25/12/2024

Sẽ xoá độc quyền năng lượng

Sẽ xoá độc quyền năng lượng

Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân tham gia thị trường năng lượng.

 

Sẽ xóa độc quyền năng lượng - Ảnh 1.

Công nhân truyền tải điện làm việc tại đường dây truyền tải điện quốc gia hiện vẫn chỉ do Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (thuộc EVN) vận hành – Ảnh: QUANG THẮNG

Khuyến khích các thành phần ngoài nhà nước tham gia ngành năng lượng, ngành điện để xóa bỏ bao cấp, độc quyền. Ưu tiên khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới… nhằm bảo đảm an ninh năng lượng gắn với phát triển bền vững.

Ông NGUYỄN VĂN BÌNH – ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Trung ương Đảng, trưởng Ban Kinh tế trung ương – đã khẳng định như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ về những điểm mới quan trọng trong quan điểm chỉ đạo phát triển năng lượng quốc gia tại nghị quyết 55 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Ông Bình nói: Nghị quyết 55 nêu 5 quan điểm chỉ đạo toàn diện về phát triển năng lượng quốc gia, trong đó xác định rõ và toàn diện hơn về bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia cùng vị trí, vai trò của phát triển năng lượng quốc gia.

Đây không chỉ là nhiệm vụ “trọng tâm xuyên suốt trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” như trong nghị quyết 18 nêu, mà còn “phải ưu tiên phát triển năng lượng nhanh và bền vững, đi trước một bước, gắn với bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh”.

Khuyến khích tư nhân tham gia

* Thưa ông, đâu là điểm mới, mang tính đột phá trong chỉ đạo của nghị quyết 55 của Bộ Chính trị?

– Trong khi nghị quyết 18 mới chỉ nêu quan điểm “từng bước hình thành thị trường năng lượng”, nghị quyết 55 đã nhấn mạnh quan điểm “nhanh chóng xây dựng thị trường năng lượng đồng bộ, cạnh tranh, minh bạch, đa dạng hóa hình thức sở hữu và phương thức kinh doanh; áp dụng giá thị trường đối với mọi loại hình năng lượng”.

Đây là những điểm có tính đột phá, khẳng định sự quyết liệt khi yêu cầu phải nhanh chóng và triệt để thực hiện cơ chế thị trường đối với ngành năng lượng qua cơ chế giá để thu hút, phân bổ nguồn lực đầu tư trong phát triển các loại hình năng lượng.

Trên cơ sở vậy, nghị quyết đặt ra quan điểm mạnh mẽ hơn, cụ thể và toàn diện hơn về việc thu hút và khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển năng lượng, đặc biệt là kinh tế tư nhân, kể cả trong xây dựng hệ thống truyền tải điện quốc gia. Trước đây mới đề cập việc tiến tới xóa bao cấp, độc quyền, thì nay khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân tham gia.

Đặc biệt, sẽ kiên quyết loại bỏ mọi biểu hiện bao cấp, độc quyền, cạnh tranh không bình đẳng, thiếu minh bạch trong ngành năng lượng. Đây là những quan điểm mới, phù hợp với tình hình thực tiễn, đánh giá đúng vai trò của kinh tế tư nhân trong phát triển kinh tế…

* Ông nhấn mạnh đến vai trò của tư nhân trong phát triển ngành năng lượng, vậy vai trò của tư nhân như thế nào trong mối quan hệ với doanh nghiệp nhà nước?

– Với định hướng của nghị quyết 55, yêu cầu đặt ra là phải kết hợp doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân. Không có thành phần kinh tế tư nhân sẽ không thể phát triển nhanh ngành năng lượng, đáp ứng nhu cầu đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Thế nhưng, vẫn cần vai trò của kinh tế nhà nước nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Vì vậy, cùng với thúc đẩy và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho tư nhân phát triển, phải giữ vai trò của kinh tế nhà nước là chủ đạo, dẫn dắt và điều tiết thị trường. Khâu nào đảm bảo quốc phòng an ninh, đảm bảo những vấn đề then chốt về an ninh năng lượng quốc gia, Nhà nước sẽ phải làm, chứ không phải làm tất cả. Còn lại, có thể giao cho tư nhân làm, khuyến khích tư nhân tham gia và ngành điện, năng lượng phải hết sức thấm nhuần quan điểm này.

* Việc thu hút các thành phần kinh tế để phát triển năng lượng nhằm xóa bao cấp, độc quyền đã đưa ra nhiều năm, nhưng tỉ lệ đầu tư ngoài nhà nước đến nay vẫn rất thấp. Vì sao, thưa ông?

– Qua tổng kết 10 năm thực hiện, đã chỉ ra nguyên nhân là thị trường năng lượng cạnh tranh phát triển chưa đồng bộ, thiếu liên thông giữa các phân ngành, giữa phát điện với truyền tải điện. Chính sách giá năng lượng còn bất cập, chưa hoàn toàn phù hợp với cơ chế thị trường, chưa tách bạch với chính sách an sinh xã hội.

Đặc biệt, việc tái cơ cấu ngành năng lượng để từng bước hình thành thị trường cạnh tranh lành mạnh còn chậm. Công tác cổ phần hóa và thoái vốn tại các doanh nghiệp năng lượng nhà nước còn gặp một số khó khăn về cơ chế, chính sách liên quan đến giá trị doanh nghiệp và thị trường.

