19/11/2024

Bước ngoặt toàn cầu hóa và chiến lược phát triển của Việt Nam

Qua đại dịch này, nhiều người sẽ nhận thức hơn sự quan trọng của một xã hội phát triển bền vững, trong đó dịch vụ công, hạ tầng văn hóa, xã hội (như giáo dục, y tế), mạng lưới an sinh xã hội phải được chú trọng mới chống chọi hiệu quả với thiên tai, dịch bệnh.

Bước ngoặt toàn cầu hóa và chiến lược phát triển của Việt Nam

Giáo sư Trần Văn Thọ.
Nguồn: Người Đô Thị Online

LTS. Kinh tế Việt Nam đang đứng trước một đợt suy giảm lớn xuất phát từ một nguyên nhân phi kinh tế. Trong bối cảnh này, các chính sách điều hành vĩ mô có ảnh hưởng quan trọng tới sức đề kháng (khả năng chịu đựng) của nền kinh tế, giảm thiểu các tác động tiêu cực của dịch bệnh. Đặc biệt, chúng sẽ quyết định nền kinh tế có khả năng phục hồi nhanh chóng hay không, một khi bệnh dịch được kiểm soát.

Tác động của dịch bệnh tới các ngành kinh tế có sự khác biệt rất lớn. Một số ngành chịu ảnh hưởng nặng nề, các doanh nghiệp có khả năng phá sản hàng loạt (hàng không, du lịch, dịch vụ…). Một số ngành vẫn có cơ hội phát triển tốt (nông sản, thực phẩm, dược phẩm…). Do vậy, cần có sự lựa chọn hợp lý các chính sách cũng như đối tượng hỗ trợ. 

Bàn tròn trực tuyến Người Đô Thị thực hiện trên số báo này, giới thiệu đến bạn đọc ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế, những doanh nhân – thành phần chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi đại dịch.

***

Đại dịch COVID-19 chưa biết bao giờ sẽ chấm dứt, nhưng có vài hệ quả hầu như chắc chắn. Một là kinh tế thế giới suy sụp nặng, có thể nói là nặng nhất kể từ Đại khủng hoảng 1929-1932. Hai là các đặc tính liên quan đến cấu tạo, sự vận hành và trật tự của kinh tế thế giới sẽ thay đổi, làm thay đổi chiến lược phát triển của các nước.

Ta thử bàn về hệ quả thứ hai này và rút ra vài hàm ý đối với chiến lược phát triển của Việt Nam sau khi đại dịch COVID-19 chấm dứt.

Đặt lại vấn đề toàn cầu hóa

Giáo sư Trần Văn Thọ.

Cho đến nay toàn cầu hóa là sự di động hầu như tự do trên quy mô toàn cầu của hàng hóa và các yếu tố sản xuất như tư bản, công nghệ, lao động. Hai yếu tố thúc đẩy khuynh hướng này là chính sách, chế độ cởi mở của các nước cùng với các hiệp định tự do thương mại và sự tiến bộ của khoa học, công nghệ làm giảm phí tổn di chuyển hàng hóa và các yếu tố sản xuất.

Đặc biệt từ đầu thập niên 1990, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin (ICT), sự phân công quốc tế trong hàng công nghiệp thay đổi hẳn. Trước đó buôn bán giữa các nước chủ yếu là sản phẩm cuối cùng như TV, máy giặt, xe hơi… nhưng từ khoảng 30 năm trước, mậu dịch trong linh kiện, bộ phận của sản phẩm công nghiệp dần dần đóng vai trò lớn. Các công ty đa quốc gia (MNCs) đặt các cơ sở sản xuất linh kiện, bộ phận tại nhiều nước, phân bổ tùy theo tính chất của mỗi bộ phận, link kiện và đặc tính của các nước, lập thành chuỗi cung ứng (supply chain).

Gần đây phân công quốc tế còn thấy ở các công đoạn của một linh kiện hay sản phẩm trung gian. Kết hợp chuỗi cung ứng với các khâu nghiên cứu triển khai (R&D), thiết kế, tiếp thị và dịch vụ liên quan tạo thành chuỗi giá trị toàn cầu (global value chain, GVC).

