20/11/2024

‘Kinh tế liên minh’ sẽ tạo sức bật phát triển cho các doanh nghiệp hậu COVID-19?

‘Kinh tế liên minh’ sẽ tạo sức bật phát triển cho các doanh nghiệp hậu COVID-19?

Với tỉ lệ tăng trưởng khách hàng mới ở sàn thương mại điện tử trên 40% trong mùa dịch, những mô hình liên minh kinh tế có sự bắt tay của các doanh nghiệp và tận dụng giải pháp công nghệ được kỳ vọng giúp doanh nghiệp nhanh chóng hồi phục.

 

Kinh tế liên minh sẽ tạo sức bật phát triển cho các doanh nghiệp hậu COVID-19? - Ảnh 1.

Người tiêu dùng đang ngày càng quen thuộc với mua hàng online – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Ngày 15-5, tại hội thảo “Doanh nghiệp hậu COVID-19: nền kinh tế liên minh tạo sức bật phát triển”, ông Nguyễn Ngọc Dũng – phó chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) – cho biết thống kê của các sàn thương mại điện tử ở Việt Nam cho thấy số khách hàng mới, những người lần đầu tiên mua sắm online tăng đến 40% trong thời gian diễn ra dịch COVID-19.

Theo ông Dũng, đây là mức tăng trưởng cao và buộc các sàn thương mại phải thay đổi về cấu trúc ngành hàng sau dịch. Khách không chỉ có nhu cầu tìm kiếm online nhiều hơn mà còn hình thành thói quen mua hàng mới như ngoài ngành hàng điện tử, điện gia dụng thì có thêm ngành hàng tươi sống, thực phẩm, đồ dùng thiết yếu…

“Sự chuyển dịch này khiến nhiều doanh nghiệp sốt ruột, một số cũng muốn nắm bắt cơ hội ngay trong dịch nhưng do chưa có nền tảng trước đó nên không dễ phát triển kênh phân phối online. Những doanh nghiệp thành công là do đã sẵn sàng trước đó”, ông Dũng nhận định.

Trong báo cáo chủ đề “Thói quen tiêu dùng của người Việt thay đổi thế nào trong dịch COVID-19?” vừa được phát hành, Grab Việt Nam cũng ghi dịch COVID-19 kéo dài đã gây ra những xáo trộn trong cuộc sống của nhiều người dân Việt Nam, nhưng mặt khác lại đang thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ và tạo ra những thay đổi đáng kể trong thói quen mua sắm của người Việt.

Theo Grab Việt Nam, xu hướng mua sắm trực tuyến tăng mạnh trong mùa dịch góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng của thanh toán không tiền mặt, thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt của người dân. “Dịch COVID-19 đã thúc đẩy một bộ phận người dân lần đầu tiên tiếp cận với các phương thức thanh toán trực tuyến”, báo cáo nhận định.

Không chỉ người dùng mà các doanh nghiệp siêu vừa và nhỏ đều có xu hướng chọn lựa các phương thức thanh toán trực tuyến để đảm bảo giao dịch an toàn trong mùa dịch.

Ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống – chủ tịch Yeah1 – cho rằng do ảnh hưởng bởi các quy định cách ly xã hội và hạn chế tiếp xúc, người tiêu dùng đã dần quen thuộc hơn với việc mua sắm trực tuyến.

Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp thương mại điện tử và cũng đồng thời là thách thức cho các doanh nghiệp truyền thống, buộc họ phải chuyển đổi hoặc hợp tác với các doanh nghiệp có thế mạnh về công nghệ truyền thông và hệ sinh thái để nhanh chóng đưa các sản phẩm đến người tiêu dùng.

Từ nhu cầu này, trên thế giới đã hình thành nhiều mô hình “kinh tế liên minh” thành công nhờ ứng dụng công nghệ thông tin và áp dụng thương mại điện tử. Các liên minh này tìm cách tăng cơ hội tiếp cận với khách hàng, tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại trên môi trường mạng, từ đó mở dần thị trường mới.

Tuy vậy, quá trình này vẫn gặp nhiều rào cản, trong đó các sàn thương mại điện tử vẫn gặp khó với hạ tầng chung thanh toán, như thanh toán khi nhận hàng (COD) hiện giờ chiếm tỉ lệ rất lớn, trên 80%. Điều này dẫn tới khó khăn để quản trị chuỗi cung ứng thương mại điện tử, rủi ro về phương án thanh toán không tiền mặt không chỉ đối với sàn mà với nhà cung cấp nói riêng.

Ngoài ra, sự sẵn sàng của doanh nghiệp, hạ tầng logistics cũng làm cho quá trình phát triển thương mại điện tử ở Việt Nam chậm lại.

Số người lần đầu trải nghiệm thanh toán không tiền mặt tăng hơn 22%

Theo dữ liệu của Moca, đối tác chiến lược của Grab, số người dùng lần đầu tiên thanh toán không dùng tiền mặt trên nền tảng Grab vào tháng 3-2020 đã tăng đến 22,5% so với tháng trước đó.

Ước tính trong dịch COVID-19, tỉ lệ giao dịch không dùng tiền mặt trên toàn bộ nền tảng Grab chiếm đến 43%. Đặc biệt, riêng với dịch vụ GrabMart, tỉ lệ giao dịch không dùng tiền mặt chiếm đến 70%.

Hiện ví Moca đang liên kết trực tiếp với 24 ngân hàng và một ngân hàng số, có khả năng tiếp cận tới hơn 92% người sở hữu thẻ ATM tại Việt Nam.

N.BÌNH
TTO