28/12/2024

Nghề gieo… nước biển

Nghề gieo… nước biển

Với người làm muối mấy năm trước, ‘mùa vắng những cơn mưa’ là mùa vui no đủ. Bây giờ, nắng vẫn thênh thang nhưng diêm dân thì xất bất xang bang do giá muối trượt dài.
Dồn muối vô bao /// Ảnh: Trần Cao Duyên

Dồn muối vô bao  Ảnh: Trần Cao Duyên

Nửa tạ muối không mua nổi… 4 lon nước ngọt

Cánh đồng muối Sa Huỳnh đang vào vụ. Dọc hai thôn Tân Diêm và Long Thạnh 1 (thuộc P.Phổ Thạnh, TX.Đức Phổ, Quảng Ngãi) là hơn 115 ha ruộng muối lóa nắng nhưng thưa thớt bóng người. Tôi gặp nhóm diêm dân già có, trẻ có, đang ngồi nghỉ dưới gốc mấy cây dừa. Cạnh họ là một đống trang (dụng cụ cào muối) nằm ngổn ngang.
Nói về nghề muối, thôn trưởng Tân Diêm Trần Trung Dũng bắt đầu bằng câu vè anh nghe từ nhỏ: “Nậu nại đã dại lại quê/Trời mát thì về, trời nắng ra dang”. Anh Dũng giải thích: Nậu nại là dân làm muối. Còn vì sao nói “dại” và “quê” thì câu thứ hai trả lời rất rõ. Đây là cách họ tự trào về cái nghề cực nhọc và thất thường của mình. Rồi anh nhắc tới đứa con trai đang làm ăn trên phố. Anh Dũng ca cẩm: “Nó từng từ chối thừa kế mấy sào ruộng muối. Cái thằng… trốn muối! Nó hay nói ông trời đã cài đặt cái “app” làm muối vào diêm dân rồi. Hễ trời mát thì ngồi nhà. Trời nắng như đổ lửa thì kéo nhau ra ruộng”.
Cuối tháng giêng là đầu vụ muối. Diêm dân đưa cả nhà ra ruộng san nền, làm bờ, vét mương, dẫn nước, phơi nắng đến 3 – 4 ngày sau muối mới kết tinh. Trời thương thì vậy. Không thương, ổng tương cho một trận mưa rào thì có mà công cốc, nước biển lại trả về cho biển.
Sau 4 ngày đảo nước kết hợp dang phơi, muối kết tinh trắng đến lóa mắt. Diêm dân dùng trang cào lướt trên mặt ruộng rất nhẹ nhàng, tinh tế. Nhẹ tay chút xíu sẽ bỏ sót nhiều hạt muối ngon. Còn nặng tay, dù chỉ một ít thôi, hạt muối sẽ dính bùn đất. “Bữa có ông Tây ba lô dạo ruộng, ra hiệu cho mượn cái trang. Tui đưa. Ổng cào chưa tới chục cào đã thả trang xuống, thở phì phò. Chỗ ổng cào, muối đang trắng trở màu xám xịt”, chị Cúc, vợ thôn trưởng kể.
Nghề gieo... nước biển1

Gánh muối về nhà  Ảnh: Trần Cao Duyên

Gánh muối từ ruộng lên ụ (chỗ tập kết muối) cũng quá nhọc nhằn. Gắng sức chạy lên đỉnh ụ cao 3 – 4 m, mũi miệng thở không đủ, phải huy động cả… hai tai. Trút gánh muối xuống, mồ hôi chảy ròng ròng. Những đống muối lấp loáng như ném ngược nắng lên trời. Thời “hoàng kim”, giá muối Sa Huỳnh dao động từ 900 – 1.500 đồng/kg. Vậy mà giờ giá tuột không phanh, chỉ 600 đồng/kg mà hiếm người mua lắm. Mức giá thảm hại vậy đúng là… tủi thân cho người làm muối. Trong tình cảnh ấy, tôi có cảm giác muối trắng đến xót xa. Tính ra, nửa tạ muối mua không nổi 4 lon nước ngọt cho cả nhà giải khát tại ruộng. Làng này không ai no đủ nhờ muối, giàu từ muối lại càng không.

Khát một tương lai gần

Năm 2006, một “nhà máy tiền tỉ” mọc lên trên vùng nguyên liệu muối Sa Huỳnh nhằm chế biến muối thô thành muối tinh chất lượng cao. Diêm dân khấp khởi mừng. Càng mừng hơn khi muối Sa Huỳnh được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) công nhận thương hiệu. Vậy mà chỉ ít lâu sau, khi muối ùn ùn dưới ruộng thì trên bờ hoạt động thu mua cầm chừng rồi dừng hẳn. Nhà máy “đứng hình”, chuyển sang chế độ… đắp chiếu. “Muối Sa Huỳnh có thương hiệu mà không có thương trường”, anh Dũng nói.
Nghề gieo... nước biển2