Một điểm cần chú ý là vai trò của Trung Quốc trong GVC của MNCs. Trung Quốc là nước có quy mô lao động rất lớn, có nhiều trung tâm kinh tế và cấu tạo kinh tế của nhiều địa phương cũng khác. Về mặt kinh tế, Trung Quốc giống như một khu vực gồm nhiều nước khác nhau. Do đó, chuỗi cung ứng hay GVC của một ngành hay nhiều ngành gộp lại tuy phân tán, trải ra trên bình diện khu vực hay toàn cầu nhưng một phần khá lớn của các chuỗi đó tập trung tại Trung Quốc. Chẳng hạn trong ngành phụ kiện đồ điện và điện tử, năm 2018 Trung Quốc cung cấp tới 30% nhu cầu của thế giới.

Sau khi đại dịch COVID-19 chấm dứt, mạng lưới cung ứng và GVC sẽ từng bước nối lại nhưng trong dài hạn doanh nghiệp phải chuẩn bị đối phó với khả năng nạn dịch tương tự xuất hiện trở lại.

Toàn cầu hóa đi liền với cạnh tranh tự do, với sự ưu thế của chủ nghĩa thị trường. Vai trò của nhà nước suy giảm. Một trong những hệ lụy là khoảng cách thu nhập giữa người thắng, người thích ứng với thị trường cạnh tranh, với toàn cầu hóa và tầng lớp bị yếu thế ngày càng mở rộng. Và ta đã thấy sự phản kháng trong dân chúng các nước, nhất là các nước phát triển, ngày càng mạnh đối với toàn cầu hóa.

Nhưng đại dịch COVID-19 sẽ làm cho toàn cầu hóa chuyển sang bước ngoặt mới. Lần này không phải chỉ những người yếu thế mà cả những chủ thể đẩy mạnh toàn cầu hóa trong thời gian qua (như MNCs) cũng phải suy nghĩ lại. Trong định nghĩa về toàn cầu hóa, ngoài hàng hóa và các yếu tố sản xuất đã nói, còn con virus nữa.

Con virus lan ra toàn cầu với tốc độ nhanh, thông qua sự di động nhộn nhịp của lao động và các nguồn nhân lực khác. Giãn cách xã hội trong thời gian dài, thực hiện trên hầu hết các nước làm đứt gãy mạng lưới cung ứng và GVC. Sau khi đại dịch COVID-19 chấm dứt, mạng lưới cung ứng và GVC sẽ từng bước nối lại nhưng trong dài hạn doanh nghiệp phải chuẩn bị đối phó với khả năng nạn dịch tương tự xuất hiện trở lại.

Phương hướng mới trong công nghệ và chiến lược phát triển

Đối với các công ty đa quốc gia (MNCs), sẽ có 3 đối sách.

Một là, tiếp tục di chuyển cơ sở sản xuất từ Trung Quốc sang các nước khác. Hiện tượng này đã bắt đầu từ giữa thập niên 2010 khi tiền lương ở các tỉnh và thành phố vùng duyên hải tăng nhanh, sau đó diễn ra mạnh hơn trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ – Trung cuối thập niên 2010.

Cũng như dịch SARS năm 2002, đại dịch COVID-19 lần này cũng bắt nguồn từ Trung Quốc, làm nhiều người lo ngại trong tương lai nạn dịch tương tự cũng xảy ra từ nước này. Đã có phân tích cho rằng tập quán ẩm thực (dùng nhiều động vật hoang dã…) của Trung Quốc dễ gây dịch bệnh hơn các nước khác.

Do đó, để phòng rủi ro đứt gãy mạng lưới cung ứng, làn sóng chuyển dịch nhà máy từ Trung Quốc sang các nước khác sẽ mạnh hơn nữa.

Hai là, nỗ lực tự động hóa dây chuyền sản xuất trong công nghiệp sẽ được đẩy mạnh hơn. Hiện tượng này đã bắt đầu mạnh từ khoảng 10 năm nay để tăng năng suất lao động, giảm chi phí tiền lương.

Từ nay, để dễ đối phó với rủi ro lây lan khi có dịch bệnh, doanh nghiệp có khuynh hướng dùng nhiều người máy để thay thế lao động. Nhiều MNCs đã nghĩ đến việc thiết lập nhà máy thông minh (smart factory) ngay tại các nước đang phát triển. Ý tưởng xây dựng nhà máy thông minh mà nội dung cốt lõi là tự động hóa tối đa sẽ có khuynh hướng mạnh hơn sau đại dịch.

