Chế ‘tai giả’ tặng y bác sĩ tuyến đầu chống dịch COVID-19
Họ hỏi ý tưởng từ cậu bé Canada, nhóm Anti COVID-19 tại Hà Nội đã làm hàng ngàn chiếc ‘tai giả’ với mong muốn giúp những người trong ngành y không còn bị đau tai trong hàng chục giờ đeo khẩu trang mỗi ngày.
Chế ‘tai giả’ tặng y bác sĩ tuyến đầu chống dịch COVID-19
Họ hỏi ý tưởng từ cậu bé Canada, nhóm Anti COVID-19 tại Hà Nội đã làm hàng ngàn chiếc ‘tai giả’ với mong muốn giúp những người trong ngành y không còn bị đau tai trong hàng chục giờ đeo khẩu trang mỗi ngày.
Nhìn thấy những y bác sĩ tuyến đầu phải gồng mình với dịch bệnh, lại phải chịu nỗi đau khó chịu khi đeo khẩu trang nhiều giờ trong ngày, nhóm thiện nguyện Anti COVID-19 lên kế hoạch làm ra sản phẩm hỗ trợ để giúp các nhân viên y tế hạn chế đau vành tai khi làm việc.
Sau hai ngày lên ý tưởng, nhóm bắt đầu thực hiện những chiếc “tai giả”.
Anh Phan Mạnh Hà, thành viên của nhóm thiện nguyện, cũng là chủ một cơ sở sản xuất đồ da tại quận Cầu Giấy, Hà Nội, cho biết: “Sản phẩm này dựa trên ý tưởng của một cậu bé người Canada trong mùa dịch COVID-19. Từng có kinh nghiệm làm thủ công đồ da nên việc chế tác những sản phẩm như thế này không phải quá khó”.
Vấn đề khó khăn là tìm nguồn nguyên liệu. Dù chi phí vận chuyển silicon từ TP.HCM ra Hà Nội cũng “cả chục triệu đồng”, nhưng nhờ được các nhà hảo tâm giúp đỡ nên “tình hình cũng khá”.
Chị Nguyễn Thị Thùy Trang (Hai Bà Trưng, Hà Nội) – người đồng sáng tạo và thiết kế sản phẩm “tai giả” – cho biết ý tưởng này nảy sinh khi chị có nói chuyện với một bác sĩ ở Viện Huyết học – truyền máu trung ương và biết được các y bác sĩ ở đây đang cần một sản phẩm để giúp họ không còn bị đau tai khi đeo khẩu trang quá lâu.
Trong thời gian đầu tiên thử sản xuất 400 chiếc “tai giả”, các sản phẩm được gửi đến 2 bệnh viện lớn là Viện Huyết học – ruyền máu trung ương và Bệnh viện Bạch Mai để các bác sĩ dùng thử.
“Chúng tôi nhanh chóng nhận được những phản hồi tích cực. Khi sử dụng sản phẩm, các y bác sĩ vui mừng cho biết đeo sản phẩm này giúp cho việc bịt khẩu trang thoải mái như không đeo cái gì trên mặt cả, đôi tai được giảm áp lực rất nhiều” – chị Trang cho biết.
Nhóm thiện nguyện cho biết, đến nay 8.000 chiếc “tai giả” đã được sản xuất sẽ được gửi đến các bệnh viện tuyến đầu chống dịch như Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) và bệnh viện các tỉnh, thành phố trên cả nước.