28/12/2024

Lãnh đạo Liên Hiệp Quốc: ‘không phải lúc’ cắt tài trợ cho WHO giữa cuộc chiến chống đại dịch Covid-19

Lãnh đạo Liên Hiệp Quốc: ‘không phải lúc’ cắt tài trợ cho WHO giữa cuộc chiến chống đại dịch Covid-19

Liên Hiệp Quốc (LHQ) và nhiều quốc gia trên thế giới kêu gọi Mỹ không nên cắt tài trợ cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) giữa lúc đại dịch Covid-19 hoành hành trên toàn cầu.
Bên ngoài trụ sở WHO tại thành phố Geneva, Thụy Sĩ /// Reuters

Bên ngoài trụ sở WHO tại thành phố Geneva, Thụy Sĩ Reuters
Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres tuyên bố “đây không phải là lúc để giảm bớt nguồn lực phục vụ hoạt động của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hoặc bất kỳ tổ chức nhân đạo nào khác trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19“.
“Tôi tin rằng WHO phải được hỗ trợ, vì đó là điều cực kỳ quan trọng để giúp thế giới giành chiến thắng trong cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19. Đây là thời điểm để cộng đồng quốc tế đoàn kết, cùng nhau ngăn chặn Covid-19 và xử lý hậu quả mà đại dịch để lại”, ông Guterres cho biết, theo AFP.
Tuyên bố được đưa ra sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố Mỹ ngừng tài trợ cho WHO vì cơ quan của LHQ đã che đậy mức độ nghiêm trọng của Covid-19 tại Trung Quốc trước khi đại dịch lan rộng khắp thế giới. Mỹ, nhà tài trợ lớn nhất cho WHO, đã tài trợ 400 triệu USD vào năm ngoái.
Phản ứng trước thông tin trên, Thủ tướng New Zealand, bà Jacinda Ardern cho biết: “Vào thời điểm như thế này, chúng ta cần chia sẻ thông tin cùng những khuyến nghị và WHO đã cung cấp điều đó. Chúng ta nên tiếp tục ủng hộ và tài trợ cho WHO”.
Tại buổi họp báo ngày 15.4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên kêu gọi Mỹ thực hiện nghĩa vụ của mình với WHO giữa lúc đại dịch Covid-19 lây nhiễm gần 2 triệu người khắp thế giới với hơn 120.000 người tử vong. Ông Triệu cho rằng quyết định của Mỹ làm ảnh hưởng đến tất cả quốc gia trên thế giới.
“Tăng cường nguồn lực cho WHO là một trong những khoản đầu tư tốt nhất. Đổ lỗi không giúp ích gì. Virus không biết biên giới”, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas viết trên Twitter.
Tổng biên tập Richard Horton của tạp chí y khoa Lancet mạnh mẽ chỉ trích quyết định của ông Trump là “tội ác chống nhân loại… Mỗi nhà khoa học, mỗi nhân viên y tế, mỗi công dân nên phản kháng và nổi dậy chống lại sự phản bội tinh thần đoàn kết toàn cầu này”.
Trong khi đó, ông Patrice Harris, chủ tịch Hiệp hội Y khoa Mỹ, gọi quyết định của tổng thống là “động thái nguy hiểm và sai lầm, gây khó cho công tác ứng phó đại dịch Covid-19”, đồng thời kêu gọi ông Trump xem xét lại.
“Động thái của Mỹ gửi thông điệp sai lầm trong thời gian xảy ra đại dịch” ông Amesh Adalja, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Johns Hopkins (Mỹ) cho biết. Theo ông Adalja, WHO từng phạm sai lầm, chẳng hạn trì hoãn ứng phó dịch Ebola hồi năm 2013 và 2014 ở Tây Phi. Ông Adalja cho rằng cải cách WHO là cần thiết, nhưng chỉ nên thực hiện sau khi thế giới kiểm soát hoàn toàn đại dịch Covid-19.
Ông Leslie Dach, người đứng đầu tổ chức Protect Our Care (Mỹ), cho biết: “WHO cũng có lỗi nhưng việc cắt giảm tài trợ giữa lúc đại dịch hoành hành toàn cầu là vô trách nhiệm. Động thái này chắc chắn sẽ khiến người Mỹ không an toàn”.
Nghị sĩ đảng Dân chủ, Eliot Engel bình luận: “Mỗi ngày trôi qua, cuộc khủng hoảng ngày càng tồi tệ hơn. Trong khi đó, Tổng thống Trump đang cho chúng tôi xem vở kịch chính trị của ông: đổ lỗi cho WHO, Trung Quốc, đối thủ chính trị của mình, rồi đến người tiền nhiệm”.
“Ông Trump làm bất cứ điều gì có thể để làm chệch hướng cuộc khủng hoảng cướp đi mạng sống của hàng ngàn người Mỹ”, ông Engel nói.
Đến nay, Mỹ ghi nhận hơn 600.000 ca nhiễm và hơn 26.000 người tử vong vì Covid-19, theo số liệu của WHO.
PHÚC DUY
TNO