Nhọc nhằn nghề muối  Ảnh: Trần Cao Duyên

Mỗi năm, đồng muối Sa Huỳnh cho sản lượng khoảng 9.000 tấn. Bị tư thương ép giá, dân chỉ bán nhỏ giọt để chi tiêu qua ngày. “Bán hết với giá rẻ mạt thì tiếc quá. Bao nhiêu là mồ hôi nước mắt!”, diêm dân Nguyễn Ngọc Thạch thở than. Bên “công thương” họ chỉ hô hào chứ không có giải pháp bao tiêu căn cơ nên hộ nào cũng ứ đọng vài chục tấn. Muối mới chồng lên muối cũ. Ụ muối càng cao, đời sống diêm dân càng thấp. Những ụ muối phủ bạt ven quốc lộ 1 nằm im lìm như những dấu chấm lửng buồn miên man…
Đã có 79 hộ ở Tân Diêm bán ruộng cho “dự án khu dân cư”. Nghĩa là sẽ có một khu biệt thự mọc lên trên 19 ha từng là ruộng muối. Nhớ thuở giá muối còn ổn định, dân muối vui lắm, từng “nổ” rằng làm muối sướng nhất. Làm ruộng phải gieo mạ. Còn làm muối chỉ cần gieo… nước biển. Coi như “đầu vào biển cho, đầu ra nhà nước lo”. Khỏi lăn tăn gì. Giờ muốn nghe lại câu đó chắc phải chờ… một phép mầu.
Hỏi, sau khi bán, 30 ha ruộng muối còn lại ở cánh đồng Tân Diêm rồi sẽ ra sao? Ráng giữ hay là… từ từ thu hẹp lại? Diêm dân Lê Sơn đăm chiêu nhìn ra cánh đồng đầy nắng, giọng mặn chát: “Ai biết trước chuyện gì. Cách đây mấy năm, tui đâu nghĩ có ngày diêm dân bán ruộng”.
Đã có những bản kế hoạch to tát, dài hơi, thể hiện tầm nhìn 10 năm sau cho nghề muối Sa Huỳnh. Người làm muối nghe nhưng khó hình dung vì tương lai xa vời vợi. Họ đang khát một tương lai gần. Ước gì bây giờ loa phường thông báo: “Bà con yên tâm. Muối quê ta sắp được giải cứu” thì chắc chắn cả làng vui như ngày hội.
Chuyện quanh hạt muối ngày xưa
Thời Pháp thuộc, muối là một trong những sản phẩm độc quyền của nhà nước bảo hộ. Sở Thương chánh (dân quen gọi là Sở Tây) quản lý chặt sản lượng muối. Trước khi nhập kho, từng ụ muối được đóng dấu nghiêm cẩn. Diêm dân làm công cho “nhà nước” với thù lao ba cọc ba đồng. Thường chỉ 4 ngày là muối kết tinh. Nhưng Sở Tây buộc phải dang muối đúng 7 ngày mới cho thu hoạch để bớt tiền nhân công. Mặt khác, Sở Tây cũng không muốn sản xuất nhanh vì sợ khủng hoảng thừa.
Cái thời đói mòn đói mỏi. Chính người làm ra muối cũng… đói muối. Nên lúc thu hoạch, ai giấu được vài lon muối là mừng lắm. Phần để dành ăn, phần đem ra chợ bán cũng mua được chút ít thịt cá. Có lần quan Tây kiểm tra ụ muối thấy mất dấu liền vụt roi vào mấy công nhân gánh muối. Tức quá, diêm dân Võ Kế (đã mất) là cha anh Võ Danh, người giờ vừa làm muối vừa chạy xe ôm kiếm tiền chạy chợ, ném gánh muối, đấm thẳng vào mặt quan Tây. Hắn bợ cái mũi “ăn trầu” bỏ chạy. Sợ bị trả thù, gia đình ông Kế đang đêm dắt díu nhau chạy trốn, mãi sau 1954 mới quay về làng.
Lại có giai thoại rằng xưa, thanh niên làng muối Tân Diêm qua làng chài Thạch By kế bên ve gái. Được người “có chữ” chỉ vẽ, thanh niên Thạch By hát khích: “Thạch By ăn cá bỏ đầu/Tân Diêm thấy vậy xỏ xâu xách về”. Thanh niên Tân Diêm giận lắm, vừa ra khỏi cổng làng Thạch By đã quay lại gào lên: “Tân Diêm có hột muối to/Thạch By lượm mót về kho cá ngừ”. Đêm đó, “biên giới” hai thôn xảy ra hỗn chiến. Không chết ai nhưng bên nào cũng có người sưng đầu mẻ trán, răng văng khỏi lợi. Hai lý trưởng họp khẩn để phân xử. Lý trưởng Tân Diêm nói bọn trẻ hai làng bất hòa là do… muối một phần, cá một phần. Thôi thì thế này, cá không ăn muối cá ươn, muối không ăn cá thì… thì… Nói tới đây, biết bị hớ nên ổng im re. Lý trưởng Thạch By lệnh cấm thanh niên Tân Diêm vào làng ve gái. Nghe đâu mấy tháng sau, lệnh này mới được quan huyện gỡ bỏ.
TRẦN CAO DUYÊN
TNO