24/12/2024

Covid-19 tàn phá, doanh nghiệp dừng kinh doanh tăng đột biến

Covid-19 tàn phá, doanh nghiệp dừng kinh doanh tăng đột biến

Số liệu Tổng cục Thống kê công bố sáng nay, 29.4, cho thấy các doanh nghiệp bắt đầu “ngấm” thiệt hại nặng nề bởi dịch Covid-19.
Số doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh do Covid-19 tăng mạnh  /// Ảnh Ngọc Thắng
Số doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh do Covid-19 tăng mạnh  ẢNH NGỌC THẮNG
Cụ thể, trong 4 tháng đầu năm, có 22.700 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 33,6% so với cùng kỳ năm trước.
Con số tăng đột biến này được cơ quan thống kê đánh giá hết sức quan ngại. Chưa hết, cả nước cũng có gần 14.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể; 5.277 doanh nghiệp đăng thông báo giải thể và 5.776 doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể với cơ quan thuế.
Chia theo ngành, doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực: bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy (1.900 doanh nghiệp); công nghiệp chế biến, chế tạo có 599 doanh nghiệp; xây dựng có 425 doanh nghiệp… Trong 4 tháng, cả nước còn có 14.300 doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước.
Về đăng ký kinh doanh, theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 4, là thời gian chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, cả nước có 7.885 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký 93.900 tỉ đồng, giảm 46,9% về số doanh nghiệp và giảm 43,8% về vốn đăng ký, so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm, cả nước có 37.600 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm 13,2% so với cùng kỳ năm trước.
Covid-19 tàn phá, doanh nghiệp dừng kinh doanh tăng đột biến - ảnh 1

Doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản lao đao vì Covid-19  ẢNH NGỌC THẮNG

Nguyên nhân chính khiến các doanh nghiệp phải rời bỏ thị trường là những tác động của dịch Covid-19. Chỉ số sản xuất công nghiệp giảm mạnh 10,5% so với cùng kỳ năm trước và là mức giảm duy nhất của tháng 4 trong giai đoạn 2016 – 2020. Tính chung 4 tháng đầu năm 2020, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp chỉ tăng 1,8% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất trong nhiều năm qua.
Một chỉ tiêu quan trọng khác cho thấy khó khăn chồng chất là hoạt động thương mại, dịch vụ. Trong tháng, hoạt động mua sắm hàng hóa, chi tiêu của người tiêu dùng giảm mạnh, nhiều cơ sở lưu trú, ăn uống, lữ hành phải tạm đóng cửa trong thời gian giãn cách xã hội.
Ước tính tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 4 giảm 26% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 tăng 10,3%). Tính chung 4 tháng đầu năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm 4,3%.
Bên cạnh đó, kim ngạch xuất khẩu tháng 4 ước tính giảm 18,4% so với tháng trước và giảm 3,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm 2020, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 162,83 tỉ USD, chỉ tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước.
Cán cân thương mại hàng hóa 4 tháng ước tính xuất siêu 3 tỉ USD, song chủ yếu do nguồn nguyên liệu đầu vào bị gián đoạn. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 20,4 tỉ USD trong tháng, giảm 7,9% so với tháng trước. Tổng kim ngạch nhập khẩu 4 tháng chỉ đạt 79,89 tỉ USD, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm trước.
ANH VŨ
TNO