20/11/2024

Thế giới tìm lối thoát giữa đại dịch Covid-19

Thế giới tìm lối thoát giữa đại dịch Covid-19

Nhiều nước có các biện pháp khác nhau nhằm cân bằng giữa đối phó với đại dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế.
Khu vực ăn uống tại một trung tâm thương mại ở Thái Lan mở cửa lại vào ngày 17.5 /// Reuters
Khu vực ăn uống tại một trung tâm thương mại ở Thái Lan mở cửa lại vào ngày 17.5  REUTERS
Trước áp lực kép của việc phòng chống dịch Covid-19 và mở cửa lại nền kinh tế, nhiều nước đang tìm kiếm giải pháp cân bằng tối ưu nhằm giảm thiểu tổn thất trên nhiều phương diện. Theo tờ Nikkei Asian Review, các biện pháp khác nhau đang được triển khai nhằm thích ứng với tình hình cụ thể của từng nước, với quan điểm chung là tránh thiệt hại nặng về kinh tế, đồng thời đảm bảo sẵn sàng đối phó làn sóng lây nhiễm thứ 2.

Biện pháp đa dạng

Nhiều nền kinh tế Đông Nam Á đang mở cửa trở lại sau khi dịch bệnh ít nhiều được kiểm soát. Malaysia duy trì chính sách hạn chế đi lại đến ngày 9.6 nhưng cho phép doanh nghiệp mở cửa lại từ ngày 4.5. Singapore dự kiến duy trì cách ly đến ngày 1.6 nhưng cho phép các tiệm hớt tóc, giặt ủi và một số dịch vụ khác mở cửa. Tuy nhiên, các dịch vụ phải triển khai hệ thống đăng ký cho nhân viên và khách hàng nhằm nhanh chóng xác định nếu có trường hợp mắc Covid-19. Thái Lan hôm qua mở cửa các trung tâm thương mại lần đầu kể từ tháng 3, sau khi cho phép các cơ sở kinh doanh nhỏ mở cửa vào cuối tháng 4.
Tại Mỹ, Nhà Trắng đưa ra hướng dẫn cho các bang tự quyết định với tiêu chí duy trì số ca nhiễm giảm trong 4 tuần và đảm bảo khả năng xét nghiệm cho các nhân viên y tế. Tại tâm dịch New York, chính quyền bang có kế hoạch mở cửa từng khu vực và buộc các doanh nghiệp có kế hoạch đảm bảo an toàn cho nhân viên. Lĩnh vực xây dựng và sản xuất mở cửa lại trước và nếu giai đoạn 1 suôn sẻ, các lĩnh vực khác sẽ được hoạt động lại lần lượt là bất động sản, nhà hàng, khách sạn, quán bar, rạp chiếu phim và trường học. Các nước châu Âu như Anh và Đức có cơ chế áp dụng lại quy định giãn cách xã hội dựa trên số ca lây nhiễm. Tương tự, Nhật Bản hướng dẫn các địa phương dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp nếu tỷ lệ lây nhiễm dưới 0,5/100.000 người trong 1 tuần.

Áp lực kinh tế

Theo Ngân hàng Goldman Sachs, các biện pháp phòng chống Covid-19 khiến nhiều nước chịu ảnh hưởng về kinh tế, trong đó thiệt hại nặng nhất là Ấn Độ và Ý, trung bình là Singapore, Anh, Đức, Mỹ và nhẹ là Nhật.
Theo Trung tâm quan sát kinh tế Ấn Độ, khoảng 120 triệu người tại nước này thất nghiệp dưới tác động trực tiếp của quy định phong tỏa. Thủ tướng Narendra Modi cho biết Ấn Độ sẽ áp dụng quy định mới từ ngày 18.5 dựa trên đề xuất của các bang theo tinh thần vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế.
Nhiều chuyên gia kêu gọi các nước nên theo “cách sống mới” và duy trì giãn cách xã hội ít nhất đến khi có vắc xin hay thuốc đặc trị Covid-19. Tại Nhật, chính phủ đang chịu áp lực phải gia tăng các biện pháp hỗ trợ kinh tế sau khi tỷ lệ phá sản tăng 15% trong tháng 4 so với cùng kỳ năm ngoái. Thủ tướng Shinzo Abe cho biết chính phủ đang thảo luận về việc tiếp tục chi ngân sách nhằm phục hồi kinh tế, đồng thời cam kết bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân cũng như đảm bảo việc làm trong “cuộc sống từng ngày mới, theo từng bước”.
Áp lực trước hội nghị của WHO
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) bắt đầu khai mạc hội nghị thường niên vào hôm nay (18.5) và lần đầu tiên mời bộ trưởng y tế cùng quan chức các nước họp trực tuyến. Hội nghị dự kiến rút ngắn còn 2 ngày thay vì 3 tuần như trước và chỉ bàn về Covid-19. Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhận định đây là một trong những hội nghị quan trọng nhất kể từ khi tổ chức này thành lập vào năm 1948. Giới quan sát cho rằng cơ hội đạt thỏa thuận về các biện pháp toàn cầu nhằm đối phó đại dịch có thể bị đe dọa bởi mối quan hệ đang xấu đi giữa Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, nhiều nước vẫn hy vọng sẽ đạt được đồng thuận về nghị quyết kêu gọi nỗ lực chung nhằm đối phó Covid-19. Một nguồn tin tại EU cho rằng các nước sẽ không tránh né nhiều vấn đề gay cấn, kể cả việc kêu gọi WHO cải cách vì cho rằng năng lực của tổ chức này chưa đủ để phòng ngừa một thảm họa như đại dịch Covid-19.
MINH PHƯƠNG
TNO