23/12/2024

Những công trình thay đổi dung mạo TP.HCM

Những công trình thay đổi dung mạo TP.HCM

Những công trình thay đổi dung mạo TP.HCM như nhà ga ngầm đầu tiên của tuyến metro số 1 dần thành hình, bến xe lớn nhất cả nước đã sẵn sàng chuẩn bị đưa vào hoạt động…
Hầm hở nút giao thông Đại học Quốc gia TP.HCM được xây dựng 8 làn xe  /// Ảnh: H.Mai
Hầm hở nút giao thông Đại học Quốc gia TP.HCM được xây dựng 8 làn xe  ẢNH: H.MAI
Nhà ga ngầm đầu tiên của tuyến metro số 1 dần thành hình, bến xe lớn nhất cả nước đã sẵn sàng chuẩn bị đưa vào hoạt động, tuyến quốc lộ có lộ giới lớn nhất nước cũng chính thức thông xe sau hơn 3 năm rưỡi thi công… là một số trong nhiều dự án trọng điểm về đích đang vẽ nên những gam màu tươi sáng cho bức tranh giao thông TP.HCM.

Vượt khó, đua với thời gian

Những ngày qua, người dân TP.HCM liên tục đón nhận những hình ảnh cận cảnh nhà ga ngầm đầu tiên của tuyến đường sắt đô thị số 1 (tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên) sau khi tầng B1 của nhà ga cơ bản hoàn thiện vào ngày 24.4. Cùng với ga Ba Son, ga Nhà hát TP là một trong hai ga ngầm của gói thầu CP1b (khởi công ngày 21.8.2014).
Ga hoàn thiện cơ bản công tác thi công sớm hơn 6 ngày so với kế hoạch báo cáo UBND TP và sớm hơn 96 ngày so với kế hoạch thi công ban đầu của nhà thầu. Cùng với đó, toàn bộ rào chắn đoạn từ đường Đồng Khởi đến đường Nguyễn Huệ đã được tháo dỡ hoàn toàn, mặt bằng phía trước Nhà hát TP đã được tái lập tạm thành một khuôn viên nhỏ, trả lại không gian thông thoáng và sạch đẹp cho khu vực.
Phía bên trong ga Nhà hát TP, tầng B1 thiết kế thoáng đãng, mang phong cách cổ điển phù hợp với thiết kế của nhà hát, đã phân rõ từng khu bán vé điện tử, khu soát vé, sảnh đợi. Phía dưới, tại tầng hầm B2, các công nhân vẫn đang miệt mài lắp các thiết bị cơ điện, đóng trần. Thời tiết những ngày cuối tháng 4 chuyển mùa oi bức, nắng mưa bất chợt, không khí dưới tầng hầm hạn chế, lại cộng thêm việc đeo khẩu trang tuân thủ theo đúng quy định phòng, chống dịch bệnh vẫn không làm giảm đi sự hưng phấn của những người đang trực tiếp thực hiện công trình này.
Dừng tay đôi phút trò chuyện cùng chúng tôi, anh Ngô Quang Đại, kỹ sư điện đang trực tiếp thi công tại ga Nhà hát TP, cho biết để đẩy nhanh tiến độ thi công các hạng mục, hoàn thiện cơ bản tầng B1 và hoàn trả mặt bằng phía trước nhà hát trước dịp lễ 30.4 – 1.5, toàn bộ đội ngũ công nhân, kỹ sư đã phải làm việc không quản ngày đêm. Đặc biệt, dịch bệnh Covid-19 bùng phát và kéo dài đã ảnh hưởng rất nhiều tới quá trình thi công.
“Công trình thì gấp rút nhưng không được điều động đông người, anh em phải tản ra hoặc phân ca, thay nhau làm việc. Anh em cũng tăng ca làm việc từ 5 – 8 giờ tối, việc nào gấp quá một số nhóm ở lại tới tận hơn 10 giờ đêm để làm cho xong. Từ ban quản lý cho tới các anh em ai cũng đồng lòng, động viên nhau không ai về quê nghỉ dịch, giữ đủ quân số hơn 300 người ráng hết sức để đảm bảo tiến độ đề ra”, anh Đại cho hay.
Anh Lê Thành Lê, quản lý thi công gói thầu CP1b, cho biết đến nay, kết cấu toàn ga Nhà hát TP đã đạt khoảng 99%, độ hoàn thiện đạt khoảng 70 – 80%. Tầng hầm B1 và B3 cơ bản đã hoàn thiện, hầm B2, B4 đang thực hiện nốt công tác lắp điện, lắp gạch và ốp tường. Dự kiến từ nay đến cuối năm, ga Nhà hát TP tuyến metro số 1 sẽ cơ bản hoàn thiện, trở thành nhà ga thành hình sớm nhất trong mạng lưới đường sắt đô thị TP.HCM, cũng là nhà ga ngầm đầu tiên của hệ thống đường sắt đô thị trên cả nước.

