Chỉ cần đóng 250.000 đồng, ngồi nhà coi clip tiền sẽ về đầy túi?
Chỉ cần đóng 250.000 đồng, ngồi nhà coi clip tiền sẽ về đầy túi?
Chỉ cần nộp 250.000 đồng đăng ký tài khoản rồi ngồi nhà xem các clip có sẵn là tiền về đầy túi. Chỉ cần đóng trước phí bảo hiểm 1,6 triệu đồng sẽ được ngân hàng duyệt cho vay 30-50 triệu đồng… là những trò lừa đưa không ít người vào bẫy.
Chỉ sau khi nộp tiền “bảo hiểm vay tiền” hay ngồi xem clip và đếm tiền, nhiều người mới phát hiện bị lừa. Đây là thông tin mà hàng loạt nạn nhân của các chiêu trò lừa đảo trong mùa dịch COVID-19 đã gọi đến Tuổi Trẻ để cảnh báo.
Xem clip trên mạng cũng được tiền!
Chị Nguyễn Thị PhươngThúy (Ninh Bình) cho biết qua một người bạn, chị được giới thiệu một website có tên tienvientienve.com đang tuyển cộng tác viên. Công việc rất đơn giản là xem video, kiếm tiền qua mạng với cam kết xem 10 giây được 50 đồng và mỗi ngày được cung cấp 10 video để xem, mỗi tháng kiếm được vài triệu đồng.
Tuy nhiên, muốn đăng ký lấy tài khoản xem các clip này phải đóng phí 250.000 đồng, gửi vào số tài khoản tại Techcombank của một người tên là N.V.T.. “Họ cam kết mỗi ngày ở nhà tôi cũng kiếm được 70.000-100.000 đồng. Nghĩ rằng đây là hình thức kiếm tiền dễ dàng, tôi đã đóng phí để mở tài khoản, xong xem rất nhiều lần nhưng không rút tiền ra được. Liên lạc với số điện thoại của admin thì đã khóa số” – chị Thúy nói.
Theo chị Thúy, rất nhiều người bị lừa như vậy vì website này có chính sách thu hút người chơi theo cách nếu giới thiệu người mới sẽ được hoa hồng 70.000 đồng, còn người mới tham gia được 10.000 đồng. Nhiều người đã mất tiền triệu để mở 4, 5 tài khoản một lúc với mong muốn kiếm được nhiều tiền nhưng tiền nộp rồi, video đã xem mà đến hẹn không rút tiền được dù trang web quy định có thể rút ra khi số dư lớn hơn 250.000 đồng.
Tương tự, chị Bảo Loan (Đồng Nai) cho hay sau khi chuyển tiền thành công và xem video được vài ngày thì website bị khóa. Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, chỉ cần gõ từ khóa “xem video kiếm tiền” trên Facebook sẽ ra hàng loạt lời chào mời có cánh như “xem video kiếm tiền mùa dịch”, “chỉ cần xem 3 video trên YouTube, bỏ ra mỗi ngày 1-2 tiếng là kiếm được 5-10 triệu đồng/tháng”. Kèm theo đó là hình ảnh những người chơi được cho là đã kiếm được tiền, dù khó kiểm chứng được độ thật giả của thông tin này.
Không chỉ có tienvientienve.com, mà nhiều trang khác được lập ra dù tên gọi khác nhau nhưng phương thức tương tự như kiemtienyoutube.net, videokiemtiem.com, tienvedennha.com, kiemtienonl.com… Các thông tin này cũng được chia sẻ vào các hội nhóm trên mạng xã hội với lời cam kết “không lừa đảo” để chiêu dụ con mồi vào tròng.
Theo những người tham gia trò xem video kiếm tiền này, số lượng người bị sập bẫy chiêu lừa trên rất lớn, có thể lên đến vài ngàn người. Nhiều người chơi đã lập các group Zalo tập hợp danh sách những người bị lừa để tố cáo lên cơ quan công an và cảnh báo trên các trang mạng xã hội.
Nộp phí bảo hiểm 1,6 triệu, được vay lãi suất 1%!
