03/01/2025

Viễn cảnh xa vời cho hoà bình của Afghanistan

Viễn cảnh xa vời cho hoà bình của Afghanistan

“Cắt giảm bạo lực” nhằm xây dựng hoà bình ở Afghanistan đã không thể thành hiện thực, khiến cho việc xây dựng hòa bình ở nước này thêm khó khăn.
Thỏa thuận lịch sử được cho là có thể mang lại hòa bình cho Afghanistan sau hơn 2 thập niên chìm trong súng đạn	 /// Ảnh: AFP

Thỏa thuận lịch sử được cho là có thể mang lại hòa bình cho Afghanistan sau hơn 2 thập niên chìm trong súng đạn

Ảnh: AFP

Đổ lỗi cho nhau

Những ngày qua, Mỹ và Taliban liên tục đổ lỗi cho nhau về việc gây ra bạo lực. Cụ thể, Taliban cáo buộc Mỹ tấn công vào dân thường bằng máy bay không người lái. Đồng thời, chính phủ Afghanistan cũng liên tục trì hoãn thả 5.000 tù nhân. Phái đoàn đàm phán về vấn đề phóng thích tù nhân do Taliban cử đến Kabul đã phải quay về vào phút chót.
“Việc thả tù nhân đã bị trì hoãn hết lý do này đến lý do khác cho đến tận bây giờ, do đó chúng tôi sẽ không tiếp tục tham gia vào các cuộc họp không mang lại kết quả”, phát ngôn viên của chính quyền Taliban Suhail Shaheen chia sẻ trên Twitter ngày 7.4.
Ông Matin Bek, thành viên trong phái đoàn đàm phán của chính quyền Afghanistan, cho biết lý do trì hoãn việc phóng thích tù nhân là bởi phía Taliban yêu cầu trả tự do cho 15 chỉ huy cấp cao. “Chúng tôi sẵn sàng thả 400 tù nhân trong giai đoạn đầu nhưng chính Taliban không muốn điều này. Họ đang yêu cầu thả 15 chỉ huy, những kẻ đã giết hại người dân của chúng tôi”, tờ Afghanistan News dẫn lời ông Bek phát biểu trong họp báo ngày 6.4.
Trước đó, phát ngôn viên quân đội Mỹ Sonny Leggett chia sẻ trên Twitter ngày 5.4 chỉ trích Taliban rằng Mỹ và Afghanistan đã tuân thủ các điều khoản quân sự trong thỏa thuận, bất kỳ cáo buộc nào khác đều là vô căn cứ.
Bạo lực liên tiếp leo thang trong khi điều khoản đầu tiên thỏa thuận đặt ra là yêu cầu các bên kiềm chế các cuộc tấn công. Chỉ vài ngày sau khi ký kết, phía Taliban đã tung 5.000 tay súng, tiến hành từ 10 – 20 cuộc tấn công mỗi ngày chống lại lực lượng quân đội chính phủ Afghanistan. Mỹ sau đó đã buộc phải có hành động can thiệp bằng các cuộc không kích “phòng thủ” nhắm vào Taliban ở phía nam tỉnh Helmand. Ngày 7.4, Tân Hoa xã đưa tin lực lượng an ninh Afghanistan đã tiêu diệt chỉ huy cấp cao của Taliban Ansarullah Gajar.

Giằng co giữa nhiều thế lực

Theo báo cáo do tờ The New York Times trích dẫn, những người lính trẻ nhất của Mỹ làm nhiệm vụ tại Afghanistan được sinh ra sau ngày 11.9.2001. Họ không biết tại sao lại ở đây và đang chiến đấu vì điều gì. Chấm dứt cuộc chiến tại đây là một trong những mục tiêu mà Tổng thống Mỹ Donald Trump từng hứa khi tranh cử. Và Washington dường như vẫn đang cố gắng đạt được điều này.
Mới đây, quân đội Mỹ thông báo cắt giảm 1 tỉ USD viện trợ cho quân đội Kabul và sẽ cắt tiếp 1 tỉ USD nữa vào năm 2021. Điều này càng khiến chính quyền Kabul lo lắng sẽ bị Taliban tấn công sau khi Mỹ rút đi. Bên cạnh đó, chính quyền Afghanistan hiện còn chứa đựng nhiều bất ổn nội bộ, khiến Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo vừa qua đã phải đến Kabul để dàn xếp.
Không những vậy, tình hình Afghanistan còn bị giằng co bởi nhiều thế lực như Nga, lực lượng IS, Ấn Độ, Pakistan… Từ những thực tế trên, viễn cảnh hòa bình cho Afghanistan ngày càng khó khăn.
NGỌC MINH KHUÊ
TNO