Mở cửa ngõ, xóa điểm đen giao thông

Là quần thể công trình phức hợp trên tổng diện tích 16 ha, đây là bến xe có diện tích lớn nhất cả nước với tổng vốn đầu tư khoảng 4.000 tỉ đồng, phục vụ hơn 7 triệu lượt hành khách/năm, Bến xe Miền Đông mới (Q.9, TP.HCM) đã hoàn thiện cơ bản tất cả các hạng mục.
Theo đại diện chủ đầu tư – Tổng công ty cơ khí GTVT Sài Gòn (SAMCO) các tuyến đường nội bộ, công trình hạ tầng bãi đậu xe phía trong bến về cơ bản đã xong. Từ những ngày cuối của quý 2/2019, SAMCO đã bắt đầu tổ chức huấn luyện, đào tạo đầy đủ công tác kỹ thuật về điện, nước… sẵn sàng đón các tuyến xe khách vào hoạt động. Bến xe Miền Đông mới đưa vào hoạt động được kỳ vọng sẽ góp phần giải tỏa bớt tình trạng kẹt xe ở trung tâm TP, nhất là các điểm đen xung quanh khu vực Bến xe Miền Đông hiện nay tại Q.Bình Thạnh.
Đồng bộ, mới đây, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM đã bắt đầu triển khai dự án “Xây cầu vượt trước Bến xe Miền Đông mới” trên xa lộ Hà Nội với mục tiêu đảm bảo kết nối giao thông khi Bến xe Miền Đông mới đi vào hoạt động. Dự án có tổng mức đầu tư 437,1 tỉ đồng, bao gồm xây cầu vượt số 3 (vượt tuyến chính QL1) gồm 3 làn xe để tổ chức cho các dòng xe từ hướng Đồng Nai vào Bến xe Miền Đông; xây cầu vượt số 4 (vượt tuyến chính QL1) gồm 3 làn cho các dòng xe từ Bến xe Miền Đông mới rẽ trái quay đầu về hướng trung tâm TP.HCM và về Bình Dương. Ngoài ra, xây dựng 2 đường chui, một đường trên phần đường song hành phải QL1 rộng 8 m, dài 670 m cho xe 2 bánh đi thẳng về hướng Đồng Nai và một đường trên phần đường song hành trái QL1 rộng 8 m, dài 350 m cho xe 2 bánh đi thẳng về hướng TP.HCM.
Tuy chưa được khai trương, nhưng người dân Q.9 nói riêng cũng như người dân TP.HCM nói chung vô cùng phấn khởi khi cuối năm 2019, hầm chui trên QL1 đoạn qua trước Khu du lịch Suối Tiên (Q.9) – nút giao thông Đại học Quốc gia (thuộc dự án mở rộng xa lộ Hà Nội) chính thức được thông xe sau hơn 3 năm rưỡi thi công.
Đoạn đường hơn 1,8 km (bắt đầu từ cổng Khu du lịch Suối Tiên đến khu vực cây xăng Bình Thắng, nằm trên địa bàn Q.9, Q.Thủ Đức và TX.Dĩ An (Bình Dương) rải nhựa mới tinh, 8 làn xe rộng thênh thang. Tầng dưới hầm hở, xe con, xe tải, xe container chạy “vèo vèo”. Trong khi phía tầng trên, từ hai bên đường song hành, xe máy cùng nhiều xe 4 chỗ sang đường thoải mái qua cầu quay đầu, hình thành dòng lưu thông nhịp nhàng, thông thoáng.
Với 8 làn xe chính, chưa kể 6 làn đường song hành hai bên, đây là một trong những tuyến QL có lộ giới rộng nhất nước, đáp ứng tốt nhất nhu cầu đi lại cũng như trung chuyển hàng hóa giữa các tỉnh miền Đông, TP.HCM và các tỉnh miền Tây Nam bộ. Trước khi “lột xác”, khu vực từ Khu du lịch Suối Tiên đến đường rẽ vào Đại học Quốc gia TP.HCM là một trong những điểm đen giao thông của TP.HCM. Chỉ có 6 làn xe gánh một lượng lớn phương tiện, đoạn đường này triền miên ùn tắc. Phương tiện di chuyển chủ yếu là container, xe tải nặng, “gặp” các loại xe khác tại nhiều nút giao đồng mức nên tai nạn giao thông thường xuyên xảy ra.

