Thi tốt nghiệp THPT sẽ ra sao?
Thi tốt nghiệp THPT sẽ ra sao?
Hơn 500 câu hỏi của bạn đọc gửi về chương trình giao lưu trực tuyến do báo Tuổi Trẻ tổ chức sáng qua 27-4 thắc mắc về thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học 2020 đã được Bộ GD-ĐT giải đáp.
Để giảm áp lực cho thí sinh năm nay bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, độ khó của đề thi sẽ giảm.
PGS.TS MAI VĂN TRINH
Những nội dung được ghi chú “không dạy”, “không làm”, “không thực hiện” hay “khuyến khích học sinh tự đọc, tự học” sẽ không kiểm tra đánh giá, không đưa vào nội dung đề thi.
PGS.TS NGUYỄN XUÂN THÀNH
Việc ôn thi, đề thi và phương thức tuyển sinh của các đại học trong bối cảnh phương án thi tốt nghiệp THPT mới nhận được nhiều sự quan tâm của thí sinh, phụ huynh và giáo viên.
Đề thi “nhẹ” hơn năm trước
Tại buổi giao lưu, PGS.TS Mai Văn Trinh – cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Bộ GD-ĐT – khẳng định đề thi tốt nghiệp THPT 2020 sẽ được điều chỉnh theo hướng nhẹ hơn so với năm 2019 và không ra vào nội dung vừa được Bộ GD-ĐT tinh giản.
Với mục đích chính của kỳ thi là xét tốt nghiệp THPT, đề thi cũng bám sát kiến thức cơ bản của chương trình THPT chủ yếu là lớp 12. Tuy nhiên, theo ông Mai Văn Trinh, đề thi vẫn phải tính toán để có độ phân hóa ở mức độ phù hợp, giúp phân tách các nhóm thí sinh có năng lực khác nhau.
“Nếu kỳ thi được tổ chức nghiêm túc, kết quả thi đáng tin cậy và có độ phân hóa nhất định thì các trường đại học, cao đẳng vẫn có thể sử dụng làm một trong các căn cứ để sàng lọc, tuyển sinh” – ông Trinh cho biết.
Mặc dù được giải thích như vậy nhưng tại buổi giao lưu, nhiều thí sinh vẫn lo lắng: “Nếu chỉ xét tốt nghiệp THPT thì tại sao không bỏ hai bài thi tổ hợp cho nhẹ?”, “Bộ vẫn cho phép các trường sử dụng kết quả thi để tuyển sinh thì sao lại điều chỉnh chỉ có 1 đầu điểm chung của bài thi tổ hợp? Làm thế có phải gây khó cho thí sinh khi không thể bóc tách điểm môn thành phần để tham gia vào các tổ hợp xét tuyển như mọi năm?”…
Trả lời về điều này, ông Trinh cho biết các bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên, khoa học xã hội được đưa vào kỳ thi THPT quốc gia từ năm 2017 và sẽ vẫn duy trì ở kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay để hướng tới việc khắc phục tình trạng học tủ, học lệch, cắt xén chương trình trong nhà trường phổ thông.
“Để giảm áp lực cho thí sinh năm nay bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, độ khó của đề thi sẽ giảm. Nhưng vì mục tiêu đặt ra ở trên nên các bài thi vẫn phải duy trì như các năm trước” – ông Trinh giải thích thêm.
Băn khoăn giảm tải chương trình
Cũng tại buổi giao lưu, nhiều băn khoăn của học sinh và phụ huynh liên quan vấn đề “giảm tải chương trình” đã được PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học Bộ GD-ĐT, giải thích.
Những nội dung được ghi chú “không dạy”, “không làm”, “không thực hiện” hay “khuyến khích học sinh tự đọc, tự học” được ông Nguyễn Xuân Thành khẳng định sẽ không kiểm tra đánh giá, không đưa vào nội dung đề thi.
“Quy định này không chỉ đặt ra với kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay mà các trường đại học tổ chức thi tuyển sinh riêng năm nay cũng phải tuân thủ khi ra đề thi liên quan tới kiến thức bậc THPT” – ông Thành khẳng định.
Tuy nhiên, nhiều người nhầm nội dung được ghi chú “tự học có hướng dẫn” là phần giảm tải, không phải thi. Về điều này, ông Thành nhấn mạnh “tự học có hướng dẫn” thực chất chỉ là điều chỉnh nhằm đổi mới cách dạy học, khuyến khích học sinh chủ động nghiên cứu trước bài học, thực hiện các yêu cầu học tập với sự hướng dẫn của giáo viên. Vì thế đây là nội dung nằm trong phạm vi kiểm tra, đánh giá và thi.
Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo các nhà trường tăng cường các hình thức dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình, tăng cường hướng dẫn học sinh tự học tại nhà…
“Các trường phải khảo sát chất lượng, đánh giá mức độ tiếp nhận kiến thức của học sinh bằng các hình thức dạy học qua Internet và truyền hình. Nếu còn thiếu hụt, chưa đảm bảo yêu cầu thì cần dành thời gian bổ sung, ôn tập cho học sinh phần kiến thức đã học trong thời gian dịch bệnh, sau đó mới tiếp tục học kiến thức mới để hoàn thành chương trình” – ông Thành chia sẻ.
Đặc biệt, với học sinh cuối cấp, ông Thành nhấn mạnh các trường cần có kế hoạch cụ thể và hướng dẫn mỗi học sinh cũng xây dựng một kế hoạch ôn tập cụ thể, vì thời gian còn lại của học kỳ 2 không có nhiều.
Bài thi tổ hợp vẫn có 3 đầu điểm
Đây là thông tin vừa được chốt tại cuộc họp chiều 27-4 do Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì với Bộ GD-ĐT và Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội và một số ban, ngành liên quan.
Tại cuộc họp này, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng VN cho rằng đa số các trường vẫn đánh giá kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tổ chức là một căn cứ để xét tuyển sinh.
Trong tình huống dịch COVID-19 ảnh hưởng đến mọi hoạt động của ngành GD-ĐT, các trường vẫn mong muốn bài thi tổ hợp của kỳ thi tốt nghiệp THPT giữ nguyên quy định có 3 đầu điểm của ba môn thành phần như các năm trước để tạo điều kiện thuận lợi cho việc tuyển sinh.
Tiếp tục góp ý này, Bộ GD-ĐT quyết định giữ nguyên 3 đầu điểm trong hai bài thi tổ hợp của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay.
VĨNH HÀ