28/12/2024

Những chiêu trò thâu tóm Biển Đông

Những chiêu trò thâu tóm Biển Đông

Những năm qua, Trung Quốc đồng thời sử dụng nhiều chiêu trò nhằm tiến hành thâu tóm Biển Đông, mà nổi bật là 4 nhóm chiêu trò sau.
Ảnh chụp vệ tinh cho thấy máy bay vận tải quân sự Y-8 của Trung Quốc hạ cánh xuống đá Chữ Thập ngày 28.3 /// ImageSat International
Ảnh chụp vệ tinh cho thấy máy bay vận tải quân sự Y-8 của Trung Quốc hạ cánh xuống đá Chữ Thập ngày 28.3   ImageSat International

Xây dựng hạ tầng, triển khai hàng loạt khí tài

Trung Quốc đã xây dựng hạ tầng, cơ sở vật chất phục vụ quân sự như đường băng, nhà chứa máy bay… ở khắp các thực thể, đảo mà nước này chiếm đóng trái phép ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Các nhà chứa máy bay được xây dựng ở đảo Phú Lâm (Hoàng Sa) và 3 bãi đá Chữ Thập, Vành Khăn và Xu Bi (Trường Sa) đủ sức chứa máy bay tiêm kích J-10 và J-11, máy bay ném bom H-6, máy bay tiếp liệu H-6U, máy bay vận tải Y-8 và máy bay KJ-200 chuyên trinh sát cảnh báo sớm.
Kèm theo đó, Bắc Kinh còn tổ chức diễn tập, điều động tên lửa, chiến đấu cơ đa nhiệm đến các đảo, bãi đá. Cụ thể, về tên lửa thì có tên lửa hành trình chống hạm YJ-12B (tầm bắn 400 km), tên lửa chống hạm YJ-6 (tầm bắn có thể lên đến 200 km, tùy phiên bản), hệ thống tên lửa đối không HQ-9B và HQ-9 được xem là “S-300 phiên bản Trung Quốc” có tầm bắn 200 km chuyên dụng đánh chặn máy bay và tên lửa. Tất nhiên cũng có nhiều hệ thống ra đa, thiết bị giám sát tối tân.

Gây rối bằng tàu chấp pháp “vũ trang”

Không chỉ xây dựng mạng lưới hỏa lực quân sự, Bắc Kinh còn tổ chức các lực lượng mang danh “chấp pháp” để tiến hành gây rối các bên tại Biển Đông. Từ năm 2013, sau khi sáp nhập từ nhiều lực lượng, lực lượng Hải cảnh Trung Quốc (CCG) đóng vai trò chủ đạo, với một cơ số tàu lên đến hàng trăm chiếc, trong đó có những tàu có độ choán nước trên 10.000 tấn và nhiều tàu trên 3.000 tấn. Không những vậy, tàu của CCG còn được vũ trang tối tân gồm pháo lên đến 70 mm, tên lửa, chở theo trực thăng chiến đấu đa nhiệm như tàu hải quân.
Dựa vào ưu thế đó, CCG trở thành lực lượng “hung thần” chuyên gây rối trên Biển Đông. Mới đây nhất, đầu tháng 4, lực lượng của CCG gồm 3 tàu đã phối hợp tấn công và đâm chìm 1 tàu cá Việt Nam.
Trước đó, CCG từng tháp tùng dàn khoan Hải Dương Shiyou 981 xâm phạm chủ quyền Việt Nam năm 2014, hộ tống tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8 xâm phạm chủ quyền và thềm lục địa Việt Nam năm 2019.

Hệ thống quản lý hành chính tự phong

Để hợp pháp hóa quyền quản lý phi pháp, Bắc Kinh ngụy tạo một “hồ sơ hành chính” bằng nhiều cách như tự lập ra cái gọi là “thành phố Tam Sa” năm 2007 để quản lý một khu vực rộng lớn, bao gồm cả các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.
Kèm theo đó là nhiều chiêu trò như tổ chức tuyến du lịch, Trung Quốc lại hình thành các cơ sở hành chính, rồi tổ chức du lịch đến các khu vực trên, hay kêu gọi đầu tư…
Đặc biệt, để củng cố cái gọi là quyền quản lý hành chính thực tế, Bắc Kinh tự cho quyền ấn định cả những giai đoạn cấm đánh bắt cá trên biển, rồi từ đó điều động một lực lượng tàu vũ trang mang danh tàu chấp pháp để gây rối ngư dân các nước.

Tuyên truyền sai trái

Khoảng hai năm qua, Trung Quốc còn xây dựng một số trung tâm nghiên cứu như Sáng kiến minh bạch chiến lược Biển Đông (SCSPI) – Đại học Bắc Kinh (Trung Quốc), Viện Nghiên cứu Nam Hải (cách Trung Quốc gọi Biển Đông)… Qua đó, Bắc Kinh tìm cách chiêu dụ những chuyên gia quốc tế để thực hiện các chiến dịch truyền thông chối bỏ trách nhiệm, đổ lỗi… về các bất ổn trên Biển Đông, rồi mở đường cho việc tạo cớ gây căng thẳng.
Nổi bật cho chiêu trò này là TS Mark Valencia, thuộc Viện Nghiên cứu Nam Hải, liên tục có những bài viết đánh tráo khái niệm để đổ lỗi cho Việt Nam cùng một số nước khác gây rối trên Biển Đông khiến Trung Quốc phải tăng cường vũ khí để phòng thủ. Luận điệu này cực kỳ sai trái khi chính Trung Quốc từ nhiều năm qua đã đồn trú quân đội, triển khai vũ khí hạng nặng.
HOÀN ĐÌNH
TNO