Việc hoàn thiện các quy định để doanh nghiệp năng lượng chuyển sang cơ chế thị trường còn nhiều vướng mắc, là điểm nghẽn trong quá trình phát triển. Dẫn tới độc quyền nhà nước trong ngành năng lượng còn cao. Mục tiêu xóa bỏ độc quyền còn chậm, nhất là trong phân ngành điện.

Xóa độc quyền trong đầu tư hạ tầng năng lượng

* Như ông nói, việc xóa bỏ độc quyền còn chậm, đặc biệt trong ngành điện, phải chăng vì chính sách giá điện chưa hấp dẫn nhà đầu tư?

– Với ngành điện, yêu cầu đặt ra trước đây là phải từng bước hình thành thị trường điện cạnh tranh, khuyến khích nhiều thành phần, Nhà nước chỉ giữ độc quyền truyền tải điện, xây dựng vận hành nhà máy thủy điện lớn, điện nguyên tử, tham gia hội nhập về mua bán điện.

Theo đó, để thu hút và khuyến khích đầu tư, cần xây dựng giá điện, tách chính sách xã hội ra khỏi giá điện sản xuất, có chính sách cho nông thôn miền núi. Chính sách giá điện theo thị trường rất quan trọng, bởi mức giá thấp thì làm sao kêu gọi đầu tư tư nhân được? Với chủ trương này, giá điện từng bước theo thị trường, phản ánh chi phí sản xuất ngành điện.

Tuy nhiên, việc tách chính sách xã hội ra khỏi giá điện một cách triệt để là bài toán khó, nhưng cần phải làm tới đây, để bảo đảm thị trường điện cạnh tranh, minh bạch, từ đó mới thu hút đầu tư.

* Nghị quyết 55 đã đặt ra những yêu cầu nào để thực hiện có hiệu quả việc thu hút tư nhân tham gia ngành năng lượng?

– Như tôi đã nêu, để phát triển nhanh và bền vững ngành năng lượng đòi hỏi phải song hành cả doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân trên cơ sở cơ cấu lại toàn diện các doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực năng lượng. Chỉ tập trung vào các lĩnh vực cốt lõi, có thế mạnh, đồng thời có các chính sách tạo thuận lợi cho tư nhân tham gia vào đầu tư phát triển năng lượng.

Nghị quyết 55 đã yêu cầu phải xóa bỏ mọi rào cản để thu hút, khuyến khích tư nhân đầu tư, phát triển các dự án năng lượng trong và ngoài nước, chú trọng những dự án phát điện và các hoạt động bán buôn, bán lẻ điện theo cơ chế thị trường. Với đầu tư hạ tầng năng lượng, phải xóa bỏ mọi độc quyền, rào cản bất hợp lý trong sử dụng cơ sở vật chất và dịch vụ hạ tầng năng lượng; có cơ chế, chính sách đầu tư xây dựng hệ thống truyền tải điện, tách bạch với độc quyền nhà nước.

Chủ trương là sẽ xã hội hóa tối đa trong đầu tư và khai thác, sử dụng cơ sở vật chất, dịch vụ ngành năng lượng, bao gồm cả hệ thống truyền tải điện quốc gia trên cơ sở bảo đảm quốc phòng, an ninh. Nghị quyết tiếp tục khuyến khích thu hút đầu tư nước ngoài có quy mô, chất lượng và hiệu quả cho ngành năng lượng. Để thu hút mạnh mẽ tư nhân tham gia ngành năng lượng, vấn đề mấu chốt là phải bảo đảm giá năng lượng minh bạch do thị trường quyết định.

Chống đầu cơ, trục lợi…

truyentaidien1405 4(read-only)

Đường dây truyền tải của tổ hợp năng lượng tái tạo (điện gió và điện mặt trời) của một doanh nghiệp tại Ninh Thuận – Ảnh: NGỌC HIỂN

Theo ông Nguyễn Văn Bình, nghị quyết 55 đặt ra yêu cầu phải xóa bỏ mọi rào cản để bảo đảm giá năng lượng minh bạch do thị trường quyết định. Theo đó, không thực hiện bù chéo giá điện giữa các nhóm khách hàng, giữa các vùng, miền; Nhà nước điều tiết hợp lý thông qua các công cụ thị trường (thuế, phí, các quỹ…) và chính sách an sinh xã hội phù hợp. Hoàn thiện cơ chế, chính sách, các công cụ có tính thị trường để đẩy mạnh sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Ngoài ra, phải rà soát, điều chỉnh và hoàn thiện các chính sách về đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng, sử dụng mặt nước, chống đầu cơ, trục lợi, lợi ích nhóm. Chính sách tài chính theo hướng khuyến khích, thu hút mạnh các nguồn vốn đầu tư ngoài nhà nước; khuyến khích các dự án đầu tư năng lượng theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp năng lượng tiếp cận các nguồn vốn, đặc biệt là các doanh nghiệp có dự án năng lượng xanh. Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả theo hướng xã hội hóa, bảo đảm độc lập về tài chính.

Đặc biệt, phải nghiên cứu, thực hiện luật hóa việc điều hành giá điện và một số ưu đãi cho dự án được khuyến khích đầu tư trong lĩnh vực năng lượng. Hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động kiểm soát và điều phối điện lực.

NGỌC AN thực hiện
TTO