Anh Phạm Hữu Huy (Phú Yên) cho hay từng vay trả góp tại một công ty tài chính và đã trả xong. Mới đây, một người tự xưng là nhân viên ngân hàng (NH) gọi đến, đọc đúng số hồ sơ vay cũ của anh và nói rằng do anh có lịch sử trả nợ tốt nên được NH cho vay tiếp, rồi hỏi anh muốn vay bao nhiêu. Khi anh Huy nói muốn vay 20 triệu đồng, người này nói sẽ gửi thẻ tín dụng hạn mức như trên cho anh qua đường bưu điện với điều kiện anh phải nộp phí bảo hiểm 1,68 triệu đồng.
Nếu trả nợ đúng hẹn sau 2 tháng, số tiền bảo hiểm này sẽ được hoàn lại. Hôm sau, anh Huy ra bưu điện gần nhà đóng tiền và nhận thẻ. Đến lúc này anh Huy mới “tá hỏa” khi thẻ nhận được chỉ là loại thẻ bình thường như thẻ thành viên trung tâm thương mại, siêu thị, trên thẻ in ba chữ V.I.P chứ không phải thẻ tín dụng. Liên hệ lại người đã gọi điện thoại, anh Huy được một người khác nói chờ để chuyển máy nhưng rồi mất hút.
Anh Dương (Bình Thuận) cũng dính chiêu lừa tương tự khi nhận được điện thoại báo được duyệt hồ sơ vay 50 triệu đồng, lãi suất 1%/tháng và còn được tặng một sợi dây chuyền. Thấy quá hấp dẫn, anh đồng ý đóng 1,6 triệu đồng phí bảo hiểm rồi nhận một bưu phẩm là dây chuyền hàng si rẻ tiền và chiếc thẻ in bac hữ V.I.P như trên…
Hầu hết những trường hợp bị lừa phản ảnh đến Tuổi Trẻ đều là người lao động có thu nhập trung bình, có người là tài xế xe cấp cứu, có trường hợp lao động tự do, công nhân, gặp khó khăn về tài chính nên thường đồng ý ngay khi có thông tin NH cho vay mà không kiểm chứng.
Cũng chiêu lừa gửi chiếc thẻ nhựa, nhiều bạn đọc cho biết đã xuất hiện một số biến tướng khi phí bảo hiểm được chuyển thành tiền tin nhắn trong vòng 5 năm, hoặc yêu cầu đọc thông tin tài khoản ngân hàng. Khách hàng thật thà khai báo xong bị rút sạch tiền trong tài khoản.
Không có chuyện nộp trước phí bảo hiểm
Ông Nguyễn Hoàng Minh – phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM – cho rằng không có hình thức nào cho vay dễ dàng theo kiểu NH “alô” rồi gửi thẻ tín dụng hạn mức vài chục triệu đến nhà người vay như vậy. Trước khi cho vay, các NH phải xét hồ sơ vay, khả năng trả nợ. NH cũng không bao giờ yêu cầu người vay phải đóng trước phí bảo hiểm nên người dân lưu ý để tránh bị lừa.
Một số chuyên gia cho rằng với hàng loạt vụ lừa na ná nhau xảy ra ở nhiều bưu điện trên cả nước, phía bưu điện cũng phải có trách nhiệm cảnh báo người dân và phối hợp cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng.
Chuyên gia HUỲNH TRUNG MINH:
Cẩn trọng với “việc nhẹ, lương cao”
Dựa trên nhu cầu có thật về việc một số người cần lực lượng xem các video trên kênh YouTube, các đối tượng lừa đảo đã nhắm đến những người muốn tận dụng thời gian rảnh rỗi để kiếm tiền tại nhà, lại có ít thông tin.
Những đối tượng này cũng đánh vào tâm lý khi yêu cầu số tiền nộp vào tài khoản chỉ 250.000 đồng khiến những người tham gia chủ quan, nghĩ rằng nếu có bị lừa cũng không mất quá nhiều. Tuy nhiên, với hàng ngàn người bị lừa, đối tượng lừa đảo có thể thu về hàng tỉ, thậm chí nhiều tỉ đồng. Người dân cần tỉnh táo, không vội nghe theo những lời quảng cáo có cánh để rồi “ăn quả lừa”.