24/12/2024

Mỹ – Trung và cuộc ‘Chiến tranh lạnh 2.0’

Mỹ – Trung và cuộc ‘Chiến tranh lạnh 2.0’

Giới học giả và chuyên gia vẫn đang chia rẽ về việc liệu Mỹ – Trung có đang thực sự trong một cuộc chiến tranh lạnh như từng diễn ra trong quá khứ.

 

Mỹ - Trung và cuộc Chiến tranh lạnh 2.0 - Ảnh 1.

Giới thiệu thịt bò Mỹ ở Bắc Kinh hồi năm 2017 khi thịt bò được phép nhập vào Trung Quốc. Bắc Kinh luôn dùng “củ cà rốt” thị trường lớn để nhắc nhở Mỹ về các biện pháp trừng phạt hoặc đe dọa – Ảnh: Reuters

Trong vòng 7 ngày liên tục, Nhân Dân Nhật báo thuộc Đảng Cộng sản Trung Quốc đã cho đăng 7 bài xã luận, trong đó đặt ra 7 câu hỏi lớn mang tính đả kích nước Mỹ.

Loạt bài kết thúc ngày 13-5 bằng câu hỏi thứ 7: Các chính trị gia Mỹ không thấy nhục nhã khi trở thành đồng phạm của virus hay sao?

Quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đã căng thẳng từ trước khi COVID-19 bắt đầu, và đại dịch chỉ đang đẩy nhanh tốc độ xói mòn bằng những cuộc khẩu chiến giữa hai bên về trách nhiệm xử lý dịch bệnh.

Năm 2007, nhà kinh tế học Moritz Schularick và tôi đã sử dụng thuật ngữ “Chimerica” để mô tả mối quan hệ kinh tế cộng sinh giữa Trung Quốc và Mỹ. Hôm nay, sự hợp tác đó đã chết. Chiến tranh lạnh 2.0 đã bắt đầu.

Niall Ferguson (học giả thuộc Viện Hoover – Mỹ)

Ngày càng sát điểm nứt gãy

Jacob Stokes, nhà phân tích của Viện Hòa bình Mỹ, nhận xét quan hệ Mỹ – Trung đang ở dưới đáy thấp nhất trong vòng 50 năm qua.

Vậy mà bốn tháng trước đó, khi hai nước đạt được một thỏa thuận thương mại sơ bộ, không ít người ít nhiều thở phào vì thỏa thuận bước 1 này được ví như bước ngoặt giúp thế giới bước ra khỏi một cuộc chiến thuế quan tốn kém.

Từ chỗ ca ngợi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố không muốn nói chuyện với nhà lãnh đạo Trung Quốc, thậm chí đe dọa cắt đứt quan hệ với nền kinh tế số 2 thế giới.

Đáp lại, trong tuyên bố được phát đi ngày 15-5, Bộ Ngoại giao Trung Quốc kêu gọi Mỹ “từ bỏ tâm lý chiến tranh lạnh” và hợp tác cùng chống virus. Gao Zhikai, thông dịch viên thân cận của ông Đặng Tiểu Bình, thừa nhận COVID-19 đã đẩy quan hệ hai nước đến gần điểm nứt gãy.

“Chưa bao giờ kể từ khi bình thường hóa quan hệ năm 1979, Trung Quốc và Mỹ lại trong mối quan hệ nguy hiểm và đối đầu như hiện nay”, ông Gao nói với Hãng tin Bloomberg.

Chiến tranh lạnh 2.0

Một số nhà phân tích đã bắt đầu sử dụng khái niệm “Chiến tranh lạnh mới” hay “Chiến tranh lạnh 2.0” để mô tả quan hệ hiện nay giữa Mỹ và Trung Quốc.

Trên thực tế, từ tận cuối năm ngoái, khi COVID-19 chưa bùng phát và khiến quan hệ hai nước thoái trào, báo New York Times của Mỹ từng tuyên bố chiến tranh lạnh mới giữa Mỹ và Trung Quốc đã bắt đầu.

Trong thời điểm hiện tại, sự cạnh tranh về mặt quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc là có, nhưng lại thiếu sự đối đầu về ý thức hệ.

“Sẽ là một vấn đề đau đầu nếu chúng ta định nghĩa chiến tranh lạnh mới là cuộc đối đầu quân sự và ý thức hệ”, học giả Cheng Li thuộc Viện Brookings (Mỹ) lập luận, đồng thời cho rằng bối cảnh hiện nay đã hoàn toàn khác, khi toàn cầu hóa đã dẫn tới việc “Mỹ hắt hơi thì Trung Quốc cũng sổ mũi”.

Những người từ chối sử dụng khái niệm chiến tranh lạnh lập luận Trung Quốc không phải Liên Xô và Mỹ hiện tại cũng không còn là Mỹ của thế kỷ 20.

Ông Jacob Stokes, cựu cố vấn an ninh quốc gia cho cựu phó tổng thống Mỹ Joe Biden, cho rằng các định nghĩa về chiến tranh lạnh mới đang quá lỏng lẻo. Tuy nhiên, việc sử dụng khái niệm này có thể hữu ích cho các chính trị gia Mỹ.

“Trong một nền dân chủ, các nhà lãnh đạo cần giải thích các quyết định an ninh quốc gia cho công chúng bằng các thuật ngữ dễ hiểu. Và người Mỹ thường hiểu rằng một cuộc chiến tranh lạnh nghĩa là một cuộc cạnh tranh giữa các quốc gia hùng mạnh trong chính trị, công nghệ, quân sự và giá trị cốt lõi”.

Trang Axios nhận xét Bắc Kinh dường như cho thấy họ không muốn bắt đầu chiến tranh lạnh với Washington, nhưng chấp nhận xem đó như một rủi ro nếu tình hình xấu thêm.

Thượng nghị sĩ Marco Rubio, một trong những người có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc, lập luận quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc phải được tái cân bằng, nhưng chiến tranh lạnh không phải là kết quả hay cách thức mà Washington mong muốn.

Một cuộc khảo sát của Trung tâm nghiên cứu Pew hồi tháng 3 cho thấy 66% người Mỹ hiện có thái độ tiêu cực với Trung Quốc, tăng gần 20% so với năm 2017 và là mức cao nhất kể từ khi cuộc khảo sát được tiến hành năm 2005.

Ở chiều ngược lại, nhiều người ở Trung Quốc cho rằng phần lớn những căng thẳng hiện nay đều bắt nguồn từ Mỹ và Washington đã rơi vào bẫy Thucydides: lo sợ thái quá về sự trỗi dậy của Trung Quốc đã dẫn tới các quyết sách sai lầm.

DUY LINH
TTO