23/01/2025

Khi 2 bờ eo biển Đài Loan căng thẳng, Pháp, Mỹ ‘song kiếm hợp bích’

Khi 2 bờ eo biển Đài Loan căng thẳng, Pháp, Mỹ ‘song kiếm hợp bích’

Trang Đài Bắc Thời Báo ngày 14-5 đưa tin bão nhiệt đới Vongfong sẽ không thể đổ bộ vào Đài Loan. Tuy nhiên, vùng lãnh thổ này dường như đang hứng một ‘trận bão’ khác với diễn biến càng lúc càng phức tạp hơn: căng thẳng phương Tây – Trung Quốc.

 

Khi 2 bờ eo biển Đài Loan căng thẳng, Pháp, Mỹ song kiếm hợp bích - Ảnh 1.

Tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS McCampbell đã băng qua eo biển Đài Loan hôm 13-5 – Ảnh: HẢI QUÂN MỸ

Hôm 13-5, Bộ Ngoại giao Pháp đã phát đi thông điệp “hãy tập trung chống dịch” khi Paris và Bắc Kinh lời qua tiếng lại liên quan tới một thương vụ, mà trong đó Pháp sẽ giúp hiện đại hóa hệ thống vũ khí trang bị trên 6 tàu hộ vệ lớp Lafayette đã bán cho Đài Loan năm 1991.

Pháp, Mỹ “tấn công” liên hồi

Trong khi Trung Quốc kiên quyết phản đối Pháp bán vũ khí cho Đài Loan và đe dọa các thương vụ như vậy có thể làm tổn hại quan hệ Pháp – Trung, phía Paris cũng kiên quyết “tôn trọng các cam kết trong thỏa thuận với Đài Loan” và khẳng định vẫn “không thay đổi lập trường kể từ năm 1994”, thời điểm Paris nhất trí với Bắc Kinh về nguyên tắc “Một Trung Quốc”.

Trước đó, Đại sứ quán Trung Quốc tại Pháp hồi tháng 4 chỉ trích các nước phương Tây “phản ứng chậm chạp” với dịch COVID-19 và cáo buộc nhân viên tại các viện dưỡng lão ở Pháp “bỏ bê ca trực vào ban đêm” và để người già “chết vì đói và bệnh”, khiến Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nổi giận và gây sóng gió cho quan hệ ngoại giao hai nước.

Cùng ngày Pháp ra tuyên bố về “hợp đồng vũ khí” với Đài Loan, hải quân Mỹ công bố thông tin đã điều tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS McCampbell đi qua eo biển Đài Loan hôm 13-5, đồng thời công khai các ảnh chụp lại hoạt động này lên trang Facebook của Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ.

Đây là lần thứ 6 tàu chiến Mỹ băng qua eo biển Đài Loan từ đầu năm đến nay. Con số này đáng chú ý vì các tàu của hải quân Mỹ di chuyển qua khu vực này chỉ tổng cộng 9 lần trong cả năm ngoái, theo Hãng tin CNA của Đài Loan.

Ông Tô Tử Vân, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu an ninh quốc phòng ở Đài Loan, nhận định sự xuất hiện thường xuyên của tàu chiến Mỹ và việc công bố các hoạt động này qua mạng xã hội sau đó là một dạng “ngoại giao công cộng quân sự” nhằm cho thấy cam kết của Mỹ với khu vực giữa bối cảnh Trung Quốc nỗ lực mở rộng ảnh hưởng quân sự.

Không chỉ có Pháp, ngày càng nhiều nước phương Tây bị “nêu tên” trong các tuyên bố chỉ trích của Bắc Kinh liên quan vấn đề Đài Loan.

Chẳng hạn hồi cuối tháng 4, dù không thay đổi chính sách “Một Trung Quốc”, Hà Lan đã đổi tên Văn phòng Đầu tư và thương mại của nước này tại Đài Loan thành “Văn phòng Hà Lan tại Đài Bắc”, khiến Bắc Kinh giận dữ và dọa tẩy chay hàng hóa Hà Lan. Trước đó, Úc, Anh, Nhật Bản và Ba Lan cũng đã rút gọn tên các văn phòng đại diện ngoại giao của họ ở Đài Loan.

Chờ thông điệp của bà Thái

Những diễn biến phức tạp quanh eo biển Đài Loan diễn ra trong bối cảnh bà Thái Anh Văn – người đã chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử hồi tháng 1 – dự kiến tuyên thệ nhậm chức lãnh đạo Đài Loan thêm 4 năm vào ngày 20-5 tới.

Giới phân tích cho rằng nếu bà Thái lựa chọn cách tiếp cận ôn hòa hơn với Bắc Kinh trong bài phát biểu tuyên thệ nhậm chức sắp tới đi nữa, điều đó cũng sẽ không cải thiện quan hệ hai bờ eo biển Đài Loan, theo báo South China Morning Post.

“Một cuộc chiến tranh giữa hai bờ eo biển Đài Loan có thể sẽ không diễn ra trong nhiệm kỳ tiếp theo của bà Thái, nhưng chắc chắn căng thẳng giữa hai bên vẫn sẽ bùng lên do việc bà Thái không sẵn lòng chấp nhận nguyên tắc “Một Trung Quốc” và nỗ lực của bà trong việc dùng quan hệ đang thắt chặt hơn với Mỹ để đối phó Bắc Kinh” – Wang Kung Yi, chuyên gia khoa học chính trị tại Đại học Văn hóa ở Đài Bắc, bình luận.

Với Trung Quốc, nước này vẫn chưa cho thấy dấu hiệu sẽ ngừng gây sức ép lên đảo Đài Loan.

Hãng tin Kyodo dẫn các nguồn tin tuần này cho biết quân đội Trung Quốc đang có kế hoạch tiến hành một cuộc tập trận đổ bộ quy mô lớn ở Biển Đông vào tháng 8 tới, để mô phỏng một cuộc đánh chiếm quần đảo Đông Sa (hiện do Đài Loan kiểm soát) trong tương lai. Theo trang Thời Báo Hoàn Cầu, hiện phía Trung Quốc vẫn chưa thông báo về cuộc tập trận này.

Với việc thế giới bị COVID-19 làm xao lãng, Trung Quốc đã tăng cường chiến dịch gây sức ép đa mặt trận với Đài Loan.

“Máy bay quân sự của Trung Quốc đã băng qua đường trung tuyến trên eo biển Đài Loan 3 lần trong các tháng đầu năm 2020, sau khi tiến hành chỉ một đợt xâm nhập như vậy vào năm 2019” – một báo cáo tuần này của Ủy ban Đánh giá kinh tế và an ninh Mỹ – Trung thuộc Quốc hội Mỹ cho biết.

Đài “ngoại giao khẩu trang” với Mỹ

Tuần này, bang Colorado của Mỹ cho biết đã nhận được lô hàng 200.000 khẩu trang y tế và hơn 2.000 nhiệt kế từ Đài Loan. Đây là lần thứ hai Đài Loan gửi cho bang này các vật tư y tế chống dịch COVID-19.

Theo trang Taiwan News, đầu tháng trước, Đài Loan cho biết sẽ tặng cho nước Mỹ tổng cộng 2 triệu khẩu trang.

Ngoài Colorado, Đài Loan đã tặng hàng trăm ngàn khẩu trang cho Iowa, Wisconsin, Michigan, Ohio, New York, New Jersey… Viết về “ngoại giao khẩu trang” của Đài Loan, tạp chí Foreign Policy đánh giá cuộc khủng hoảng COVID-19 đang đưa Mỹ – Đài xích lại gần hơn nữa.

BẢO ANH
TTO