho dự trữ chung về dược phẩm và sản phẩm y tế (khẩu trang, kit xét nghiệm…), phải gia tăng năng lực sản xuất các mặt hàng nêu trên trong EU.
Đề nghị điều phối các chính sách EU về mua sắm công liên quan đến vắcxin và thuốc điều trị để thống nhất trao đổi với ngành công nghiệp dược phẩm.
Đề nghị thành lập một lực lượng đặc nhiệm y tế EU trong Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Âu để xây dựng kế hoạch phòng ngừa dịch bệnh.
Xây dựng các quy định chung EU về khả năng tương tác dữ liệu y tế để có thể so sánh số liệu thống kê về dịch bệnh giữa các nước EU.
3. Quá độ về môi trường và kỹ thuật số
Hiện đại hóa các mô hình kinh tế châu Âu và tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của Thỏa thuận xanh châu Âu (mục tiêu không khí thải carbon năm 2050). Thêm vào đó là gia tăng các mục tiêu giảm khí thải vào năm 2030.
Xem xét lại các quy định về trợ cấp quốc gia theo chính sách bảo vệ khí hậu.
Về chuyển đổi kỹ thuật số, đề nghị nhanh chóng triển khai 5G và gia tăng nỗ lực để “có được cơ sở hạ tầng và công nghệ an ninh mạng an toàn và đáng tin cậy, quản lý nhận dạng kỹ thuật số, khuôn khổ thúc đẩy trí tuệ nhân tạo và một quy định công bằng cho các nền tảng kỹ thuật số trong EU”.
4. Chủ quyền kinh tế và công nghiệp
Phải tăng cường chủ quyền EU về kinh tế và công nghiệp.
Đề nghị ủng hộ đa dạng hóa các chuỗi giá trị bằng cách tích hợp các sáng kiến mới, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại sản phẩm y tế.
Khuyến khích đầu tư vào EU nhưng tăng cường kiểm soát đầu tư ở cấp quốc gia và cấp châu Âu đối với các nhà đầu tư ngoài châu Âu trong các lĩnh vực chiến lược, trong đó có y tế.
Điều chỉnh chiến lược công nghiệp, ví dụ sửa đổi các quy định về trợ cấp quốc gia và cạnh tranh.
Khu vực Schengen cần hoạt động đầy đủ, đặc biệt là tăng cường biên giới bên ngoài và nghĩa vụ phối hợp giữa các quốc gia trong khủng hoảng.
Các nước bị dịch nhiều ủng hộ sáng kiến
Nhà kinh tế Henrik Enderlein ở Trung tâm Jacques Delors (Đức) ghi nhận sáng kiến Pháp – Đức là tín hiệu lịch sử vì lần đầu tiên hai nước nhất trí EU có thể phát hành nợ chung trên quy mô lớn trong thời kỳ khủng hoảng.
Cách đây vài tuần, Thủ tướng Đức Angela Merkel vẫn còn phản đối ý tưởng về nợ chung châu Âu.
Giờ đây bà đã chấp nhận chia sẻ nợ chung mà còn đồng ý tăng khoản trợ cấp đáng kể vì 500 tỉ euro đã gấp 3,5 lần ngân sách EU hằng năm.
Nhà kinh tế Jean Pisani-Ferry đánh giá sáng kiến Pháp – Đức mang ý nghĩa khởi động lại quan hệ nồng ấm giữa hai cường quốc Pháp và Đức.
Thủ tướng Ý Giuseppe Conte và Chính phủ Tây Ban Nha đánh giá Pháp – Đức đã đưa ra sáng kiến tích cực và là bước đi đúng hướng.
Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Christine Lagarde nhận xét “các đề xuất Pháp – Đức mang tính chất tham vọng, có mục tiêu và rất đáng hoan nghênh”.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel khen ngợi Pháp và Đức đã đi đúng hướng nhưng toàn bộ các nước EU phải tham gia mới đạt được thỏa thuận chung.
Chủ tịch EC Ursula von der Leyen hoan nghênh “đề xuất mang tính chất xây dựng từ Pháp và Đức”.
Bà nhận xét sáng kiến Pháp – Đức phù hợp với kế hoạch phục hồi kinh tế riêng của EU mà EC đang soạn thảo và dự kiến sẽ công bố vào ngày 27-5.
Đan Mạch, Thụy Điển, Hà Lan và Áo chỉ đồng ý EU cho vay chứ không trợ cấp đối với các nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong dịch COVID-19 như Ý, Tây Ban Nha, Pháp.
Tối 18-5, Thủ tướng Áo Sebastian Kurz viết trên Twitter khẳng định mọi hỗ trợ của EU phải dưới hình thức cho vay chứ không phải trợ cấp.
Ông cho biết ông đã trao đổi với các thủ tướng của Đan Mạch, Thụy Điển, Hà Lan và các nước này đều phản đối chuyện sử dụng công cụ nợ chung để lập quỹ giải cứu kinh tế.