Bức tranh minh họa này là bìa báo The Chicago Reader số mới nhất – tháng 4.2020. Tác giả là họa sĩ Trần Hồng Nguyên (Nguyên Trần), hiện sống tại Chicago. Anh đã theo học và hoàn thành hai bằng thạc sĩ tại Đại học Savannah College of Art & Design (SCAD). Trần Hồng Nguyên là tác giả nhiều bìa sách, trong đó có The Refugees của nhà văn Nguyễn Thanh Việt, và bìa một số tờ báo nổi tiếng ở Mỹ: The New York Times, The Chicago Reader… Trước khi du học và định cư tại Mỹ, Trần Hồng Nguyên có thời gian làm việc tại báo Sài Gòn Tiếp Thị.

Ba là, do phải giãn cách xã hội vì đại dịch, phương thức làm việc tại nhà, họp trực tuyến, điều khiển, quản lý từ xa được áp dụng rộng rãi. Từ kinh nghiệm này, trong tương lai, hình thái làm việc này chắc chắn sẽ phổ biến và cao độ hơn nữa để hạn chế tiếp xúc giữa người với người trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Chẳng hạn công nghệ hiện diện từ xa (telepresence) sẽ giúp kỹ sư, người quản lý ở xứ tiên tiến có thể điều khiển công nhân ở nhà máy tại nước đang phát triển. Hoặc người máy điều khiển từ xa (telerobotics) sẽ được phát minh, nhờ đó công nhân ở nước đang phát triển có thể điều khiển người máy ở nước tiên tiến để làm các dịch vụ như lau chùi cửa sổ, tường kính khách sạn, quét dọn nhà cửa, văn phòng mà không phải di chuyển sang nước cần các dịch vụ đó.

Tóm lại, ngày càng có hiện tượng lao động không di chuyển nhưng dịch vụ lao động vẫn được cung cấp ra nước ngoài. Đây là phương hướng phát triển công nghệ trong tương lai.

Một hệ quả của các khuynh hướng trên là lao động xuất khẩu sẽ giảm. Nhu cầu tránh lây lan của dịch bệnh làm cho các nước nhập khẩu lao động sẽ xét lại chiến lược phát triển, để giảm những ngành có hàm lượng lao động giản đơn hoặc dùng ít lao động trong những lãnh vực có thể áp dụng máy móc để thay thế.

Qua đại dịch này, nhiều người sẽ nhận thức hơn sự quan trọng của một xã hội phát triển bền vững, trong đó dịch vụ công, hạ tầng văn hóa, xã hội (như giáo dục, y tế), mạng lưới an sinh xã hội phải được chú trọng mới chống chọi hiệu quả với thiên tai, dịch bệnh.

Trong đại dịch lần này, Singapore, một nước phát triển và tiên tiến về y tế lại là một trong những nước có ca nhiễm bệnh rất lớn vì tỉ lệ lao động người nước ngoài trên dân số rất cao. Là nước chưa tới 6 triệu dân nhưng Singapore đã có hơn 9.000 ca nhiễm (tính tới ngày 18.4), nhiều gần bằng Hàn Quốc và Nhật Bản, trong đó 95% số ca nhiễm là lao động nước ngoài.

Một thay đổi nữa do đại dịch lần này mang lại là vai trò của nhà nước sẽ lớn mạnh hơn. Chẳng những trong thời gian chống chọi với nạn dịch và phục hồi kinh tế, ổn định xã hội sau dịch mà cả một giai đoạn dài sau đó. Qua đại dịch này, nhiều người sẽ nhận thức hơn sự quan trọng của một xã hội phát triển bền vững, trong đó dịch vụ công, hạ tầng văn hóa, xã hội (như giáo dục, y tế), mạng lưới an sinh xã hội phải được chú trọng mới chống chọi hiệu quả với thiên tai, dịch bệnh.

Chiến lược phát triển bao trùm (inclusive), trong đó không ai bị bỏ rơi trong quá trình phát triển và chú trọng hạ tầng văn hóa, xã hội sẽ thu hẹp khoảng cách trong đời sống của các tầng lớp dân chúng. Trong cơn đại dịch COVID-19 hiện nay, ở hầu hết các nước, sự chênh lệch giàu nghèo quá lớn gây ra chênh lệch lớn về khả năng chống chọi với bệnh dịch, khả năng thích ứng với hoàn cảnh, với công việc. Kinh tế thị trường thuần túy không đáp ứng được các đòi hỏi này mà phải có sự can thiệp mạnh mẽ, đúng hướng của nhà nước.

Trên bình diện quốc tế, an ninh kinh tế của mỗi quốc gia cũng sẽ được chú trọng hơn. Ngoài an ninh lương thực, an ninh năng lượng, việc phân tán thị trường, phân tán nguồn trong chuỗi cung ứng v.v.. đặt ra một loạt các vấn đề mới. Toàn cầu hóa sẽ lùi một bước, cạnh tranh thị trường bị hạn chế và vai trò của nhà nước sẽ lớn hơn. Từ đó chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa bảo hộ cũng sẽ mạnh hơn.

