Thế giới mất nguồn cung lúa mì
Thế giới mất nguồn cung lúa mì
Lần đầu tiên trong một thập niên, thế giới mất nguồn cung lúa mì từ Nga – nước xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới do một số nước đổ xô nhập khẩu lúa mì vì lo ngại về an ninh lương thực.
AFP đưa tin, Nga sẽ tạm ngưng xuất khẩu lúa mì, lúa mạch đen, đại mạch và bắp cho đến ngày 1/7 sau khi hạn ngạch xuất khẩu những loại ngũ cốc này đến tháng 6 đã nhanh chóng được đăng ký hết. Như vậy, nhiều nước trên thế giới sẽ mất đi nguồn cung lúa mì trong vài tháng.
Mới tháng 4 đã hết hạn ngạch tháng 6
Đầu tháng 4, chính phủ Nga thông báo hạn ngạch xuất khẩu một số loại ngũ cốc như lúa mì, lúa mạch… cho đến cuối tháng 6. Tuy nhiên, số hạn ngạch này đã hết sạch vào ngày 26.4, theo thông báo của Bộ Nông nghiệp nước này. Chỉ trong vòng vài tuần, các nhà xuất khẩu đã đăng ký 7 triệu tấn ngũ cốc, hạn ngạch được ấn định đến 30/6.
Ngoài nhu cầu tăng mạnh từ các nước nhập khẩu, đồng ruble của Nga suy yếu cũng tăng thêm sức hút cho ngũ cốc nước này. Bên cạnh đó, việc chính phủ Nga tăng mua dự trữ lương thực đã giúp kiểm soát giá nội địa và đảm bảo khả năng cạnh tranh cho hàng xuất khẩu.
“Sau khi đã xuất khẩu tất cả các loại ngũ cốc theo hạn ngạch, việc xuất khẩu lúa mì, lúa mạch đen, đại mạch và bắp đến các nước không thuộc Liên minh Kinh tế Á Âu (Eurasian Economic Union – EEU) sẽ tạm ngừng đến ngày 1/7/2020”, thông báo khẳng định.
Bộ Nông nghiệp Nga không nêu rõ khi nào chuyến hàng cuối cùng xuất khẩu theo hạn ngạch sẽ rời khỏi nước này. Một lý do khiến hạn ngạch nhanh chóng “bốc hơi” là các nhà xuất khẩu đổ xô làm thủ tục thông quan cho các chuyến hàng tương lai, Reuters dẫn lời Dmitry Rylko, tổng giám đốc Viện Nghiên cứu Thị trường Nông nghiệp. Điều đó có nghĩa là vẫn còn khoảng 3 triệu tấn được xuất khẩu trong 2 tháng tới.
Việc xuất khẩu đến các nước thuộc EEU, bao gồm Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan, vẫn được duy trì. Trong năm nông nghiệp 2018 – 2019, Nga đã xuất khẩu hơn 35 triệu tấn lúa mì và 43,3 triệu tấn ngũ cốc các loại, theo cơ quan thông tấn RIA Novosti.
Nỗi lo chung về an ninh lương thực
Theo Moscow, những hạn ngạch được đưa ra nhằm đảm bảo ổn định nguồn cung và thị trường nước Nga trong bối cảnh dịch Covid-19 đang làm dấy lên nỗi lo về an ninh lương thực toàn cầu.
Lệnh cấm xuất khẩu lúa mì của Nga chỉ duy trì đến khi nông dân bắt đầu thu hoạch vào tháng 7. Tuy nhiên, một số nước lân cận cũng đã giới hạn xuất khẩu ngũ cốc, đe dọa làm chệch hướng thương mại toàn cầu và thổi bùng những lo ngại về việc thiếu lương thực và giá cả tăng cao. Các nước từ Ai Cập đến Thổ Nhĩ Kỳ đang cố gắng tăng tốc nhập khẩu khi còn có thể và các nhà cung cấp của Nga vẫn đang đáp ứng nhu cầu đó.
“Các nước nhập khẩu muốn tăng cường dự trữ vì hiểu rằng họ có thể không còn cơ hội đó sau này”, Andrey Sizov Jr., giám đốc điều hành Công ty tư vấn SovEcon tại Moscow, nhận định.
|
Các cơ quan điều tiết toàn cầu như Tổ chức Lương thực và Nông Nghiệp (FAO) của Liên hiệp quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cảnh báo các nước không nên đưa ra những quy định giới hạn việc xuất khẩu vì như vậy có thể làm gián đoạn chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu trong bối cảnh dịch Covid-19 đang gây xáo trộn lớn về kinh tế.
Tại Kazakhstan đã xảy ra những cuộc biểu tình về nguồn cung lúa mì và bột mì. Gần đây nước này tuyên bố có thể bãi bỏ hạn ngạch đối với xuất khẩu lúa mì và bột mì.
Nga đã từng có lịch sử làm gián đoạn thị trường lúa mì thông qua các quy định giới hạn hoặc đánh thuế và cuối cùng là cấm xuất khẩu năm 2010 sau khi hạn hán làm thiệt hại vụ mùa. Động thái đó đẩy giá các hợp đồng lúa mì tương lai tăng vọt và một số nhà nghiên cứu cho rằng sự việc đã gián tiếp góp phần gây ra những cuộc nổi dậy thuộc phong trào Mùa Xuân Ả Rập.
Trong khi vẫn còn nhiều nguồn cung trên toàn cầu, ký ức về sự thiếu hụt lương thực trong quá khứ đã khơi mào tranh luận xoay quanh chủ nghĩa quốc gia lương thực. Liên hiệp quốc và Liên minh châu Âu cho rằng nguy cơ bất ổn chính trị xã hội đang gia tăng vì đại dịch Covid-19 gây bất mãn và các tổ chức này khẩn thiết kêu gọi các nước không áp dụng những biện pháp bất công như hạn chế nguồn cung lúa mì, cấm xuất khẩu gạo… vì có thể làm ảnh hưởng an ninh lương thực và đẩy giá cả tăng vọt.
NGỌC THU
TNO