Kích hoạt kinh tế toàn vùng

PGS-TS Nguyễn Bá Hoàng, Phó hiệu trưởng Trường đại học GTVT TP.HCM, nhận định những dự án giao thông trọng điểm hoàn thành mang 2 ý nghĩa quan trọng: Thay đổi bộ mặt đô thị và kích hoạt giao thương, kinh tế toàn vùng.
Đơn cử, tuyến metro số 1 hoàn thành sẽ kết thúc tất cả các điểm xây dựng, các lô cốt đang chiếm dụng mặt đường, gây ách tắc giao thông, trả lại không gian kinh doanh cho các hộ gia đình sống tại khu vực bị ảnh hưởng bởi công trình xây dựng trong suốt thời gian qua, đặc biệt là khu vực buôn bán sầm uất như đoạn nhà ga Bến Thành. Khi các tuyến đi vào hoạt động thì tất cả hệ thống xe buýt xung quanh cũng sẽ được sắp xếp lại, có trật tự để đảm bảo phục vụ khách đi, đến các ga thuận tiện. Bên cạnh đó, người dân dần hình thành thói quen mua bán trong sân ga, đô thị ngày càng trở nên văn minh.
Tương tự, về mặt giao thương, nhu cầu vận chuyển giữa TP.HCM với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm ngày càng tăng cao, dẫn đến ùn tắc. Ách tắc là nguyên nhân chính khiến chi phí vận chuyển hàng hóa từ TP.HCM đi các tỉnh cao hơn so với các nước khác. Điều này dẫn đến hàng hóa xuất khẩu khó cạnh tranh, ảnh hưởng lớn đến kinh tế TP cũng như phát triển kinh tế toàn vùng.
Theo quy hoạch phát triển giao thông đến năm 2020 và tầm nhìn sau 2020 đã được Chính phủ phê duyệt, xa lộ Hà Nội là trục giao thông huyết mạch ở cửa ngõ phía đông bắc của thành phố, nối liền TP.HCM với các tỉnh Đông Nam bộ, miền Trung và miền Bắc. Do đó, loạt dự án giao thông trọng điểm phía đông sau khi đưa vào hoạt động không chỉ có tác động rất tích cực đến giao thông khu vực cửa ngõ TP mà còn tạo đà phát triển rất tốt cho kinh tế, xã hội TP.HCM cũng như toàn vùng trọng điểm phía nam.

Người dân TP.HCM sẽ được tham quan ga Nhà hát TP

Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị TP.HCM, cho biết đơn vị này sẽ sớm tổ chức mở cửa ga Nhà hát TP của tuyến metro số 1 cho tất cả người dân TP.HCM tham quan. Mọi góp ý về kiến trúc, tiện ích của nhà ga sẽ được Ban tổng hợp và đánh giá, chỉnh sửa cho phù hợp.
Đây là một trong những kế hoạch tuyên truyền tới người dân về công trình trọng điểm của TP.HCM đang trong giai đoạn hoàn thành. Dự kiến, việc tham quan sẽ diễn ra ngay sau khi dịch Covid-19 tại TP được kiểm soát hoàn toàn.
H.MAI
TNO