Chiến lược phát triển Việt Nam sau đại dịch  

Sau khi đại dịch chấm dứt, sẽ phải có các biện pháp ngắn hạn để phục hồi  kinh tế, ổn định cuộc sống của dân chúng, và vạch ra chiến lược phát triển dài hạn trước bối cảnh quốc tế mới. Chiến lược mới này nên gồm những điểm sau:

Thứ nhất, xét lại vấn đề hội nhập và củng cố nội lực.

Trong thời gian qua, cùng với trào lưu toàn cầu hóa, Việt Nam hội nhập rất sâu vào kinh tế thế giới. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đã lên tới 200% GDP. Doanh nghiệp có vốn nước ngoài (FDI) chiếm khoảng 1/2 sản lượng công nghiệp và 70% kim ngạch xuất khẩu. Các con số này đã rất bất thường đối với một đất nước gần 100 triệu dân. Cơ cấu đó càng bất lợi, nhiều rủi ro trong thời đại hậu COVID-19.

Trong chiến lược sắp tới, phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước phát triển, và song song với hạ tầng kinh tế, Chính phủ phải quan tâm đầu tư vào hạ tầng văn hóa, xã hội (như giáo dục, y tế), đào tạo lao động đáp ứng nhu cầu mới và đẩy mạnh phát triển các ngành thu hút lao động. Tăng đầu tư công vào các lãnh vực dân sinh, cải thiện cuộc sống người dân (cụ thể là xây chung cư cho người dân có thu nhập vừa và thấp ở đô thị, nâng cấp trường ốc các bậc học, cải thiện nhà vệ sinh, nâng cấp các bệnh viện…) rất cần thiết.

Các chính sách này vừa củng cố nội lực để đối phó hữu hiệu với nạn dịch nếu có trong tương lai, vừa tăng sức mua của dân chúng và mở rộng thị trường nội địa. Cùng với chính sách công nghiệp hóa nói ở điểm sau, kinh tế sẽ giảm phụ thuộc vào thị trường thế giới và phát triển bền vững hơn.

Thứ hai, đẩy mạnh công nghiệp hóa theo hướng tiến lên trên chuỗi giá trị sản phẩm, đẩy mạnh sản xuất hàng công nghiệp thay thế nhập khẩu.

Cơ cấu công nghiệp Việt Nam hiện nay còn mỏng, tuy có tiến triển hơn trước nhưng tính chất còn gia công, lắp ráp nên phải nhập khẩu nhiều sản phẩm trung gian, phụ kiện, trong đó một phần rất lớn là từ Trung Quốc. Do đó, nhân cơ hội nhiều công ty nước ngoài đang chuyển dịch cơ sở sản xuất ra khỏi Trung Quốc, và môi trường đầu tư của ta được đánh giá cao qua kinh nghiệm phòng chống dịch bệnh rất thành công hiện nay, ta lợi dụng FDI (có chọn lựa) để đẩy mạnh thay thế nhập khẩu các sản phẩm công nghiệp trung gian, phụ kiện hoặc sản phẩm cơ bản cho công nghiệp.

Chiến lược này sẽ giải quyết cùng một lúc nhiều vấn đề: tăng cường cơ cấu công nghiệp, giảm nhập khẩu và bớt phụ thuộc vào Trung Quốc. Về biện pháp cụ thể, cần định hướng dòng thác FDI mới, chọn lựa những dự án phù hợp với nhu cầu công nghiệp hóa sắp tới, mà trước mắt là thay thế nhập khẩu những mặt hàng công nghiệp nói trên. Ngoài ra, tạo điều kiện để các doanh nghiệp nội địa Việt Nam tham gia liên doanh hoặc liên kết với doanh nghiệp FDI.

Thứ ba, chú trọng an ninh lương thực và liên kết phát triển công nghiệp thực phẩm với phát triển nông nghiệp chất lượng cao.

An ninh lương thực ngày càng trở thành vấn đề lớn trên thế giới. Ngoài khả năng tái phát đại dịch, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi như sâu keo mùa thu, bệnh cúm gia cầm, châu chấu sa mạc, biến đổi khí hậu v.v.. đang đe dọa an ninh lương thực thế giới. Mặt khác, nhu cầu thực phẩm chất lượng cao trên thị trường thế giới đang và sẽ tăng nhanh. Đặc biệt tại Đông Á, thị trường gần kề Việt Nam, kinh tế tăng trưởng cao hơn các vùng khác, thu nhập đầu người tăng nhanh nên nhu cầu thực phẩm chất lượng cao đã đạt qui mô lớn và tiếp tục tăng.

Việt Nam có tài nguyên phong phú về nông thủy sản nhưng chưa khai thác, chưa phát huy tiềm năng, chẳng những chưa tạo được thương hiệu về thực phẩm trên thị trường thế giới mà ngay tại thị trường nội địa cũng dần dần bị xâm thực. Phát triển nông ngư nghiệp vừa bảo đảm an ninh lương thực cho ta vừa xây dựng ngành xuất khẩu công nghiệp thực phẩm, và góp phần giúp nước khác giải quyết vấn đề thiếu hụt lương thực.

Nông nghiệp phát triển phải gồm 3 nội dung. Thứ nhất là tăng năng suất lao động và năng suất đất canh tác của nông sản. Thứ hai là tăng phẩm chất của nông sản và đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp theo hướng ngày càng tăng tỉ trọng của những mặt hàng có giá trị cao, có nhu cầu cao trên thị trường trong nước và thế giới. Đây là nội dung của cụm từ “nông nghiệp chất lượng cao” mà gần đây được nói đến nhiều. Thứ ba là kết hợp nông nghiệp với công nghiệp hóa, chế biến các loại nông phẩm thành hàng công nghiệp thực phẩm, đặc biệt là sản phẩm xuất khẩu. Ở giai đoạn thứ ba này, nông nghiệp cùng với thủy sản, hải sản cung cấp nguyên liệu bảo đảm chất lượng cho một bộ phận quan trọng của công nghiệp.

Phát triển mạnh công nghiệp thực phẩm theo hướng cạnh tranh trên thị trường thế giới sẽ thúc đẩy nông nghiệp chuyển dịch theo hướng hiện đại, đa dạng hóa, và gắn kết sản xuất với thị trường thế giới, đưa nông nghiệp vào chuỗi giá trị thực phẩm toàn cầu. Với chiến lược này, công nghiệp hóa được đẩy mạnh một bước, góp phần tăng tốc độ phát triển kinh tế, và cải thiện đời sống cho một bộ phận lớn của dân chúng.

Thứ tư, toàn dụng lao động phải được xem là ưu tiên hàng đầu của chiến lược phát triển. Ba nội dung trong chiến lược nói trên được thực hiện sẽ tạo ra nhiều công ăn việc làm. Nhưng, như đã phân tích, trào lưu phát triển của công nghệ và của chiến lược kinh doanh có khuynh hướng tiết kiệm lao động.

Thêm vào đó, lao động xuất khẩu sẽ ngày càng gặp khó khăn. Bản thân xuất khẩu lao động cũng nên được xem là bất đắc dĩ, cần xây dựng một đất nước mà không ai phải đi ra nước ngoài tìm việc. Ngoài nông nghiệp và công nghiệp cũng cần đẩy mạnh phát triển các ngành dịch vụ, đặc biệt những ngành Việt Nam có tiềm năng như du lịch, công nghệ thông tin.

Các đại học cần khẩn trương đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu này. Ngành du lịch hiện nay bị ảnh hưởng nhiều nhưng sẽ hồi phục sau khi hết dịch bệnh. Tuy nhiên, Việt Nam cần hướng đến một ngành du lịch chất lượng cao, cung cấp các dịch vụ có hàm lượng văn hóa cao để thu hút khách, thân thiện với môi trường xã hội và thiên nhiên, khác với tình hình du lịch ta thấy trước khi có dịch bệnh.

Thứ năm, cần cách tiếp cận mới trong đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển trong giai đoạn mới. Trào lưu của thế giới cho thấy nhu cầu lao động giản đơn sẽ giảm mạnh và nhu cầu lao động lành nghề, đặc biệt lao động sử dụng được máy móc, sử dụng được công nghệ thông tin sẽ tăng nhanh. Hệ thống giáo dục và đào tạo cần đáp ứng nhu cầu trong thời đại mới.

Thế giới sau COVID-19 sẽ thay đổi nhiều và đặt ra cho kinh tế Việt Nam nhiều thách thức, nhưng cũng là cơ hội để chuyển dịch cơ cấu theo hướng bền vững.

Trần Văn Thọ

(Nguyên giáo sư kinh tế tại Đại học Waseda, Tokyo, Nhật Bản;  thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc)